Thúc đẩy phát triển kinh tế số - Trường hợp tỉnh Bến Tre

08:30 | 30/05/2021 Print
Sự phát triển mạnh mẽ song hành giữa các công nghệ số hóa (điển hình là Internet vạn vật) và kinh tế số (điển hình là sự xuất hiện và phát triển của nhiều hình thức kinh doanh sáng tạo và đa dạng) đã tạo nên sự biến đổi to lớn và nhanh chóng đối với kinh tế, xã hội và mọi mặt của đời sống con người. Kinh tế số đã trở thành một thành phần kinh tế đóng góp một tỷ trọng đáng kể với xu thế ngày càng tăng trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Trên cơ sở làm rõ khái niệm về kinh tế số, tác giả thực hiện nghiên cứu thực tế triển khai kinh tế số trên địa bàn cả nước nói chung và cụ thể là trường hợp tỉnh Bến Tre - một trong những địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và kinh tế số của cả nước, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế số tại địa phương này.

GIỚI THIỆU

Kinh tế số đã và đang trở thành xu hướng phát triển tất yếu của các nền kinh tế trên thế giới. Ở Việt Nam, nhận thấy thời cơ đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế-xã hội trong kỷ nguyên số, thúc đẩy chuyển đổi số trở thành chủ trương xuyên suốt của Đảng và Chính phủ, coi đó là trụ cột, trọng tâm chiến lược trong những năm phát triển tiếp theo của Việt Nam.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 52-NQ-TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN 4.0) xác định phát triển kinh tế số và xã hội số là trụ cột, trọng tâm chiến lược trong tiến trình phát triển chuyển đổi số quốc gia những năm tiếp theo. Tiếp đó, tháng 6/2020, chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia, đưa ra một khung khổ cho sự phát triển kinh tế số tại Việt Nam. Chương trình chuyển đổi số quốc gia theo quyết định này nhằm phát triển Việt Nam thành một quốc gia số với mục tiêu liên quan chặt chẽ với nhau: một chính phủ số, một nền kinh tế số và một xã hội số, đặc biệt, chương trình đặt ra mục tiêu hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có đủ năng lực trên thị trường toàn cầu. Tháng 5/2021, Chính phủ đã giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng Chiến lược quốc gia về kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm tận dụng tốt các lợi thế, thời cơ để nhờ cú hích chuyển đổi số để đưa đất nước vươn lên phát triển nhanh hơn nữa trong thời gian tới.

Thời gian qua, với chủ trương đúng đắn của Đảng thể hiện ở Nghị quyết 52-NQ-TW của Bộ Chính trị, sự quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ban, ngành, sự chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, quá trình xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể và công tác triển khai của chính quyền, Bến Tre sẽ đạt được những kết quả tích cực trong việc thực thi kế hoạch chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh. Bến Tre đã trở thành một trong những địa phương dẫn đầu về các chỉ số, chỉ tiêu liên quan đến chuyển đổi số và kinh tế số của cả nước.

HIỂU THẾ NÀO VỀ KINH TẾ SỐ?

Trong những năm gần đây, có nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới và trong nước đã đưa ra những góc nhìn khác nhau về kinh tế số. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) [4] đưa ra khái niệm và các chỉ số đo lường quy mô của kinh tế số ở các nền kinh tế. Nổi bật nhất là R. Bukht và R. Heeks [8], khung khái niệm kinh tế số được hiểu là: “một phần của nền kinh tế dựa vào hoặc chủ yếu dựa vào các công nghệ số với mô hình kinh doanh về hàng hóa số hoặc dịch vụ số”. Trong bài viết, các tác giả đưa ra ba phạm vi kinh tế số từ hẹp đến rộng. Theo đó ba phạm vi của kinh tế số được hiểu là (1) kinh tế số lõi (Core Digital Economy), (2) kinh tế số phạm vi hẹp (Digital Economy) và (3) kinh tế số phạm vi rộng (Digitalised Economy, hay là kinh tế số hóa) như được chỉ dẫn ở Hình 1:

Hình 1. Khái niệm kinh tế số theo phạm vi [8]

Thúc đẩy phát triển kinh tế số - Trường hợp tỉnh Bến Tre

Kinh tế số lõi bao gồm chế tạo phần cứng, dịch vụ thông tin, phần mềm và tư vấn CNTT-TT và đóng góp khoảng 8% GDP [6, 7].

Kinh tế số bổ sung dịch vụ số (Digital services) và kinh tế nền tảng (platform economy) vào kinh tế số lõi. Hơn nữa, kinh tế số phạm vi hẹp còn bao gói một bộ phận của kinh tế chia sẻ (Sharing economy), kinh tế gắn kết lỏng (Gig economy) và đóng góp khoảng 33% GDP [7].

Kinh tế số hóa bổ sung kinh doanh điện tử (KDĐT), TMĐT, công nghiệp 4.0 (Industry 4.0), nông nghiệp chính xác (Precision agriculture), kinh tế thuật toán (Algorithmic Economy), phần còn lại của kinh tế chia sẻ, kinh tế gắn kết lỏng vào kinh tế số và đóng góp khoảng 87% GDP [7].

Như vậy, kinh tế số được hiểu theo nghĩa rộng là: “Nền kinh tế số bao gồm tất cả các doanh nghiệp, dịch vụ có mô hình kinh doanh chủ yếu dựa trên việc mua bán hoặc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ số hoặc các thiết bị và cơ sở hạ tầng hỗ trợ”. Các loại hình tiêu biểu của kinh tế số là: (1) kinh tế nền tảng, (2) kinh tế chia sẻ và (3) kinh tế gắn kết lỏng.

Kinh tế nền tảng: là một loại hình tiêu biểu của kinh tế số, ở đó các hoạt động kinh tế diễn ra trên các nền tảng số cho phép các nhóm người tương tác với nhau, vốn được coi là nền tảng trung gian kết nối các tác nhân trong nền kinh tế. Ví dụ cho kinh tế nền tảng có thể là Grab, Tiki, Momo, v.v.

Kinh tế chia sẻ: là một loại hình của kinh tế số, trong đó tài sản hoặc dịch vụ được chia sẻ dùng chung giữa các cá nhân, kết nối giữa người có nhu cầu dùng tài sản hay dịch vụ mà người sở hữu tài sản muốn chia sẻ hay dịch vụ đó. Có thể thấy rõ các ví dụ của loại hình kinh tế này là cho vay ngang hàng (P2P), lao động và việc làm trực tuyến, du lịch và khách sạn, dịch vụ vận tải, hoặc âm thanh/video trực tuyến.

Kinh tế gắn kết lỏng: là một loại hình kinh tế số, trong đó người lao động làm việc trong những vị trí việc làm tạm thời và linh hoạt, tức là làm tự do trong khi các công ty có xu hướng thuê nhân viên làm việc từ xa thay vì thuê nhân viên cố định. Nói như vậy, người lao động có thể làm việc cho nhiều công ty cùng một lúc. Ví dụ cho trường hợp này là chuyên gia tư vấn, giảng viên thỉnh giảng, chuyên viên phần mềm, cộng tác viên các tờ báo, các nhà cố vấn chuyên môn, v.v. [1].

MỘT SỐ THỐNG KÊ VỀ KINH TẾ SỐ CỦA VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI

Theo báo cáo E-Conomy SEA 2020, Việt Nam là quốc gia có cấu phần kinh tế số Internet/nền tảng, đạt 14 tỷ USD và dự báo đến năm 2025 đạt mức 52 tỷ USD. Cũng theo báo cáo này, Kinh tế số của Việt Nam năm 2020 ước đạt khoảng 163 tỷ USD - chiếm 8,2% GDP cả nước, cấu phần kinh tế số lõi đạt 126 tỷ USD - chiếm 5,5% GDP, kinh tế ngành/lĩnh vực đạt khoảng 23 tỷ USD - chiếm 1,7% GDP (tổng hợp sơ bộ từ các báo cáo trong và ngoài nước) và Việt Nam liên tục có tốc độ tăng trưởng kinh tế số ở mức 2 con số (16% năm 2020) và dự báo đạt bình quân 29% trong giai đoạn 2021-2025.

Đối với nền kinh tế toàn cầu, báo cáo kinh tế thông tin năm 2019 của Diễn đàn Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc (United Nations Conference on Trade And Development: UNCTAD) [9] cho biết đóng góp vào tài khoản quốc gia tính trên toàn thế giới của kinh tế công nghệ thông tin và truyền thông (kinh tế số lõi) là 4,5% GDP và kinh tế số (phạm vi hẹp) là 15,5%, con số tương ứng tại nước Mỹ là 6,9% GDP và 21,6% và tại Trung Quốc là 6% và 30%; xuất khẩu dịch vụ Công nghệ thông tin toàn cầu tăng từ 175 tỷ USD (năm 2005) lên 568 tỷ USD (năm 2018), dịch vụ cung cấp số toàn cầu tăng từ 1.200 tỷ USD (năm 2005) lên 2.900 tỷ USD (năm 2018); giá trị thương mại điện tử toàn cầu năm 2017 lên tới 29.000 tỷ USD.

THỰC TRẠNG KINH TẾ SỐ, CHUYỂN ĐỔI SỐ CỦA BẾN TRE

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Quyết định của Thủ tướng, Bến Tre là một trong những địa phương được chọn triển khai thí điểm về chuyển đổi số và phát triển kinh tế số; theo đó, Bến Tre đã có bước đi vững chắc triển khai chương trình chuyển đổi số, thúc đẩy kinh tế số.

Triển khai Chương trình chuyển đổi số

Bến Tre là một tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, có vai trò quan trọng về an ninh lương thực, có nhiều lợi thế về đất đai, sông nước, khí hậu để phát triển các sản phẩm nông sản chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến, đặc biệt là trái cây chất lượng cao và là trung tâm sản xuất và cung cấp cây giống chất lượng cao phục vụ cả nước và xuất khẩu. Trong những năm qua, nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ một tỉnh nghèo, Bến Tre đã nỗ lực làm bật dậy những tiềm năng, tạo những bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Nền kinh tế của tỉnh luôn giữ được thế ổn định và có nhiều mặt phát triển và tiến bộ. Theo số liệu của PAPI [11], Bến Tre, năm 2020 có sự cải thiện đáng kể về chất lượng cung cấp dịch vụ công nhờ vào những chuyển đổi ứng dụng số (Hình 2).

Bến Tre đến nay đã đồng bộ hóa việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong toàn tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền. Hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông từng bước được cải thiện, đầu tư và hiện đại hóa; toàn tỉnh hiện có 03 trung tâm tích hợp dữ liệu đã được đầu tư và đưa vào sử dụng; 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện và 78% cán bộ cấp xã đã được trang bị máy tính kết nối mạng nội bộ và mạng internet băng thông rộng để phục vụ công việc; riêng cơ quan khối Đảng sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng để kết nối với mạng thông tin diện rộng của Đảng. Hệ thống hội nghị trực tuyến được đầu tư, liên thông từ trung ương đến địa phương, phương thức hội nghị trực tuyến kết nối 03 cấp từ trung ương đến huyện được sử dụng và phát huy hiệu quả tốt; các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin được đảm bảo. Hệ thống quản lý văn bản điều hành được triển khai ở tất cả các Sở Ban Ngành của tỉnh và liên thông từ trung ương đến cơ sở gắn với việc sử dụng hộp thư điện tử và chữ ký số. Thủ tục hành chính và kết quả giải quyết thủ tục hành chính được công khai trên các trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị. Tính đến tháng 8/2020, cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã cung cấp được hơn 1000 thủ tục hành chính công trực tuyến đạt cấp độ 3, 4, bao gồm nhiều lĩnh vực như: báo chí, xuất bản, lao động, tư pháp, xây dựng, thương mại, … góp phần hiện đại hóa công tác quản lý, đảm bảo độ chính xác, minh bạch, phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp. Tuy vậy, mức độ tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ này vẫn còn khiêm tốn (Hình 3).

Hình 2: Điểm chỉ số Quản trị điện tử của các địa phương, chỉ số PAPI

Thúc đẩy phát triển kinh tế số - Trường hợp tỉnh Bến Tre

Nguồn: Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam [11]

Tổng số thuê bao sử dụng Smarphone trên toàn tỉnh là hơn 911 nghìn trong đó chỉ có hơn 600 nghìn thuê bao (~65%) có phát sinh lưu lượng. Tỷ lệ thuê bao sử dụng Smartphone/100 dân chỉ đạt 70,8%. Tỷ lệ thuê bao sử dụng smartphone/tổng số thuê bao di động chỉ đạt 54,14%.

Số lượng doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin là 95 doanh nghiệp và có số lao động công nghệ thông tin là 587 người. Tổng số công chức có trình độ tin học (chứng chỉ công nghệ thông tin, trung cấp trở lên) là 2.061/2.392 người đạt 86,2%. Trong đó, công chức cấp tỉnh: 844/947 người (89%), công chức cấp huyện: 776/836 (92,8%), công chức là thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp: 441/609 người (72,4%). Tổng số cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm về công nghệ thông tin: 46 người; riêng huyện Giồng Trôm và Chợ Lách chưa bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm về công nghệ thông tin (trong đó: số lượng cán bộ chuyên trách 30 người (cấp tỉnh 23 người; cấp huyện 07 người); số lượng cán bộ kiêm nhiệm 16 người (cấp tỉnh 09 người; cấp huyện 07 người). Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm về công nghệ thông tin: 02 thạc sĩ, 33 đại học, 02 cao đẳng và 09 có trình độ trung cấp hoặc hiểu biết về công nghệ thông tin.

Hình 3: Khoảng cách giữa tỷ lệ người dân sử dụng Internet và tỷ lệ người dùng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương, năm 2019-2020

Thúc đẩy phát triển kinh tế số - Trường hợp tỉnh Bến Tre

Nguồn: Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam [11]

Thúc đẩy kinh tế số ở Bến Tre

Để thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ và sắp tới là cụ thể hóa Chiến lược phát triển Kinh tế số của Việt Nam giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 20 tháng 10 năm 2020 về việc chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 với quan điểm là: “hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế địa phương, nâng cao hiệu quả của công tác lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, hiệu lực quản lý của các cấp chính quyền gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và sự phát triển bền vững của địa phương; ưu tiên chuyển đổi số trên các lĩnh vực: quản lý hành chính, y tế, giáo dục, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải và logistics.” Nghị quyết của tỉnh ủy cũng đề ra mục tiêu là “đến năm 2025, Bến Tre trở thành địa phương thành công chuyển đổi số của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, phát triển công nghiệp nội dung số, thử nghiệm công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hình thành hệ sinh thái công nghệ thông tin và truyền thông địa phương, kết nối hiệu quả vào hệ sinh thái quốc gia.” Đưa Bến Tre trở thành tỉnh nằm trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu Đồng bằng Sông Cửu Long về chuyển đổi số và tỉnh nằm trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông.

Nghị quyết của Tỉnh ủy cũng đưa ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 trong chuyển đổi số, phát triển kinh tế số:

Về phát triển chính quyền số, 100% dịch vụ công trực tuyến đảm bảo mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện, 60% hồ sơ cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc bí mật nhà nước) (mục tiêu năm 2030 lần lượt là: 100%, 90% và 70%); 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế-xã hội phục vụ chỉ đạo điều hành của các cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh và huyện được tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh; 80% cơ sở dữ liệu tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử bao gồm các cơ sở dữ liệu về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm được hoàn thành và kết nối, chia sẻ vào hệ thống của quốc gia (mục tiêu năm 2030 là 90%); từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời; 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý được thực hiện qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý (mục tiêu năm 2030 là 70%).

Về phát triển kinh tế số, đến năm 2025, kinh tế số của tỉnh chiếm 10% GRDP và 30% vào năm 2030, trong đó tỷ lệ kinh tế số của từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 5% (mục tiêu năm 2030 là tối thiểu 15%), năng suất lao động bình quân hàng năm tăng tối thiểu 7% (mục tiêu năm 2030 là tối thiểu 8%), chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông đạt nhóm 25 tỉnh dẫn đầu cả nước (mục tiêu năm 2030 là tỉnh thuộc nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số này).

Về phát triển xã hội số, đến năm 2025, hạ tầng băng thông rộng phủ khắp 80% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 50%; xây dựng thành công nền tảng đô thị thông minh tại thành phố Bến Tre.

GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ TẠI BẾN TRE

Thứ nhất, cần tăng cường các công tác tuyên truyền, thúc đẩy đổi mới tư duy, nhận thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, hộ gia đình và doanh nghiệp về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số trong đời sống, sản xuất, thương mại và thực thi công vụ.

Thứ hai, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, lộ trình chuyển đổi số trên cơ sở chiến lược của cả nước, triển khai đồng bộ kế hoạch chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị. Chiến lược chuyển đổi số của tỉnh phải theo hướng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội theo hướng số hóa trên cơ sở phát huy hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống của Bến Tre, chú trọng nguồn lực con người và xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số. Tăng cường liên kết với các cơ sở nghiên cứu và đào tạo: các viện, trường đại học, trung tâm và các đối tác khác nhằm nâng cao kỹ năng quản trị công nghệ hướng đến làm chủ các công nghệ mới. Chiến lược chuyển đổi số của tỉnh cần phải bao quát toàn tỉnh, cụ thể từng ngành, từng lĩnh vực, địa phương trong tỉnh.

Thứ ba, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng cứng và mềm cho chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số của tỉnh. Cơ sở hạ tầng thiết bị và ứng dụng phải được đầu tư đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của nhân dân, doanh nghiệp và sự chuyển đổi của chính quyền điện tử; đặc biệt là hệ thống truyền tải dữ liệu, trung tâm tích hợp dữ liệu, năng lượng và hệ thống thu thập, lưu trữ và xử lý dữ liệu. Triển khai đồng bộ mạng băng thông rộng chất lượng cao trên địa bàn Tỉnh, phát triển hạ tầng kết nối mạng internet nhằm tạo điều kiện nền tảng cho phát triển đô thị thông minh. Có chính sách thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ đầu tư phát triển tại tỉnh, ưu tiên các lĩnh vực thương mại điện tử, nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường, tài chính, giao thông.

Thứ tư, hỗ trợ nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, hợp tác xã đồng thời chú trọng bồi dưỡng, phổ biến, trang bị kiến thức cho đội ngũ doanh nhân đáp ứng yêu cầu của kinh tế số. Tập trung triển khai phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, thúc đẩy phát triển kinh tế số của tỉnh. Xây dựng chương trình đào tạo đội ngũ chuyên trách công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước thành các chuyên gia chuyển đổi số trong các ngành. Xây dựng chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước.

Thứ năm, tiếp tục khơi dậy và tạo động lực cho văn hóa khởi nghiệp sáng tạo, nhất là trong tầng lớp thanh niên của tỉnh./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hồ Tú Bảo, Nguyễn Huy Dũng, Nguyễn Nhật Quang (2020). Hỏi đáp về Chuyển đổi số, Nxb Thông tin và Truyền thông

  2. Hà Quang Thụy, Phan Xuân Hiếu, Nguyễn Trí Thành, Trần Trọng Hiếu, Trần Mai Vũ, Nguyễn Hữu Đức (2019). Kinh tế số: Bối cảnh thế giới và liên hệ với Việt Nam, Đại học Quốc gia, Hà Nội

  3. OECD. Measuring the Digital Transformation: A Roadmap for the Future. https://www.oecd.ỏg/going-digital/measurement-roadmap.pdf

  4. Kevin Barefoot, Dave Curtis, William Jolliff, Jessica R. Nicholson, Robert Omohundro (2018). Defining and Measuring the Digital Economy. Working Paper, Bureau of Economic Analysis, US Department of Commerce, 15/3/2018

  5. International Monetary Fund. Measuring the Digital Economy. IMF report, access to https://www.imf.org/~/media/Files/Publications/PP/2018/022818MeasuringDigitalEconomy.ashx

  6. Xiaoming Zhu (2019). Emerging Champions in the Digital Economy. Springer Singapore

  7. Bukht R., Heeks R. (2017). Defining, conceptualizing and Measuring the Digital Economy, Manchester University Press.

  8. United Nations Conference on Trade and Development (UNCTAD). Digital Economy Report 2019. Value Creation and Capture: Implications for Developing Countries. UNCTAD, 2019 December. https://unctad.org/en/PublicationsLibrary/der2019_en.pdf

  9. Google, Temasek and Bain, e-Conomy SEA 2020 Report-A full velocity: Resilient and Racing Ahead

  10. PAPI- Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) (2021). Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam

  11. Tỉnh ủy Bến Tre (2020). Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 20 tháng 10 năm 2020 về Chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030

  12. TS. Lê Huy Đoàn

    Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

    PGS, TS. Nguyễn Tiến Dũng

    Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư