e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị lùi thời hạn yêu cầu lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải

16:36 | 03/06/2021 Print
- Các kiến nghị của Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, Hiệp hội Logistics Việt Nam về việc lùi thời hạn yêu cầu lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải mới đây tiếp tục được Ban IV đưa vào báo cáo kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải.

Phản ánh kiến nghị liên quan đến việc này thực tế đã được Ban IV tiếp nhận và tổng hợp trong báo cáo Thủ tướng tháng 01-02/2021. Tuy nhiên đáng chú ý là phản hồi của Bộ Giao thông Vận tải là vẫn yêu cầu DN thực hiện quy định này từ ngày 1/7/2021 và sẽ xử phạt nghiêm các DN chưa tiến hành lắp camera khiến các DN rất lo ngại.

Lắp rồi vẫn khó

Chia sẻ về khó khăn đối với DN vận tải đã triển khai lắp đặt camera giám sát trước khi có quy định bắt buộc, báo cáo của Ban 4 dẫn kiến nghị từ các Hiệp hội cho biết những DN kinh doanh vận tải có số lượng xe lớn và có ý thức tuân thủ pháp luật tốt hầu hết đã chủ động triển khai việc lắp thiết bị camera để phục vụ mục đích quản lý, cũng như lắp đặt thiết bị GPS theo đúng quy định trên các xe ngay từ khi bắt đầu kinh doanh và bổ sung khi có thêm xe.

Trước thời điểm Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT được ban hành, Bộ Giao thông Vận tải chưa có một hướng dẫn cụ thể nào về các yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với camera lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải.

Khi Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT được ban hành, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu DN đến trước ngày 01/7/2021 phải lắp đặt đồng loạt camera trên toàn bộ xe ô tô kinh doanh vận tải theo đúng các yêu cầu kỹ thuật mới, dẫn tới nhiều vướng mắc cho DN thuộc diện đã lắp đặt camera.

Cụ thể, theo phản ánh của doanh nghiệp, các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với việc lắp đặt camera trong quy định mới là tương đối chi tiết nên vì thế cũng cứng nhắc, nhất là trong bối cảnh công nghệ luôn phát triển, thay đổi nhanh chóng. Nhiều trường hợp DN chỉ vì một hoặc hai tiêu chí chưa giống quy định, nhưng không ảnh hưởng đến mục đích cuối cùng của công tác quản lý và truy xuất dữ liệu, vẫn phải thay thế toàn bộ hệ thống camera đã lắp đặt trước đó nếu không sẽ bị xử phạt.

Đó là chưa kể chi phí để DN thay thế toàn bộ mà không thể nâng cấp hệ thống camera đã lắp là tương đương với chi phí lắp mới và đây là số tiền không nhỏ, nhất là trong bối cảnh các DN kinh doanh vận tải gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra.

Khó khăn đối với DN lắp mới

Khẳng định hoàn toàn nhất trí với chủ trương của Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn thông qua triển khai lắp đặt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, theo phân tích của các doanh nghiệp, việc triển khai lắp đặt camera trong thời điểm dịch bệnh này là bất cập, gây khó khăn cho các DN.

Nếu phải triển khai lắp camera đồng loạt trước tháng 7/2021 và đưa vào vận hành trơn tru, theo tính toán của DN, cần chi phí khoảng 6 triệu đồng cho 1 xe vận tải hàng hóa, và 9 triệu đồng cho 1 xe vận tải hành khách. Như vậy, tính trung bình mỗi DN có khoảng 100 xe sẽ phải chi từ 600-900 triệu đồng, chưa kể các khoản chi phí đầu tư cho vận hành hệ thống CNTT, truyền tải dữ liệu, nhân sự chuyên trách... Đây là chi phí quá lớn trong bối cảnh DN đã cạn kiệt nguồn tiền để duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh dịch kéo dài.

Bên cạnh đó, thiết bị camera trên thị trường hiện nay rất đa dạng về thương hiệu và thông số kỹ thuật, chưa theo một tiêu chuẩn thống nhất nào. Do đó, kể cả khi tiến hành lắp đặt, DN vẫn lo ngại sẽ phát sinh các chi phí khác do phải thay thế thiết bị hoặc bị phạt vì chưa được hướng dẫn, tư vấn kỹ càng dẫn đến thiết bị triển khai lắp có thể không đạt yêu cầu theo quy định

Trong yêu cầu bắt buộc, các xe trung chuyển chỉ hoạt động trong phạm vi địa phương bán kính không quá 10 km hiện cũng nằm trong đối tượng phải lắp camera theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP. DN cho rằng quy định này áp dụng đối với cả xe trung chuyển sẽ gây tốn kém trong khi mục tiêu quản lý chưa thật cần thiết.

Bất cập từ quy định pháp luật

Liên quan đến các vướng mắc do yêu cầu về camera lắp đặt trên xe ô tô kinh doanh vận tải mà các DN phải đáp ứng theo quy định pháp luật, báo cáo gửi Thủ tướng của Ban 4 chỉ rõ có 2 vấn đề.

Trước hết, Thông tư 12/2020/TT-BGTVT và Thông tư 02/2021/TT-BGTVT đưa ra khá chi tiết về các yêu cầu đối với việc lắp đặt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải, tuy nhiên, lại không quy định cách ứng xử đối với trường hợp các camera DN đã lắp trước khi có quy định nhưng chưa đáp ứng được chỉ một hoặc hai tiêu chí trong số các yêu cầu kỹ thuật đó mà không ảnh hưởng đến công tác quản lý. Việc này có thể dẫn tới quá trình thực thi cứng nhắc, yêu cầu DN nâng cấp toàn bộ hệ thống camera cho toàn bộ phương tiện khiến DN phải bỏ ra một khoản chi phí rất lớn và lãng phí.

Thứ hai, theo quy định trên, việc quy định độ phân giải video lưu trên thiết bị 720p (độ phân giải chuẩn HD tương ứng 1280x720 pixels, có độ nét gấp 3 lần so với VGA) là không cần thiết. Hơn nữa, trong tình huống cần xem lại sự việc thì độ phân giải VGA đã là đủ để nhận định, đánh giá nên bản thân các quy định cũng bộc lộ sự chưa nhất quán.

Mặt khác, Điều 12 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa và xe trung chuyển phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Trong khi đó, vận tải trung chuyển hành khách là hoạt động vận tải không thu tiền do DN kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định sử dụng xe ô tô chở người từ 16 chỗ trở xuống để đón, trả khách của tuyến cố định trên địa bàn địa phương hai đầu tuyến. Số lượng xe trung chuyển của các DN cũng không ít. Như vậy, nếu phải lắp camera trên cả xe trung chuyển, DN kinh doanh vận tải hành khách sẽ phải bỏ chi phí lắp đặt camera gấp 2 lần so với trường hợp không sử dụng xe trung chuyển. Do đó, quy định xe trung chuyển cũng phải lắp đặt camera như xe tuyến cố định là không thực sự cần thiết và gây tốn kém cho DN.

Khó khăn trong quá trình thực thi

Theo đánh giá của các Hiệp hội và Ban IV, trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực xây dựng, triển khai các chính sách hỗ trợ cho DN chịu thiệt hại bởi Covid-19 bao gồm DN vận tải, việc yêu cầu triển khai lắp đặt đồng bộ camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải từ 1/7/2021 với chi phí đầu tư rất lớn là đang đi ngược chủ trương này, khiến DN phải chịu thêm một gánh nặng trong khi nguồn vốn của nhiều DN gần như đã cạn kiệt.

Ngoài ra, còn một vấn đề rất đáng lưu ý đó là việc triển khai lắp đặt đồng loạt camera trên tất cả các xe kinh doanh vận tải và truyền tải dữ liệu liên tục về cho cơ quan quản lý sẽ dẫn đến hình thành lượng dữ liệu khổng lồ tại một số đầu mối cơ quan.

“Khi đó sẽ phát sinh rất nhiều bất cập. Chẳng hạn như với lượng dữ liệu lớn, nếu không triển khai thí điểm, tính toán bằng số liệu thực tế để lường trước các trường hợp thì rất dễ xảy ra tình trạng quả tải ở chính cơ quan quản lý. Hoặc khi xảy ra quá tải, cơ quan quản lý sẽ không thể giám sát, xử lý được hết lượng dữ liệu từ tất cả các xe ô tô kinh doanh vận tải, nhưng lại chưa có quy trình nào cho các tình huống phát sinh như này, dẫn tới hiệu quả quản lý khó có thể đạt như đã đề ra”, báo cáo chỉ rõ.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp tập trung nguồn lực vượt qua giai đoạn vô cùng khó khăn hiện nay khi ảnh hưởng từ dịch Covid-19 kéo dài là rất nặng nề, các Hiệp hội và Ban 4 kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải cân nhắc tính cần thiết, cấp thiết của quy định lắp camera từ 1/7/2021 so với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp vận tải trong bối cảnh dịch để có quyết định thực sự thấu đáo.

Đồng thời, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét sửa đổi Thông tư 12 hoặc có hướng dẫn chi tiết về mặt kỹ thuật khi triển khai cho từng đối tượng DN (gồm DN đã lắp đặt hệ thống camera trước đó mà chưa hết khấu hao và đối tượng cần lắp mới) để hạn chế khó khăn hoặc hạn chế lãng phí cho DN. Bên cạnh đó, các Hiệp hội cũng đề nghị Bộ xây dựng và công bố minh bạch quy trình xử lý dữ liệu truyền tải từ các camera gắn trên các xe vận tải; quy trình xử lý sự cố nếu quá tải... để đảm bảo tính hiệu quả và thiết thực của quản lý./.

Hiếu Phương

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư