Giải ngân đầu tư công vẫn rất chậm

20:43 | 02/06/2021 Print
- Giải ngân kế hoạch vốn 5 tháng đầu năm 2021 mới đạt trên 102.029 tỷ đồng, bằng 22,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (25,98%).

5 tháng đầu năm, vốn đầu tư công đã phân bổ được 461.300 tỷ đồng, mà mới giải ngân được 133,4 nghìn tỷ đồng

Tháng 5/2021, tổng số vốn đầu tư đã được phân bổ đạt 88,11% kế hoạch

Báo cáo của Bộ Tài chính vừa được công bố cho biết, tính từ đầu năm đến hết tháng 5/2021, tổng số vốn đầu tư đã được phân bổ là 406.463,67 tỷ đồng, đạt 88,11% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Nếu so với kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công là 461.300 tỷ đồng mà Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện trong năm 2021, thì trong 7 tháng còn lại của năm 2021, vốn đầu tư công phải phân bổ còn khoảng 54,837 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 11,89% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, nếu tính cả số kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương mà các địa phương đã giao tăng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là trên 49.078 tỷ đồng thì số vốn đã được phân bổ 5 tháng đầu năm 2021 là 455.541,97 tỷ đồng, đạt 98,75% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Trong tổng số vốn đã phân bổ 5 tháng qua thì vốn ngân sách trung ương là 169.626,7 tỷ đồng, đạt 82,34% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Vốn cân đối ngân sách địa phương là 285.915,265 tỷ đồng, đạt 111,99% kế hoạch vốn Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao.

Song, giải ngân vẫn rất chậm

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính chung 5 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 133,4 nghìn tỷ đồng, bằng 28,7% kế hoạch năm và tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 bằng 22,8% và tăng 16,2%).

Trong đó, vốn do Trung ương quản lý đạt 20,9 nghìn tỷ đồng, bằng 27,1% kế hoạch năm và tăng 21,4% so với cùng kỳ năm trước; vốn địa phương quản lý đạt 112,5 nghìn tỷ đồng, bằng 29% kế hoạch năm và tăng 13%.

Báo cáo đưa ra danh sách 7 bộ và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25% kế hoạch. Đặc biệt có một số địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, như: Kiểm toán nhà nước giải ngân đạt 46,89%, tỉnh Thái Bình đã giải ngân đạt 73,74%, Hưng Yên đạt 47,22%, Nam Định đạt 45,17%, Thanh Hóa đạt 44,39% và Hà Nam đạt 41,46%...

Có 39 trong tổng số 50 bộ, ngành và 17 trong tổng số 63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%. Đặc biệt có 13 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn và có 8 bộ có tỷ lệ giải ngân dưới 1%.

Một số bộ, ngành và địa phương có tỷ lệ vốn chưa phân bổ cao, gồm: Bộ Thông tin và Truyền thông còn trên 94,77%, Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc còn trên 88%, Ban quản lý Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam còn trên 85,21%, tỉnh Phú Thọ còn 84,3%, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh còn 82,16%, Bộ Y tế còn 75,91%, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam còn 74,47%, Bộ Khoa học và Công nghệ còn 77,11%, tỉnh Hưng Yên còn 56,35%, tỉnh Bắc Ninh còn 53,06%...

Nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công ở một số bộ, ngành và địa phương được Bộ Tài chính cho là do các đoan vị này mới giao kế hoạch vốn đợt 1, số vốn còn lại chưa phân bổ cho các dự án chưa đủ điều kiện bố trí vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2021 do các dự án khởi công mới chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Đặc biệt, giải ngân nguồn vốn nước ngoài rất thấp, mới đạt gần 3%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ trong năm 2020.

Vì vậy, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2021 cũng như giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 23/5/2021 về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với các bộ, cơ quan về việc cập nhật, bổ sung đánh giá báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để chuẩn bị báo cáo các cấp có thẩm quyền.

Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải dứt khoát khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, chia cắt cũng như tâm lý trông chờ, ỷ lại ở Trung ương, đồng thời chống tiêu cực, nghiêm cấm “chạy” dự án, để hoạt động giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được xác định là phần quan trọng của “cỗ xe tam mã” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2021.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, theo tinh thần của Chỉ thị 13/CT-TTg, tính đến thời điểm này, các bộ ngành, địa phương đã công bố danh mục cắt giảm đầu tư khoảng 1.000 dự án.

“So với yêu cầu cắt giảm khoảng 1.500 dự án của Thủ tướng, con số cắt giảm đến thời điểm này về cơ bản đã đạt mục tiêu Thủ tướng đặt ra”, Thứ trưởng Phương khẳng định.

Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng liên tục gửi công điện khẩn tới các bộ ngành và địa phương yêu cầu báo cáo về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cũng như về giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm.

Dự kiến giai đoạn 2021-2025, dự án đầu tư công tiếp tục giảm xuống 5.000 dự án theo yêu cầu của Thủ tướng, nghĩa là giảm hơn một nửa so với giai đoạn 2016-2020 (11.000 dự án), và hơn 4 lần so vơi giai đoạn 2011-2015 (22.000 dự án).

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong bối cảnh này, nhiệm vụ Chính phủ đặt ra cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các bộ ngành, địa phương khác là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Dự kiến ngày mai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải trình Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tại phiên họp thường kỳ tháng 5/2021 và xin ý kiến của Đảng, Quốc hội để tiếp thu, hoàn thiện trước khi báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội theo quy định, bảo đảm tiến độ, chất lượng./.

Trí Dũng

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư