e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Du lịch & Giải trí

Về thủ phủ Tây nguyên thăm cây Kơ Nia huyền thoại

12:55 | 13/10/2015 Print
- Kơ Nia vốn được xem là biểu tượng của Tây Nguyên. Tại thành phố Buôn Ma Thuột, nơi được coi là thủ phủ của Tây Nguyên chỉ còn sót lại một cây ở phía sau Nhà Văn hóa Trung tâm. Đây là cây Kơ nia được biết đến nhiều nhất trong hành trình du lịch Tây Nguyên hiện nay.

Ngày nay khi đến với thành phố Buôn Ma Thuột, dù tham quan nhiều điểm du lịch nổi tiếng nhưng nhiều người cũng không quên tìm đến để được một lần đứng dưới bóng cây Kơ nia.

Kơ nia là tên địa phương của một loài thực vật có tên khoa học là Irvingia malayana thuộc chi Irvingia có nguồn gốc ở châu Phi và Đông Nam Á. Kơ nia là loài thực vật thân gỗ lớn, cao 15–30 m, đường kính 40–60 cm. Lá đơn hình trái xoan mọc chụm ở đầu cành. Hoa màu trắng, có từ 4 đến 5 cánh, mọc thành chùm ở kẽ lá, trổ vào thời gian từ tháng 5 đến tháng 6. Quả hình trái xoan dài 3–4 cm, có màu vàng nhạt khi chín và thường xuất hiện vào khoảng tháng 10-11. Hạt có chứa tinh dầu mùi thơm có thể dùng làm thực phẩm.

Tán cây thường có hình trứng, sậm rất đặc trưng xanh quanh năm và có sức sống mãnh liệt, chịu hạn tốt, rễ cọc ăn sâu, nhiều rễ tỏa ngang nên ít bị đổ do mưa, bão. Tuy nhiên không thể làm cây đường phố do trái rất sai, mùa trái rụng kín gốc, có dáng thon, hình e líp tròn trịa nên dễ làm trượt ngã khi dẫm phải. Ở trong rừng sau khi trái rụng một thời gian, lớp vỏ thịt mỏng sẽ bị phân hủy còn hạt được bao bọc bởi lớp vỏ xơ và vỏ gỗ nên được bảo quản đến vài năm không hư hỏng, sóc thường dùng để dự trữ và rất mê loại thực phẩm này. Khi ăn chúng khoét một lỗ nhỏ rất khéo trên vỏ khiến người ta cứ tưởng còn nguyên. Để ăn được người ta kê quả lên trên một tảng đá theo chiều mở của vỏ, đập nhẹ quả sẽ nứt làm đôi; hạt ăn sống rất thơm và bùi không khác gì hạt điều đã qua chế biến.

Xưa kia cây Kơ nia ở vùng đất Tây Nguyên rất nhiều, nhưng do bị người dân di cư, chặt phá nên hiện nay những cây Kơ nia cổ thụ còn lại rất ít. Cây Kơ nia mọc ở nhiều địa phương khác nhau của Việt Nam nhưng chỉ ở Tây Nguyên loài cây này mới được tôn kính đặc biệt.

Đồng bào dân tộc Tây Nguyên coi cây Kơ nia là nơi trú ngụ của thần thánh, các vong linh người đã khuất nên không bao giờ xâm phạm, chặt phá chúng.

Riêng cây Kơ nia cổ thụ ở thành phố Buôn Ma Thuột được ví với tính cách và sức sống Tây Nguyên, Kơ nia cổ thụ này có dáng đứng kiêu dũng và độc lập (loài cây Kơ nia chỉ mọc đơn lẻ) và sức sống vô cùng mãnh liệt: chịu hạn hán rất tốt, xanh tươi quanh năm, riêng rễ cây Kơ nia cổ thụ này đã dài từ 15 đến 30m. Khi bị chặt, chồi Kơ nia nhú lên mạnh mẽ.

Sức sống của Kơ nia cổ thụ này bền bỉ tới mức vào thời chiến tranh Mỹ rải hàng triệu lít thuốc khai quang lên dãy Trường Sơn, khiến núi rừng trở nên trơ trụi, thế nhưng những cây Kơ nia vẫn xanh tươi giữa trời. Rồi trải qua thời gian trăm năm cây Kơ nia này vẫn thách thức, thi gan cùng tuế nguyệt. Cây Kơ nia còn sót lại này được người dân nơi đây dành một sự tôn kính đặc biệt.

Loài cây này mang ý nghĩa tâm linh rất lớn đối với người đồng bào dân tộc thiểu số, họ coi chúng là nơi trú ngụ của thần thánh, của vong linh những người đã khuất, rất ít khi họ đụng chạm đến chúng, chặt phá chúng; vì vậy trên nương rẫy của đồng bào thường có các cây kơ nia cổ thụ được sử dụng như cây che mát mỗi lúc nghỉ giải lao, nghỉ trưa.

Già làng Ma Té (người dân tộc Ê Đê) năm nay đã 72 tuổi, ở buôn Kô Sia, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột giải thích: “Từ nhỏ mình đã nghe ông bà dặn: Cây kơ nia là nhà của thần linh… Bởi kơ nia có tán lá đẹp, thường là hình trứng, hoặc hình nón, cành, lá xòe đều bốn phía, sum sê như cái tổ ấm, hoặc như cái mái nhà xanh rì, kín đáo. Kơ nia cũng là loại cây có thân rất chắc, khỏe, bộ rễ cọc cắm sâu vào lòng đất. Những năm lốc xoáy lớn, các loại cây khác gãy, đổ ngổn ngang, nhưng kơ nia thì vẫn đứng hiên ngang giữa trời như thách thức gió, bão, nắng, mưa. Vì thế thần linh, như thần rừng, thần đất, thần nước, thần sức khỏe, thần cai quản voi… đã chọn cây kơ nia làm nơi ở”.

Hy vọng trong thời gian không xa nữa thủ phủ của Tây Nguyên sẽ có những hàng cây Kơ nia mọc lên cao vút, vừa góp phần làm đẹp thêm cho không gian của thành phố, vừa trở thành một “sản phẩm” đáp ứng được sự hiếu kỳ của du khách thập phương./.

Nhật Trường

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư