e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện/Kinh tế - Xã hội

Ngành công nghiệp, thương mại duy trì đà tăng trưởng tích cực

17:06 | 18/06/2021 Print
Đánh giá về phát triển công nghiệp, thương mại 5 tháng đầu năm 2021, Bộ Công Thương cho biết, so với diễn biến chung của thế giới thì kinh tế, thương mại Việt Nam 5 tháng đầu năm 2021 tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng tích cực.

Xuất khẩu 5 tháng đầu năm tăng trưởng cao so với cùng kỳ

Hoạt động sản xuất công nghiệp trên cả nước vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh bùng phát tại một số tỉnh, thành phố có các khu công nghiệp lớn...

Ngành công nghiệp, thương mại duy trì đà tăng trưởng tích cực
Nhu cầu tiêu dùng phục hồi từ các nền kinh tế lớn trên thế giới đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc ký kết các đơn hàng sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp

Nhu cầu tiêu dùng phục hồi từ các nền kinh tế lớn trên thế giới đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc ký kết các đơn hàng sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 5 tháng đầu năm tăng 9,9% (cùng kỳ tăng trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6% (cùng kỳ năm trước tăng 3,2%), sản lượng sản phẩm các ngành dệt may, gia dày, ô tô có mức tăng trưởng tốt.

Hoạt động xuất khẩu 5 tháng đầu năm tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ và khá bền vững dựa vào tăng trưởng đồng đều ở tất cả ngành hàng quan trọng như điện tử, dệt may, giày dép, máy móc thiết bị, nông sản… và ở các thị trường lớn như: Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN...

Nhập khẩu có sự gia tăng mạnh mẽ nhờ sản xuất phục hồi, nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào tăng cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất cho tiêu dùng và xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng ước đạt 131,13 tỷ USD, tăng 30,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 0,9%); kim ngạch nhập khẩu ước đạt 131,6 tỷ USD, tăng 36,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 5%).

Bên cạnh đó, thị trường hàng hóa cơ bản ổn định; nguồn cung hàng hóa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân, kể cả người dân trong vùng có dịch hoặc bị phong tỏa; không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng ước đạt 2.086,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,27% (cùng kỳ năm 2020 giảm 6,56%).

Nhập khẩu tư liệu sản xuất tăng cao, ảnh hưởng đến cán cân thương mại hàng hóa

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng đánh giá, sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại vẫn còn một số tồn tại. Cụ thể như: Với việc dịch bùng phát ở các khu công nghiệp lớn đã có những ảnh hưởng nhất định tới tăng trưởng của sản xuất công nghiệp trong nước, tác động tới chuỗi cung ứng hàng hóa. Trong bối cảnh các nền kinh tế tiêu dùng lớn của thế giới ở Mỹ và EU mở cửa trở lại, việc tận dụng cơ hội này của Việt Nam trong việc giành được các đơn hàng lớn sẽ bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của tăng giá cả nguyên, nhiên vật liệu trên thế giới, cước, phí vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng cao, nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm tỷ trọng rất lớn (khoảng trên 90%) làm gia tăng giá trị nhập khẩu, ảnh hưởng đến cán cân thương mại hàng hóa.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, một số địa phương đang thực hiện phong tỏa hoặc giãn cách xã hội khiến nhu cầu tiêu dùng của nhân dân giảm sút, đặc biệt là các mặt hàng không thiết yếu đã tác động đến tổng mức bán lẻ hàng hóa.

Công nghiệp và thương mại vẫn đang bám sát kịch bản tăng trưởng đề ra

Đến thời điểm hiện nay, phát triển các ngành công nghiệp và thương mại cơ bản đã và đang bám sát theo kịch bản tăng trưởng đề ra. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt khoảng 38% kế hoạch năm; xuất khẩu đạt hơn 44% kế hoạch năm và tiếp tục là điểm sáng trong năm 2021. Chỉ số sản xuất công nghiệp đang ở mức cao hơn so với kế hoạch, 5 tháng tăng 9,9% (kế hoạch 8%).

Bộ Công Thương dự kiến 6 tháng đầu năm 2021, chỉ số phát triển sản xuất tiếp tục được duy trì tăng khoảng 9% (kế hoạch cả năm tăng 8%); kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 21,7% (kế hoạch cả năm tăng 4%-5%); tổng mức bán lẻ hoàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 7,1% (kế hoạch cả năm tăng 8%).

Để đạt mục tiêu tăng trưởng của toàn ngành, góp phần vào hoàn thành mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước, ngành Công thương sẽ theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới, giá cả để phân tích, dự báo, rà soát kịch bản tăng trưởng, kịp thời đề xuất giải pháp chỉ đạo, điều hành.

Đồng thời, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm nông sản trên các kênh thương mại điện tử.

Tăng cường kiểm tra, giám sát và có biện pháp mạnh mẽ để chống đầu cơ, găm hàng, tích trữ, lũng đoạn thị trường hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước nhằm ổn định thị trường, hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp.

Bám sát tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn toàn quốc, trong các khu, cụm công nghiệp để hướng dẫn thực hiện giải pháp nhằm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả vừa bảo đảm phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, thúc đẩy xuất khẩu; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; tổ chức khai thác, tận dụng tốt cơ hội từ các FTA để phát triển thị trường và tháo gỡ các rào cản để thâm nhập các thị trường mới./.

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư