7 tháng đầu năm: Xuất khẩu nông sản tiếp tục giảm sâu

23:13 | 28/07/2015 Print
- Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 7 tháng đầu năm 2015 đạt 16,93 tỷ USD, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2014.

Tình trạng này tiếp diễn từ đầu năm đến nay khiến cho những lo ngại về việc giữ vững ngôi vị xuất khẩu hàng đầu thế giới của Việt Nam càng trở nên rõ rệt hơn.

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản tháng 7 năm 2015 ước đạt 2,47 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành 7 tháng đầu năm 2015 lên 16,93 tỷ USD, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2014.

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt tỷ USD, giảm 5,7%.

Cụ thể, giảm mạnh nhất là xuất khẩu thủy sản. Cụ thể, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 7 năm 2015 ước đạt 532 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2015 đạt 3,53 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2014. Cả ba thị trường chính của thủy sản nước ta là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều giảm rất mạnh.

Bên cạnh đó, xuất khẩu cà phê trong tháng 7 năm 2015 ước đạt 107 nghìn tấn với giá trị đạt 220 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 7 tháng đầu năm 2015 ước đạt 792 nghìn tấn với tổng giá trị 1,63 tỷ USD, giảm 33,9% về khối lượng và giảm 33,7% về giá trị so cùng kỳ năm 2014. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam.

Cao su là mặt hàng giảm thứ ba trong các nông sản chính. Xuất khẩu cao su tháng 7 năm 2015 ước đạt 98 nghìn tấn với giá trị 146 triệu USD, với ước tính này 7 tháng đầu năm 2015 xuất khẩu cao su đạt 519 nghìn tấn, giá trị đạt 760 triệu USD, tăng 13,6% về khối lượng nhưng giảm 9,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ vẫn duy trì là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam.

Gạo cũng là một trong những mặt hàng chủ lực có sự sụt giảm mạnh. khối lượng gạo xuất khẩu tháng 7 năm 2015 ước đạt 717 nghìn tấn với giá trị đạt 300 triệu USD đưa khối lượng xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm 2015 ước đạt 3,72 triệu tấn và 1,59 tỷ USD, giảm 3,1% về khối lượng và giảm 8,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.

Xuất khẩu chè 7 tháng cũng giảm 8,9% về khối lượng và giảm 5,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

Nguyên nhân của sự sụt giảm các mặt hàng nông sản chủ lực nói trên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá là do hạn hán kéo dài khiến miền Trung không thể gieo cấy, sản lượng giảm. Bên cạnh đó, các mặt hàng thủy sản, như: tôm, cá da trơn cũng bị dịch bệnh, ảnh hưởng tới sản xuất và xuất khẩu...

Ngoài những mặt hàng trên, thì tín hiệu tích cực đối với xuất khẩu nông sản là các mặt hàng như: hạt điều, hạt tiêu, gỗ, sắn đang có đà tăng trưởng khá.

Trong đó, tăng mạnh nhất là sắn và các sản phẩm từ sắn. Khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong 7 tháng đầu năm 2015 đạt 2,89 triệu tấn với giá trị 886 triệu USD, tăng 35,4% về khối lượng và tăng 30,9% về giá trị so cùng kỳ năm. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chính chiếm tới 89,36% thị phần, tăng 53,47% về khối lượng và tăng 46,15% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014./.

Lê Thủy

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư