e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện/Chính sách

Cắt giảm kinh phí hội nghị, công tác; tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên bổ sung nguồn phòng, chống dịch COVID-19

09:37 | 09/06/2021 Print
- Cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch COVID-19.

Đây là một nội dung được nêu bật tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2021 vừa ban hành.

Chính phủ khẳng định, ưu tiên dành nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch

Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ thống nhất với đề nghị của Bộ Tài chính tại văn bản số 103/TTr-BTC ngày 02/6/2021 về: Cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương (trừ các hoạt động quan trọng, cấp bách và phục vụ công tác phòng chống dịch của các Bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế, kinh phí hoạt động ngoại giao quốc gia khác của Bộ Ngoại giao) và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch COVID-19, tăng đầu tư phát triển và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng cần thiết; Bộ Tài chính có báo cáo cụ thể Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20 tháng 6 năm 2021.

Báo cáo Quốc hội cho phép thu hồi các khoản kinh phí thường xuyên đã giao cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, nhưng đến ngày 30 tháng 6 năm 2021 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện (chưa phê duyệt dự toán, chưa tổ chức đấu thầu) và các khoản kinh phí thường xuyên chưa thực sự cần thiết để bổ sung nguồn dự phòng của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phục vụ chiến lược vaccine..

Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, thận trọng, phù hợp, hài hòa, hợp lý, bảo đảm thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, ưu tiên dành nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đột xuất khác.

Trước đó, tại Tờ trình số 104/TTr-CP ngày 02/4/2021 về phương án sử dụng nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2020, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nguồn kinh phí dự kiến mua và tiêm vaccine phòng COVID-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng (mua vaccine khoảng 21 nghìn tỷ đồng; vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm khoảng 4,2 nghìn tỷ đồng), trong đó ngân sách trung ương bảo đảm cho các đối tượng do trung ương quản lý và hỗ trợ các địa phương khó khăn khoảng 16.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9.200 tỷ đồng.

Cụ thể, ngân sách trung ương gồm: 13,33 nghìn tỷ đồng chuyển nguồn từ năm 2020 sang năm 2021 (12,1 nghìn tỷ đồng tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2020 và 1,237 nghìn tỷ đồng đã bổ sung cho Bộ Y tế năm 2020 nhưng chưa sử dụng nay chuyển nguồn sang năm 2021); phần còn lại từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021. Bước đầu, Thủ tướng Chính phủ đã bổ sung 1.237 tỷ đồng cho Bộ Y tế theo Quyết định số 507/QĐ-TTg ngày 31/3/2021.

Ngày 18/5/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1271/NQ-UBTVQH14 về việc sử dụng nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2020, trong đó nêu, sử dụng 12.100 tỷ đồng nguồn tiết kiệm chi năm 2020 để mua vaccine phòng dịch COVID-19. Như vậy, đến nay, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền đảm bảo nguồn lực để triển khai việc mua vaccine theo đề xuất của Bộ Y tế.

Bộ Tài chính cho biết, ngân sách nhà nước đã chi hơn 8 nghìn tỷ đồng để thực hiện các chính sách phòng, chống dịch COVID-19, trong đó riêng ngân sách trung ương đã chi hơn 6,1 nghìn tỷ đồng để bổ sung cho các bộ để mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế và mua vaccine phòng COVID-19 (5,35 nghìn tỷ đồng) và hỗ trợ cho các địa phương 762 tỷ đồng. Chi 13,1 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho trên 13 triệu đối tượng gặp khó khăn do đại dịch, chủ yếu là người nghèo (gần 8 triệu người), đối tượng bảo trợ xã hội (gần 3 triệu người), người có công với cách mạng (hơn 1 triệu người) và 1,3 triệu lao động bị mất việc làm.

Ngày 12/05/2021, Bộ Tài chính có công văn số 4841/BTC-HCSN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để hướng dẫn về nguồn kinh phí, cơ chế mua sắm trong điều kiện có dịch COVID-19 đối với phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, vật tư, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, trên cơ sở đó, đề nghị các địa phương thực hiện việc quản lý kinh phí, mua sắm theo quy định./.

Trí Dũng

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư