UNDP hỗ trợ 1.500 bộ sinh phẩm xét nghiệm RT PCR khẩn cấp cho nơi bùng phát COVID-19

15:32 | 01/06/2021 Print
- Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) vừa cung cấp hơn 1.500 bộ sinh phẩm xét nghiệm RT PCR cho Bộ Y tế Việt Nam (MOH) để hỗ trợ nỗ lực xét nghiệm khẩn cấp tại các điểm bùng phát dịch.

Những bộ sinh phẩm xét nghiệm này được sản xuất tại Việt Nam theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và được mua sắm với nguồn kinh phí do quỹ JSB của Nhật Bản và nhóm sản xuất Ghen CoVy tài trợ.

Đầu năm nay, mười máy xét nghiệm sinh học phân tử Real-time PCR đã được chuyển giao và lắp đặt tại Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh ở mười tỉnh. Các thiết bị thử nghiệm đã được được UNDP hỗ trợ mua qua hệ thống mua sắm trang thiết bị y tế toàn cầu của mình, với sự tài trợ của Quỹ Toàn cầu Phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét (GFATM).

Thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ Y tế, PGS.TS. Phan Lê Thu Hằng gửi tới Trưởng đại diện và các cán bộ của UNDP lời cảm ơn trân trọng vì những hỗ trợ quý báu và hiệu quả đã dành cho ngành Y tế Việt Nam trong thời gian qua và tin tưởng hợp tác trong lĩnh vực y tế giữa Việt Nam và UNDP sẽ tiếp tục phát triển, bền chặt.

Bà Hằng cho biết đến nay, cơ bản các ổ dịch đã được kiểm soát, song cục bộ một số địa phương dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại Bắc Giang, Bắc Ninh, TPHCM. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang bùng phát, UNDP hỗ trợ bộ sinh phẩm xét nghiệm RT PCR cho Bộ Y tết là rất thiết thực, góp phần tăng cường kiểm soát dịnh bệnh Covid-19 tại Việt Nam”, bà Hằng nhấn mạnh.

Bàn giao bộ xét nghiệm cho Bộ Y tế, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam bà Caitlin Wiesen đánh giá cao quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu kép “vừa ngăn chặn đại dịch COVID-19, vừa phục hồi nền kinh tế”. Bà nhắc lại cam kết của UNDP trong việc hỗ trợ nỗ lực này, trên cơ sở Bản ghi nhớ đã được UNDP và Bộ Y tế ký kết nhằm hỗ trợ ngành y tế sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu và nâng cao năng lực cho các hoạt động mua sắm tập trung.

Bà nêu rõ: “Việc quản lý các đợt bùng phát COVID-19 ở các khu vực khác nhau của Chính phủ thật phi thường. Kinh nghiệm của Việt Nam trong việc ngăn chặn đại dịch, với việc huy động toàn bộ chính phủ và toàn xã hội, đã được thế giới công nhận là cách làm hay. Tôi rất xúc động khi thấy số lượng bác sĩ, y tá từ khắp mọi miền của đất nước lên đường chi viện cho các tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Với kinh phí do quỹ JSB của Nhật Bản và nhóm sản xuất Ghen CoVy tài trợ, UNDP cung cấp các bộ sinh phẩm xét nghiệm này nhằm hỗ trợ nỗ lực xét nghiệm khẩn cấp tại các điểm dịch bùng phát.”

UNDP đã và đang phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan và các tổ chức Liên hợp quốc nhằm hỗ trợ Việt Nam ứng phó với đại dịch COVID-19, với sứ mệnh xóa nghèo, giảm bất bình đẳng, và xây dựng khả năng chống chịu khủng hoảng và những cú sốc. UNDP ủng hộ cách tiếp cận của Chính phủ và tin tưởng vào cách tiếp cận đa ngành, toàn xã hội, và toàn chính phủ, giải quyết thách thức, hạn chế sự lây lan của COVID-19 và giảm thiểu tác động tiêu cực đối với các nhóm dân cư và nền kinh tế dễ bị tổn thương.

Hỗ trợ lộ trình chuyển đổi kỹ thuật số của Việt Nam đến năm 2025, dự án ứng phó với đại dịch COVID-19 của UNDP do Quỹ JSB của Nhật Bản tài trợ đang hỗ trợ Bộ Y tế triển khai thí điểm nền tảng khám chữa bệnh từ xa tại các tỉnh vùng sâu vùng xa nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh tật và tăng cường chăm sóc sức khỏe toàn dân, bao gồm đồng bào dân tộc thiểu số và người khuyết tật. Đồng thời, 19 robot đã được triển khai tại 10 bệnh viện ở sáu tỉnh/ thành. Những robot này đang được sử dụng để bảo vệ các bác sĩ và y tá tuyến đầu khi họ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trong phòng cấp cứu tại các bệnh viện này. Trong khi đó, một giải pháp kỹ thuật số quản lý kho PPE đã được áp dụng tại 13 cơ sở y tế và sẵn sàng nhân rộng và mở rộng sang các vật tư y tế khác./.

Hiếu Phương

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư