e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Góc địa phương

Yên Bái tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

19:19 | 14/06/2021 Print
05 tháng đầu năm 2021, Yên Bái tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Kinh tế - xã hội ổn định và phát triển

Yên Bái tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn phát biểu tại buổi làm việc tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp

Ngay từ đầu năm 2021, tỉnh Yên Bái đã triển khai thực hiện tích cực, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, đặc biệt tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả ba đột phá chiến lược và đã đạt được các kết quả quan trọng đáng ghi nhận.

Một trong ba đột phá chiến lược được tỉnh xác định là tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách để huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư, phát triển; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.

Theo đó, Tỉnh đã nhanh chóng ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn Tỉnh giai đoạn 2021-2025 trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế tập thể; du lịch; thu hút, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chuyển dịch cơ cấu lao động (từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp giai đoạn 2021-2025)...

Năm 2020, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Yên Bái đứng thứ 33/63 tỉnh, tăng 3 bậc so với năm 2019; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) Yên Bái đạt 42,42 điểm, thuộc nhóm trung bình cao, đứng thứ 25/63 tỉnh.

Đồng thời, tăng cường đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao kết quả thu hút đầu tư và cải thiện năng lực cạnh tranh của Tỉnh, cụ thể: Tiếp tục triển khai công tác cải cách hành chính nhà nước tỉnh Yên Bái năm 2021; kiểm soát thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công Tỉnh,

Bộ phận Phục vụ hành chính công cấp huyện, cấp xã; triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Tỉnh; tổ chức triển khai đánh giá doanh nghiệp nhà nước năm 2021; đồng hành cùng doanh nghiệp, rà soát, nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhất là các thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng, tín dụng, thuế, hải quan...

Với những cố gắng trên, mặc dù trong điều kiện kinh tế khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, song môi trường đầu tư của Tỉnh vẫn nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Trong 5 tháng đầu năm 2021, Tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 14 dự án với tổng số vốn đăng ký là 1.051 tỷ đồng, quyết định điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 14 dự án, đồng thời thành lập mới 113 doanh nghiệp, 27 hợp tác xã và 329 tổ hợp tác.

Công tác phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được Tỉnh quan tâm đẩy mạnh (trọng tâm là nâng cao chất lượng nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số; tạo việc làm gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động).

Theo đó, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động được triển khai hiệu quả. Hiện Tỉnh đã xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2021-2025; triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động...

Kết quả, trong 5 tháng đầu năm 2021, Tỉnh đã giải quyết việc làm cho 9.437 lao động, tuyển mới và đào tạo nghề cho 6.833 người; chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp cho 3.466 lao động; giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 1.343 người với tổng kinh phí 18,1 tỷ đồng; tư vấn giới thiệu việc làm cho 1.408 người.

Với bước đột phá chiến lược vào lĩnh vực đầu tư công theo hướng trọng điểm, hiệu quả, tỉnh Yên Bái xác định cần huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, mà nền tảng là đầu tư hạ tầng giao thông, đô thị, khu, cụm công nghiệp...

Nỗ lực đã trở thành hiện thực, trong 5 tháng đầu năm 2021, tổng vốn đầu tư phát triển toàn Tỉnh ước đạt 5.698,68 tỷ đồng, bằng 31,7% kế hoạch, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó: Vốn nhà nước ước đạt 1.463,68 tỷ đồng, bằng 27,6% kế hoạch, tăng 5,8% so với cùng kỳ; vốn ngoài nhà nước ước đạt 4.081 tỷ đồng, bằng 36,1% kế hoạch, tăng 6,4% so với cùng kỳ; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 154 tỷ đồng, bằng 11,0% kế hoạch, gấp 2,42 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Quyết tâm hoàn thành toàn diện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021

Để hoàn thành toàn diện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, được biết tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp khôi phục nền kinh tế, chủ động chuyển sang trạng thái hoạt động mới vừa chống dịch hiệu quả, vừa đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh; đủ sức cạnh tranh, chủ động tham gia vào các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị mới được hình thành sau dịch. Triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, phát triển du lịch đã ban hành và thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng do tác động của dịch Covid-19.

Hai là, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo kịch bản phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung ưu tiên đẩy mạnh sản xuất, gia tăng giá trị các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; xây dựng để bù đắp cho các lĩnh vực bị suy giảm do ảnh hưởng của dịch; mở rộng quy mô, phát huy tối đa công suất các ngành hàng, lĩnh vực ít chịu ảnh hưởng như sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, dịch vụ công nghệ thông tin…

Ba là, triển khai đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Cơ cấu thu, chi ngân sách nhà nước; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế để tạo nguồn thu, nuôi dưỡng nguồn thu; cắt giảm những khoản chi không thực sự cần thiết, tăng tỷ lệ tiết kiệm chi thường xuyên để bảo đảm cân đối thu, chi và dành nguồn kinh phí tập trung cho các lĩnh vực thúc đẩy tăng trưởng, các nhiệm vụ chi phát sinh (phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ an sinh xã hội và các nhiệm vụ phát sinh khác).

Bốn là, thực hiện cải cách hành chính, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện, nhất là các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong triển khai các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm; tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, nhất là khâu giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công./.

Nguyễn Hằng

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư