e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Dự báo kinh tế

Số doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng, cần giúp doanh nghiệp trụ vững trong đại dịch

17:49 | 02/06/2021 Print
- Số liệu thống kế từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, số doanh nghiệp gia nhập thị trường và quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm tiếp tục gia tăng, đây là tín hiệu sáng trong bối cảnh dịch Covid - 19 rất phức tạp. Cộng đồng doanh nghiệp vẫn rất cần được hỗ trợ để vượt qua khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp mới khai sinh so với cùng kỳ

Số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 5/2021 tăng 8,1% về số lượng và tăng 33,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 78,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2020; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14 tỷ đồng, tăng 20,9%.

Cụ thể, tính riêng trong tháng 5, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong tháng 5 năm 2021 là 16.495 doanh nghiệp (tăng 4,5% so với cùng kỳ 2020), bao gồm: 11.603 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 8,2%) và 4.892 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 3,2%).

Riêng về doanh nghiệp thành lập mới, trong tháng 5 năm 2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 11.603 doanh nghiệp, tăng 8,2% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2020, số vốn đăng ký là 150.606 tỷ đồng, tăng 33,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020). Vốn đăng ký bình quân đạt 13 tỷ đồng, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, nếu tính thêm hai doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông tại Thành phố Hồ Chí Minh có số vốn đăng ký tăng đột biến 525 nghìn tỷ đồng thì số vốn đăng ký trong tháng 5/2021 tăng tới trên 499% so với cùng kỳ năm trước (hai doanh nghiệp này đăng ký thành lập ngày 20/5/2021, có chung nhau một đại diện theo pháp luật và đang trong quá trình hoàn tất việc góp vốn).

Như vậy, tính chung tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 5 tháng đầu năm 2021 là 78.333 doanh nghiệp (tăng 11,9% so với cùng kỳ 2020), bao gồm: 55.769 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 15,4%) và 22.564 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 3,9%). Trung bình mỗi tháng có 15.667 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Theo đánh giá của Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, đây là nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát kể từ cuối tháng 4/2021.

Đáng chú ý, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho rằng, với số doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng năm 2021 là 55.769 doanh nghiệp, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2020, đây là số doanh nghiệp thành lập mới cao nhất trong giai đoạn 5 tháng đầu năm trong giai đoạn 2016-2021. Sự gia tăng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thể hiện niềm tin và sự kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp đối với triển vọng phát triển kinh tế thời gian tới.

Về số vốn rót vào nền kinh tế, tính chung tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 5 tháng năm 2021 là 1.753.416 tỷ đồng (tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 778.327 tỷ đồng (tăng 39,5% so với cùng kỳ năm 2020). Có 19.066 doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng vốn trong 5 tháng năm 2021 (tăng 26,6% so với cùng kỳ năm 2020), số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động đạt 975.089 tỷ đồng (tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2020). Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 5 tháng năm 2021 đạt 14 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Số lĩnh vực doanh nghiệp thành lập mới tăng nhiều hơn

Phân chia theo lĩnh vực hoạt động, đại diện Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh cho biết, tháng 5/2021 ghi nhận 13/17 lĩnh vực có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó những lĩnh vực có mức tăng cao nhất là: Hoạt động dịch vụ khác tăng 74,6%; Kinh doanh bất động sản tăng 60,4%; Giáo dục và đào tạo tăng 53,5%; Thông tin và truyền thông tăng 41,4%.

Đáng chú ý, một số lĩnh vực chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng ghi nhận số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng như: Dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác tăng 11,6%; Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 8,4%; Nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 13,2%.

Trong khi đó, chỉ có 3/17 lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2020: trong đó Sản xuất, phân phối điện, nước, gas ghi nhận mức giảm mạnh giảm 71,6%; Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm 16,8%; Xây dựng giảm 3,6%. Ngành Khai khoáng có số doanh nghiệp đăng ký không thay đổi so với cùng kỳ năm 2020.

Phân theo địa bàn hoạt động, trong tháng 5/2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng ở 32/63 địa phương, giảm ở 28/63 địa phương và không thay đổi tại 03/63 địa phương. Trong số 30 địa phương có ca bệnh Covid-19, có 10 địa phương ghi nhận số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 5/2021 giảm so với cùng kỳ năm 2020, cụ thể là các tỉnh/thành phố: Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Điện Biên, Lạng Sơn, Sơn La, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và Đắk Lắk trong đó mức giảm mạnh nhất ghi nhận ở Đắk Lắk (giảm 40,4%),Vĩnh Phúc (giảm 29,7%) và Điện Biên (giảm 36,4%).

Tính chung 5 tháng đầu năm, có 16/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2020. Các lĩnh vực có mức đăng ký thành lập mới tăng mạnh là: Kinh doanh bất động sản (tăng 57%); Hoạt động dịch vụ khác (tăng 43,6%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 40,7%); Giáo dục và đào tạo (tăng 36,7%)…

Các ngành có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chiếm tỷ lệ lớn nhất, gồm: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có 18.538 doanh nghiệp (chiếm 33,2%); Công nghiệp chế biến, chế tạo có 7.197 doanh nghiệp (chiếm 12,9%); Xây dựng có 7.120 doanh nghiệp (chiếm 12,8%). Trong khi đó, trong 5 tháng, chỉ có 1/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2020, đó là: ngành Sản xuất phân phối, điện, nước, gas có 657 doanh nghiệp (giảm 29,2%).

Nếu phân theo quy mô vốn, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng ở cả 5 quy mô vốn. Trong đó, doanh nghiệp thành lập mới tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 49.454 doanh nghiệp (chiếm 88,7%, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2020). Số doanh nghiệp đăng ký thành lập ở quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng là 3.016 doanh nghiệp (chiếm 5,4%, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2020); ở quy mô vốn từ 20 - 50 tỷ đồng là 1.700 doanh nghiệp (chiếm 3,0%, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2020); từ 50 - 100 tỷ đồng là 802 doanh nghiệp (chiếm 1,4%, tăng 41,7% so với cùng kỳ năm 2020) và ở quy mô trên 100 tỷ đồng là 797 doanh nghiệp (chiếm 1,4%, tăng 43,3% so với cùng kỳ năm 2020).

Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh tăng

Tháng 5 năm 2021 ghi nhận có 4.892 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên tính chung 5 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 22.564 doanh nghiệp, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhiều nhất trong tháng 5/2021 là: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (7.917 doanh nghiệp, chiếm 35,1%); Xây dựng (3.379 doanh nghiệp, chiếm 15%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (2.786 doanh nghiệp, chiếm 12,3%).

Cũng trong 5 tháng đầu năm nay, có 59,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: 31,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước; 20 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 20,7%; 8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 32,3%, trong đó có 7.153 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, tăng 31,8%; 86 doanh nghiệp có vốn trên 100 tỷ đồng, giảm 1,1%.

Nhận định về bức tranh gia nhập thị trường của doanh nghiệp 5 tháng đầu năm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng nếu chỉ nhìn từ số DN thành lập mới và số vốn đăng ký của các DN thành lập mới trong 5 tháng đầu năm 2021 thì đây là dấu hiệu khởi sắc so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ông Doanh cũng lưu ý rằng chưa thể đánh giá một cách thực sự lạc quan, bởi bên cạnh số DN thành lập mới và số vốn đăng ký mới tăng mạnh thì số DN dừng hoạt động, giải thể trong 5 tháng đầu năm cũng tăng khá lớn, trên 23% so với cùng kỳ năm 2020. Điều đó cho thấy, cộng đồng DN trong nước vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn và cần được hỗ trợ để ổn định sản xuất, kinh doanh với các giải pháp và chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn.

Thận trọng hiện tượng doanh nghiệp đăng ký vốn cao đột biến

Một hiện tượng rất đáng chú ý là trong tháng 5/2021 có một doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh đăng ký thành lập mới với số vốn điều lệ lên đến 500 ngàn tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Với số vốn đăng ký cao một cách đột biến này, nếu doanh nghiệp thực sự thành lập và góp vốn đúng như đã đăng ký thì đây là doanh nghiệp tư nhân có số vốn điều lệ cao hơn cả số vốn của nhiều DN nhà nước và các tập đoàn tư nhân lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.

Đánh giá về hiện tượng này, các chuyên gia cho rằng cần có cái nhìn thận trọng chứ chưa vội mừng, bởi thực chất hiện tượng này như thế nào là vấn đề cần được làm rõ, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn chung của cộng đồng doanh nghiệp do tác động từ dịch Covid – 19 quay trở lại với diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay.

Theo chuyên gia Lê Đăng Doanh, khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay nếu số vốn 500 nghìn tỷ đồng mà doanh nghiệp đăng ký là thật thì là điều đáng mừng. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng cần xác minh lại rõ liệu DN đăng ký vốn thành lập có chính xác không, nếu chính xác thì cần làm rõ nguồn gốc của số vốn đột biến đó cụ thể ở đâu, như thế nào mà có.

Dẫn lại 1 trường hợp tương tự năm 2020, cũng có một DN đăng ký thành lập mới với số vốn lên tới 144 ngàn tỷ đồng, tuy nhiên sau 90 ngày các cá nhân thành lập pháp nhân đã hủy đăng ký DN, ông Doanh lưu ý cần có những giải pháp hữu hiệu để tránh xảy ra trường hợp tương tự, tuy nhiên không làm ảnh hưởng đến quyền tự do thành lập và kinh doanh của doanh nghiệp.

“Luật Doanh nghiệp hiện hành cho phép các cổ đông sáng lập công ty có quyền tự do đăng ký vốn góp khi thành lập DN, do đó, muốn đăng ký thành lập với số vốn bao nhiêu là quyền của DN, tuy nhiên, để giám sát việc DN có góp đủ và đúng số vốn như đăng ký hay không thì cần có hậu kiểm từ cơ quan chức năng. Theo quy định hiện nay, trong thời hạn 90 ngày sau khi thành lập pháp nhân, các cổ đông không góp vốn đúng cam kết, DN sẽ phải giảm vốn điều lệ, nếu không sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Cơ quan chức năng hoàn toàn có thể giám sát chặt chẽ quá trình góp vốn này của DN để có thể đánh giá thực sự bản chất câu chuyện này”, ông Doanh nhấn mạnh.

Hiếu Phương

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư