Cần xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

10:39 | 11/06/2021 Print
Các tỉnh, thành phố ven biển cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong các tháng đầu năm 2021, tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài còn diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của Việt Nam, đặc biệt là nỗ lực gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) đối với hoạt động khai thác hải sản của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn và có nguy cơ nâng cảnh báo "thẻ đỏ".

Tính đến ngày 25/5/2021, đã xảy ra 32 vụ/56 tàu/446 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, chủ yếu là ngư dân của các tỉnh Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Cà Mau, Bạc Liêu, Quảng Nam, Sóc Trăng. Ủy ban châu Âu đánh giá đây là vấn đề rất nghiêm trọng.

Tính đến ngày 25/5/2021, đã xảy ra 32 vụ/56 tàu/446 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý
Tính đến ngày 25/5/2021, đã xảy ra 32 vụ/56 tàu/446 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý

Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố ven biển xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài theo quy định tại Điều 20 của Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và báo cáo kết quả về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Hoàn thành việc lắp đặt thiết bị thông tin vệ tinh (VMS) trên tàu cá đối với tàu cá thuộc diện bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định của Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không trang bị, không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa hoặc tháo thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển, không thực hiện quy định kẹp chì, giả mạo đối với thiết bị được lắp đặt; xử lý nghiêm đối với nhà cung cấp thiết bị giám sát hành trình cho ngư dân không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, ngày 16/5/2019. Xây dựng, ban hành quy trình nội bộ về thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý tàu cá có dấu hiệu vi phạm pháp luật thông qua thiết bị giám sát hành trình VMS; tổ chức trực 24/7 theo dõi giám sát hành trình, kịp thời phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn, xử lý đối với các tàu cá khai thác thủy sản trái phép trên vùng biển nước ngoài. Rà soát, đánh giá kết quả hoạt động của Văn phòng Thanh tra, Kiểm soát nghề cá.

Trên cơ sở đánh giá, các tỉnh thành phố có giải pháp bổ sung biên chế công chức, viên chức, cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí để nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ giám sát hoạt động nghề cá tại cảng cá, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác hải sản theo chuỗi và phục vụ cho công tác truy xuất nguồn gốc theo quy định.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, đánh giá việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa các cơ quan đơn vị (sở, ngành) và các địa phương với các lực lượng chức năng thực thi pháp luật trên biển, xây dựng hoặc sửa đổi Quy chế để bảo đảm thống nhất, phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm trong phối hợp xử lý tàu cá vi phạm, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Đồng thời, rà soát, kiện toàn Ban chỉ đạo về chống khai thác IUU của tỉnh để hoạt động hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, các quy định về chống khai thác hải sản trái phép (IUU) cho chủ tàu cá, thuyền trưởng và ngư dân tại địa phương; đặc biệt là chủ tàu có tàu cá vi phạm và có nguy cơ cao vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài./.

Chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài Chấm dứt khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Nghề cá khai thác còn mang tính tự phát nhiều

Anh Quyền

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư