Để nguồn lực tri thức nhân lên giá trị cuộc sống

19:57 | 11/06/2021 Print
TS. Chử Đức Hoàng, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Mạng lưới hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ tại Việt Nam (LIFVietnam) có 4 mục tiêu, nhằm kết nối nhà khoa học, nhà quản lý và nhà doanh nghiệp.

4 mục tiêu của LIFVietnam

Thực tế, LIFVietnam đã được hình thành từ 2014 dưới sự bảo trợ của Bộ khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chương trình Newton Fund Việt Nam và Học viện kỹ thuật hoàng gia Anh. Tuy nhiên, để đưa các sản phẩm nghiên cứu, khoa học ra thị trường thì cần thêm một mắt xích kết nối nữa. Đây là lý do Mạng lưới LIFVietnam ra đời vào tháng 4/2021, nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng của cộng đồng nhà khoa học, nhà quản lý và nhà doanh nghiệp Việt Nam.

Để nguồn lực tri thức nhân lên giá trị cuộc sống
TS. Chử Đức Hoàng, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia

TS. Chử Đức Hoàng chia sẻ, LIFVietnam có mục tiêu kết nối các nhà khoa học, sáng lập viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các nhà quản lý để thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Tiếp đó là đào tạo cộng đồng và tư vấn hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu, công ty khởi nghiệp thực hiện nghiên cứu, phát triển, đổi mới công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Mục tiêu thứ ba là kết nối đầu tư, chuyển giao công nghệ giữa các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong mạng lưới lãnh đạo đổi mới sáng tạo toàn cầu và cuối cùng là phát triển đội ngũ và tổ chức các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu, thương mại hóa thông qua cổng thông tin www.lifvietnam.com.

Trong thập kỷ qua, nền kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào tăng trưởng xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng trong nước. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các động lực này khó có thể quay lại các mức trước, nên Việt Nam phải tìm ra các động lực mới để phục hồi trong ngắn hạn và tăng tốc trong trung hạn để tránh bẫy thu nhập trung bình. Tốc độ tăng trưởng GDP có xu hướng giảm dần: bình quân 7,34%/năm giai đoạn 1991-2000, xuống 6,82%/năm giai đoạn 2001-2010, ước đạt 6,4% giai đoạn 2011-2020. Năng suất tăng chậm, khoảng cách về năng suất so với các nước trong khu vực tiếp tục nới rộng làm cho nguy cơ Việt Nam tụt hậu xa hơn đối với các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu ảnh hưởng đến khả năng chống chịu và thích ứng của Việt Nam, đặc biệt là sự hình thành mới của dòng chảy thương mại quốc tế từ mô hình “just in time” sang mô hình “just in case”. Việt Nam muốn đón nhân làn sóng dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu thì phải đổi mới tư duy, có cách tiếp cận chiến lược và chính sách mới phù hợp, thực hiện nâng cao năng lực và nội lực của nền kinh tế. Tuy nhiên, các hạn chế về thể chế, nguồn lực và công nghệ, cơ sở hạ tầng vẫn còn thiếu và yếu, đặc biệt đối với nhu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Lao động kỹ năng nghề bậc trung đứng 128/130 theo xếp hạng của WEF; Hệ thống giáo dục, đào tạo chậm đổi mới; Trình độ, năng lực công nghệ thấp; Hệ sinh thái cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự hình thành.

Kết nối nhà khoa học, nhà quản lý và nhà doanh nghiệp

Thành công của các nghiên cứu khoa học và công nghệ có thể được đánh giá bằng việc chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu vào thực tế. Tuy nhiên, các nghiên cứu có kết quả giá trị và được thương mại hóa thành công vẫn còn rất hạn chế, kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ được ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh còn thấp. Trong khi đó, thị trường luôn có nhu cầu nâng cao năng suất, chất lượng, sự cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Để nguồn lực tri thức nhân lên giá trị cuộc sống
Mạng lưới LIFVietnam nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng của cộng đồng nhà khoa học, nhà quản lý và nhà doanh nghiệp, thúc đẩy nguồn lực tri thức nhân lên giá trị cuộc sống

Để sản phẩm nghiên cứu không bị đắp chiếu, cần có sự đổi mới nhận thức trong tư duy, nâng cao nhận thức đúng đắn và đầy đủ cũng như lòng tin đối với 3 nhà: nhà khoa học, nhà quản lý và nhà doanh nghiệp. Tuy nhiên, năng lực của cộng đồng doanh nghiệp còn hạn chế với hơn 98% là doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Bên cạnh đó là các thách thức về an ninh mạng trong kinh tế số, các thách thức về môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, gia tăng chênh lệch về thu nhập và tài sản, về mức độ hưởng thụ giữa các nhóm dân cư, chênh lệch phát triển giữa các vùng miền…

Mạng lưới LIFVietnam có đội ngũ ban đầu gồm chuyên gia lãnh đạo đổi mới sáng tạo là các nhà khoa học, lãnh đạo công ty khởi nghiệp và nhà quản lý đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan quản lý và các công ty khởi nghiệp. Hoạt động của Mạng lưới LIFVietnam nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng của cộng đồng nhà khoa học, nhà quản lý và nhà doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy nguồn lực tri thức nhân lên giá trị cho cuộc sống.

Đánh giá ý tưởng hình thành và tạo lập mạng lưới LIFVietnam, chuyên gia Phạm Chi Lan hy vọng, LIFVietnam sẽ cùng phối hợp với Bộ khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chương trình Newton Fund Việt Nam và Học viện kỹ thuật hoàng gia Anh, Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup và các tổ chức liên quan thường xuyên tổ chức các chương trình hỗ trợ hàng năm. Thông qua mạng lưới LIF Vietnam, các nhà khoa học, sáng lập viên khởi nghiệp và nhà quản lý sẽ được tuyển chọn, tư vấn và hỗ trợ, nhằm xây dựng mạng lưới thương mại hóa kết quả nghiên cứu và đổi mới sáng tạo phát triển bền vững./.

Phó chủ tịch Nguyễn Xuân Hoàng: “MISA sẵn sàng chia sẻ tri thức, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới” Phó chủ tịch Nguyễn Xuân Hoàng: “MISA sẵn sàng chia sẻ tri thức, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới”

- Sử dụng tư duy thiết kế (Design Thinking), MISA liên tục đổi mới, sáng tạo, phát triển năng lực cốt lõi, phục vụ mạng ...

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: Tri thức khoa học cần lan tỏa, không thể để mãi trong “tháp ngà” Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: Tri thức khoa học cần lan tỏa, không thể để mãi trong “tháp ngà”

- Trong thư chúc mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm nay, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành ...

Tạo cơ chế cho NIC kết nối, xây dựng hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo Việt Nam Tạo cơ chế cho NIC kết nối, xây dựng hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo Việt Nam

- Một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số ...

Sáng kiến số hóa: Cơ hội nhận tài trợ từ Australia Sáng kiến số hóa: Cơ hội nhận tài trợ từ Australia

- Chương trình tài trợ Đối tác Đổi mới sáng tạo vừa khởi động vòng tài trợ năm 2021 với ngân sách 1,5 triệu đô ...

Tường Vi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư