e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Doanh nghiệp

Chủ tịch Tập đoàn Metran Japan: "Đồng lòng ta sẽ mạnh mẽ hơn"

17:27 | 07/06/2021 Print
- Ai rồi cũng khát, nhưng đồng lòng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn để cùng chiến thắng đại dịch. Đó là thông điệp được Chủ tịch Tập đoàn Metran Japan Trần Ngọc Phúc - người được biết đến là ‘cha đẻ’ của chiếc máy trợ thở MV20 chia sẻ tại 1 talk show mới đây.

Máy trợ thở MV20 - dòng máy thở đa năng đặc biệt điều trị bệnh COVID-19, và máy thở cao tần số cao Hummingbird (HFO) đã cứu sống hàng triệu trẻ sinh non thiếu tháng trên hơn 20 quốc gia. Ông Trần Ngọc Phúc tham gia talkshow trực tuyến: Stronger together - Đồng lòng ta sẽ mạnh mẽ hơn, với mong muốn chung tay lan tỏa tinh thần cộng đồng qua những sáng kiến đổi mới sáng tạo để phòng chống đại dịch COVID-19. Chương trình được đơn vị truyền thông S-World tổ chức vào ngày hôm qua 5/6 đã thu hút sự theo dõi của hơn 2000 lượt người xem trực tiếp.

Ông Trần Ngọc Phúc tham gia Talk show trực tuyến Stronger together

Là người sáng lập ra tập đoàn hiện đang sở hữu công nghệ máy thở tại Nhật với những thành tựu nổi bật trên thế giới, ông đã chia sẻ một cách hết sức tích cực các thông tin về vắc-xin, khẩu trang, máy thở và khẳng định việc liên tục điều chỉnh công nghệ và thấu hiểu người dùng sẽ giúp các sáng kiến này đem lại lợi ích thực tế cho cộng đồng.

Hành trình của những chiếc Máy thở MV- 20 đến với bệnh nhân COVID-19

Cho dù xa quê hương đã gần cả một đời người, ông Trần Ngọc Phúc vẫn bền bỉ với những dự án nghiên cứu sản phẩm dành riêng cho người Việt, trong đó phải kể đến máy trợ thở đa năng thích hợp điều trị cho bệnh nhân COVID-19 Eliciae MV20, sản xuất bởi chính Tập đoàn Metran do ông lãnh đạo.

ông Trần Ngọc Phúc vẫn bền bỉ với những dự án nghiên cứu sản phẩm dành riêng cho người Việt, trong đó phải kể đến máy trợ thở đa năng thích hợp điều trị cho bệnh nhân COVID-19 Eliciae MV20

Năm 2020, kết quả đánh giá từ London về Nhật Bản cho thấy nếu nước này không triển khai máy thở vào điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, tỷ lệ tử vong có thể lên đến con số 400,000 người. Ông Phúc khi đó đã sớm được chính phủ Nhật đặt hàng sản xuất chiếc máy thở đặc trị căn bệnh hô hấp này. Cùng thời điểm đó, ông Phúc cũng được đề nghị thiết kế một chiếc máy thở điều trị cho bệnh nhân tại Việt Nam khi những tiên dự về tình hình dịch bệnh có thể sẽ xấu đi.

“Khi tình hình dịch bệnh trở nên phức tạp, số bệnh nhân tăng nhanh, áp lực sản xuất chiếc máy thở trong thời gian ngắn thúc đẩy tôi cùng đội ngũ Metran càng thêm kỹ lưỡng trong việc tối ưu công đoạn sản xuất, từ kiểu dáng máy, chiếc van không có chi tiết động bên trong dễ sử dụng, cho đến những công nghệ tích hợp, chức năng cần thiết, sao cho an toàn mà vẫn phải tốc độ,” vị lãnh đạo của Metran nhớ lại.

Những yêu cầu then chốt cho chiếc máy thở của người Việt nhanh chóng được ông Phúc và đội ngũ của mình xác định. Tính an toàn cho mọi đối tượng sử dụng, thời gian sản xuất sớm nhất có thể, chi phí thấp để phù hợp với cả các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, và có thể tiến hành sản xuất hàng loạt, trở thành những yêu cầu mang tính nền tảng tạo nên giải pháp hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân COVID-19.

Là một đại diện có chuyên môn về kỹ thuật, công nghệ nhưng ông Phúc cho biết Metran cũng gặp khó khăn để hỗ trợ quê nhà Việt Nam về mặt tài chính khi sản xuất máy thở. Do đó, Metran của ông Phúc đã hợp lực cùng các tổ chức, doanh nghiệp ở quê nhà và kết quả là 2,000 máy thở Eliciae MV20 đã được Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Đại học Văn Lang đặt hàng Metran để tặng Chính phủ, người dân Việt Nam, phục vụ công tác điều trị cho bệnh nhân COVID-19 đang ngày một cấp bách.

“Đại học Văn Lang và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã lo hết về chi phí nghiên cứu nên tôi rất an tâm bắt tay sản xuất chiếc máy này. Bởi vậy dự án này là thành quả không của riêng một tổ chức nào mà là sự hợp lực đồng lòng của tất cả mọi người. Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Đại học Văn Lang đã cùng đồng lòng với Metran”, ông Phúc chia sẻ. “

Hơn thế, người Việt Nam không chỉ tương trợ đồng bào mình mà còn giúp đỡ những người bạn quốc tế. Ông Phúc rất xúc động khi nhận được lời nhắn nhủ từ những người bà con ở nước ngoài như Úc quyên góp tiền để mua máy MV20, các đồ dùng y tế tặng cho chính phủ Ấn Độ trong thời gian quốc gia này khốn đốn vì dịch bệnh.

Cần hết sức cẩn trọng nguy cơ lây nhiễm chéo

“Khi một bệnh nhân nhiễm COVID-19 rất khó để biết được tình trạng phổi hay những căn bệnh lý nền của người này đang mắc phải,” ông Phúc cho biết và khuyến nghị “Điều quan trọng là tập trung chữa viêm phổi để cải thiện tình trạng sau đó giúp bệnh nhân hồi phục, lấy ống nội khí quản ra và tiến hành weaning (giúp bệnh nhân quen với việc không có sự trợ thở).”

Theo ông, với đặc thù bệnh lý này, máy trợ thở có tính an toàn cao là khi chúng có cách sử dụng đơn giản, thuận tiện cho người dùng, có thể sản xuất hàng loạt được. Quan trọng hơn hết, khả năng ngăn lây nhiễm chéo trong không gian phòng bệnh là yếu tố quyết định.

Tính ưu việt của chiếc máy trợ thở MV20 do Metran sản xuất nằm ở việc ngăn lây nhiễm chéo thông qua tính năng khu biệt những luồng khí có nhiễm vi-rút và dẫn ra bên ngoài. Việc này đảm bảo các bác sĩ và nhân viên y tế trong phòng bệnh an toàn khỏi nguy cơ lây nhiễm vi-rút trong không khí. Nhà sáng lập Metran cũng cho biết hiện trên thế giới chưa có hệ thống máy trợ thở nào đảm bảo được sự an toàn kể trên cho đội ngũ áo trắng trong quá trình điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Nhưng riêng với Việt Nam, khi nhận được cuộc gọi từ các bệnh viện ở miền Bắc báo rằng lượng máy trợ thở đang không đủ, ông Phúc nhận thấy rằng tình hình nước ta đang khó khăn hơn tưởng tượng. Nhà phát minh U80 ngay lập tức quay trở lại tập trung nghiên cứu & phát triển chiếc máy thở dành riêng cho nơi mà ông gọi là “nhà”.

Bên cạnh máy trợ thở là công cụ điều trị bệnh, thì vắc-xin cũng trở thành tâm điểm của cộng đồng trên toàn thế giới bởi khả năng miễn dịch cho mọi người. Trong thời điểm hiện tại, trong bối cảnh các biến chủng của vi-rút khó lường, tỷ lệ lây nhiễm chéo tại Việt Nam hay ở nước ngoài vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát, ông Phúc bình luận vắc-xin tính đến thời điểm hiện tại bởi vậy vẫn là một giải pháp tối ưu.

Khẩu trang không khí 4.0 của tương lai, tại sao không?

Không chỉ tạo ra những sản phẩm ứng dụng ở Việt Nam, những phát minh của nhà phát minh Trần Ngọc Phúc còn là giải pháp dành cho cộng đồng trên toàn thế giới, trong đó, phải kể đến dự án “Khẩu trang không khí của tương lai”. Dự án này chứa đựng tâm huyết của ông cùng các đồng sự trong việc sáng tạo sản phẩm khẩu trang ứng dụng công nghệ, thoải mái khi trời nóng bức, không gây ngạt thở, thuận tiện cho hoạt động trao đổi khí diễn ra trong phối.

Dự án Khẩu trang không khí của tương lai sử dụng công nghệ 4.0 của Metran

Nhà sáng lập Metra cho biết loại khẩu trang đặc biệt này có đặc điểm như chất liệu silicon, bộ lọc không khí an toàn cho người sử dụng và thân thiện với môi trường không khí xung quanh. Khoang khẩu trang tạo áp lực dương, đảm bảo không khi chưa lọc khuẩn không thể xâm nhập vào hệ hô hấp. Mặt khác, thiết bị đi kèm được nối bằng một ống dẫn khí với khẩu trang có tích hợp tia tử ngoại diệt vi-rút bám trên bề mặt cùng khả năng kết nối không dây với điện thoại thông minh. Tác giả của phát minh mới cũng chia sẻ trong tương lai sản phẩm sẽ được bổ sung thêm cảm biến đo áp lực không khí, ô nhiễm không khí, hay thậm chí là thân nhiệt của người sử dụng để tiến hành phân tích.

Chiếc khẩu trang “của tương lai” này không chỉ thích hợp để kháng vi-rút COVID-19 dành cho người già và trong môi trường bệnh viện mà còn có thể lọc được bụi mịn 2.5. Đặc biệt, sản phẩm có tiềm năng hỗ trợ những người bệnh điều trị bệnh tắc nghẽn mãn tính (COPD) giúp họ tự bảo vệ bản thân trong môi trường không khí, một chủ đề mà ông Phúc đã bỏ công nghiên cứu từ nhiều năm về trước.

“Tôi mong rằng khẩu trang sẽ sớm trở thành một phong cách (lifestyle) để hành động đeo khẩu trang trở nên phổ biến và gần gũi hơn với mọi người. Chiếc khẩu trang chúng tôi sắp cho ra mắt tạo luồng không khí mát cho phổi, thậm chí không cần đến điều hòa, phần nào giúp tiết kiệm điện năng,” ông Phúc chia sẻ.

Cùng sự đồng hành của đơn vị truyền thông S-World nhằm lan tỏa giá trị của khẩu trang đến với người dân Việt Nam, Nhật Bản và thế giới, ông Phúc khẳng định tại Talkshow, cá nhân ông và Metran luôn sẵn sàng kết nối với các đơn vị trong lĩnh vực thời trang có ý tưởng sáng tạo để chiếc khẩu trang xứng tầm đơn vị tiên phong định hình phong cách hoàn toàn mới vì sức khỏe hô hấp.

Nhà phát minh không tạo ra một sản phẩm duy nhất, họ không ngừng sáng tạo ra những phát minh đáp ứng nhu cầu của con người. Đối với ông Trần Ngọc Phúc, ở tuổi ngoài 70 nhưng vẫn được ưu ái cho sức khỏe thể chất, ông sẽ tiếp tục sống trọn đam mê với nghề, để đem đến những phát minh thực sự hữu ích vì sức khỏe hô hấp của các bệnh nhân ở Việt Nam, Nhật Bản và bất kỳ nơi nào trên thế giới cần sự trợ giúp.

Ông Trần Ngọc Phúc thành lập Metran Japan năm 1984, sau khi phát minh của ông và các đồng sự là “Máy trợ thở cao tần số Humming Bird” còn gọi là HFO, gây dấu ấn lớn ở quốc tế.

Ở tuổi ngoài 70, ông Trần Ngọc Phúc vẫn tiếp tục hành trình khởi nghiệp với tinh thần miệt mài tạo “Next one”, “luôn làm việc như thể vừa tái sinh” để tạo những giá trị mới có ý nghĩa cho y tế thế giới.

Hiếu Phương

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư