e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Dự báo kinh tế

Giá nguyên vật liệu tăng cao, cảnh giác với nguy cơ lạm phát

10:29 | 03/06/2021 Print
- Từ đầu năm đến nay, hàng loạt sản phẩm, nguyên liệu đầu vào và nhiều loại tài sản có diễn biến tăng giá. Theo Tổng cục Thống kê, dù CPI bình quân quý I/2021 tăng 0,29%, thấp nhất trong 20 năm, nhưng mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2021 không đơn giản.

Giá xăng dầu tăng là một trong số những nguyên nhân chính làm CPI tháng 5 tăng 0,16%

Giá xăng, dầu tăng góp phần "đẩy"" CPI tháng 5 tăng 0,16%

So với tháng trước, CPI tháng 5/2021 tăng 0,16% (khu vực thành thị và khu vực nông thôn cùng tăng 0,16%).

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tháng 5 có 8 nhóm tăng giá so với tháng trước (nhóm giao thông, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, chỉ số giá điện, nước sinh hoạt, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm thiết bị và dồ dùng gia đình, nhóm đồ uống và thuốc lá, nhóm giáo dục, nhóm thuốc và dịch vụ, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác) và 3 nhóm giảm giá (nhóm văn hóa, giải trí và du lịch, nhóm bưu chính, viễn thông, nhóm may mặc, mũ nón, giày dép).

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 5/2021 tăng 2,9%. So với tháng 12/2020, CPI tháng 5 tăng 1,43%.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2021 tăng 1,29% so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng bình quân 5 tháng thấp nhất kể từ năm 2016.

Theo đó, một số nguyên nhân làm tăng CPI trong 5 tháng đầu năm 2021 là do, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao làm cho giá gạo 5 tháng đầu năm 2021 tăng 7,27% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,19 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở 5 tháng đầu năm 2021 tăng 4,22% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào. Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, giá gas 5 tháng đầu năm tăng 15,32% so với cùng kỳ năm trước. Giá xăng, dầu trong nước bình quân 5 tháng tăng 12,08% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, giá dịch vụ giáo dục 5 tháng đầu năm 2021 tăng 4,47% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng từ đợt tăng học phí năm học mới 2020-2021 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ.

Cơ quan thống kê quốc gia cũng thông tin, lạm phát cơ bản tháng 5/2021 tăng 0,15% so với tháng trước, tăng 1,13% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân 5 tháng đầu năm 2021 lạm phát cơ bản tăng 0,82% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,29%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu và giá gas tăng. Mức lạm phát cơ bản tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

Không nên điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý

Từ đầu năm đến nay, hàng loạt sản phẩm, nguyên liệu đầu vào đến nhiều tài sản đều lần lượt tăng giá. Chẳng hạn sắt thép, xi măng đã tăng từ 35 - 40%, bắp, đậu, cám gạo tăng mạnh từ 20% - 70%; giá xăng hiện nay cũng vượt 19.000 đồng/lít, tăng gần 14% so với cuối năm 2020 và tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm trước; giá nhà đất, chứng khoán cũng bật tăng mạnh. Đó là chưa kể học phí của nhiều trường đại học cũng sẽ tăng từ năm học 2021 - 2022 khiến nhiều gia đình đang lo lắng vì ảnh hưởng đến chi tiêu hằng tháng.

Theo Tổng cục Thống kê, dù CPI bình quân quý I/2021 tăng 0,29%, thấp nhất trong 20 năm, nhưng mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2021 không đơn giản bởi Mỹ và nhiều nước tung ra các gói kích thích kinh tế, giá dầu thô thế giới lại tăng mạnh. Vì vậy, Tổng cục Thống kê cũng khuyến nghị, để đạt mục tiêu lạm phát ở mức 4% trong năm nay, không nên điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý, đồng thời không dồn tăng giá các mặt hàng này vào cuối năm khi nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng cao...

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cũng nhận định rằng, nguy cơ lạm phát là rất lớn cho nhiều nền kinh tế và cả Việt Nam. Nguy cơ này xuất phát từ giá nguyên vật liệu như xăng dầu, sắt thép đã tăng nhanh từ thế giới đến trong nước. Trong khi đó, nhu cầu sản xuất từ sự phục hồi kinh tế ở các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc đang tăng sẽ tiếp tục khiến giá hàng hóa khó giảm trở lại và vẫn duy trì ở mức cao như hiện nay.

Ngoài ra, chính sách tiền tệ nới lỏng được nhiều nước đồng loạt áp dụng và duy trì thời gian dài vừa qua để hỗ trợ nền kinh tế khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế nói chung ở mức thấp so với giai đoạn trước đây cho thấy lượng hàng hóa dịch vụ sản xuất không theo kịp lượng cung tiền. Điều đó cũng đẩy giá hàng hóa đi lên. Hơn nữa, quá trình hồi phục kinh tế của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong giai đoạn sắp tới sẽ kích hoạt tình hình lạm phát diễn ra nhanh hơn./..

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư