e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Diễn đàn khoa học/Nghiên cứu - Trao đổi

Chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số và những vấn đề đặt ra cho báo chí Việt Nam

12:28 | 24/06/2021 Print
Dựa trên nền tảng công nghệ mới, mà cốt lõi là công nghệ số (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây...), chuyển đổi số đang tạo ra không gian phát triển mới cho kinh tế số, xã hội số… Cùng với sự phát triển của hệ sinh thái truyền thông số, báo chí ngày nay đối diện với những thuận lợi và thách thức trong việc đi tìm mô hình phát triển kinh tế mới. Quan trọng hơn, xã hội số đang hình thành với những công dân thế hệ số, những người không đơn giản chỉ tiếp nhận thông tin và tương tác đa chiều, mà còn tự tạo nội dung trên nền tảng kỹ thuật số, để thực hiện chức năng quan trọng hơn: tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội. “Công chúng số” đang đặt ra cho báo chí và hoạt động quản lý báo chí những vấn đề phải định vị lại chiến lược phát triển trong tương lai…

Chuyển đổi số, kinh tế số: thách thức đối với báo chí

Sự xuất hiện của các công nghệ mới, công nghệ số ảnh hưởng trực tiếp đến việc vận hành, sản xuất và phân phối tin tức của các cơ quan báo chí. Các tòa báo hiện đại trên thế giới đều tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giúp công chúng tìm kiếm và nhanh chóng chọn lựa mục tin tức phù hợp. Nói chính xác hơn, các tòa soạn sử dụng AI phân tích hành vi của công chúng để đưa ra các bài báo khớp nhất với sở thích và hứng thú quan tâm của họ. AI đã và đang được sử dụng để phát hiện tin nóng, thẩm định thông tin, tương tác với độc giả, sản xuất video, cho đến viết tin, bài tự động... Ứng dụng AI, nhiều tòa soạn đã sử dụng các robot để thay thế các nhà báo, phóng viên trong việc sản xuất các sản phẩm truyền thông, đặc biệt là tin tức một cách nhanh chóng và chính xác hơn cả nhà báo thực thụ. Theo Báo điện tử VietnamPlus của Thông tấn xã Việt Nam (2017), Xiaomingbot là robot viết tin bằng AI ở Trung Quốc, nó sản xuất tới 450 tin trong 15 ngày diễn ra Olympic Rio 2016, trong đó tập trung vào các môn cầu lông và bóng bàn. Theo trang Quartz, hầu hết các tin này chỉ có độ dài khoảng 100 từ. Tin được đọc nhiều nhất là trận thi đấu cầu lông đơn nữ mà phần thắng thuộc về Wang Yihan, người từng giành huy chương bạc tại Olympic London. Tin này hoàn thành chỉ 2 phút sau khi kết thúc trận đấu và có 50.000 lượt đọc.

Cũng theo Báo điện tử VietnamPlus (2018), trước khi hợp tác với Công ty Automated Insights chuyên về AI, đội ngũ phóng viên kinh tế của AP chỉ có thể viết khoảng 6% tin tức về báo cáo hoạt động cho 5.300 công ty Mỹ niêm yết trên sàn chứng khoán. Hai năm sau, hệ thống AI của AP có khả năng tạo ra 3.700 bài viết hoạt động theo quý, tức là gấp đến 10 lần. USA Today sử dụng Wibbitz, một phần mềm AI, để tạo các đoạn video ngắn. Công cụ này chọn một câu chuyện trình bày dưới dạng văn bản, rút gọn nó, thu thập hình ảnh hoặc video, thậm chí thêm cả lời bình.

Năm 2021, Thomson Reuters, chủ sở hữu Hãng thông tấn Reuters đề ra chiến lược chuyển đổi từ một nhà cung cấp nội dung sang một công ty công nghệ lấy nội dung làm trung tâm. Thomson Reuters cắt giảm 600 triệu USD chi phí vận hành thông qua loại bỏ các chức năng trùng lặp, để đầu tư cho AI và máy học (Du Lam, 2021). Hiện Reuters hợp tác cùng Graphiq sử dụng thuật toán hay AI dự đoán chủ đề của tin tức, sau đó thu thập, xử lý dữ liệu và xây dựng hình ảnh. Hệ thống Lynx Insight của Reuters có khả năng xử lý những bộ dữ liệu khổng lồ, đồng thời cung cấp cho nhà báo các kết quả và thông tin bối cảnh trong thời gian chóng vánh.

Chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số và những vấn đề đặt ra cho báo chí Việt Nam
Báo chí đang đối diện với nhiều thách thức đến từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

Hiện nhiều báo điện tử tại Việt Nam, như: VOVLive, VnExpress, ZingNews, Dân trí hay Lao Động… đã áp dụng AI, nhưng mới dừng lại ở mức phiên bản báo “nói”, nghĩa là “máy đọc”, chứ không phải “người đọc” tin tức cho độc giả. Theo đó, người nghe có thể tùy chọn giọng đọc là nam hay nữ, giọng nói miền Nam hay miền Bắc để nắm bắt thông tin.

Mặc dù AI và “nhà báo robot” đã thay thế một phần công việc của nhà báo, đồng thời ít nhiều tạo tác động cảnh báo về vị trí việc làm của các phóng viên, nhà báo trong tương lai, nhưng vấn đề bức xúc nhất về kinh tế báo chí hiện nay lại đến từ áp lực cạnh tranh với các phương tiện truyền thông mới.

Những tập đoàn công nghệ xuyên quốc gia (big tech), như: Facebook, Google… độc quyền thâu tóm doanh thu quảng cáo, đăng lại tin bài của báo chí mà không trả tiền, khiến báo chí thế giới lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2007-2008, khoảng 1.000 tờ báo ở Mỹ đã phải đóng cửa (Đỗ Tiến, 2020). Ở Việt Nam, cuộc cách mạng số làm thay đổi chiến lược và thị trường quảng cáo, khiến cuộc cạnh tranh giữa các cơ quan báo chí đã khốc liệt, nay càng khốc liệt hơn với đối thủ mới, đó là mạng xã hội. Có nhiều tờ báo, vào thời hoàng kim, mỗi ngày xuất bản 20-30 trang quảng cáo, thậm chí nhiều hơn số trang nội dung. Nhưng 10 năm gần đây, số trang quảng cáo trên báo in giảm mạnh, chỉ còn 4-8 trang, thậm chí chỉ có 2 trang, trong đó chủ yếu là rao vặt, bố cáo thành lập công ty, thay đổi trụ sở… Đại dịch Covid-19 làm cho báo chí với mô hình kinh doanh phụ thuộc quá nhiều vào quảng cáo càng thêm thiệt hại nặng nề. Theo Báo cáo của Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết nhiệm vụ năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 tại Quảng Ninh, ngày 31/12/2020, năm 2020, doanh thu của nhiều cơ quan báo chí giảm 70% so với năm 2019. Riêng khối truyền hình, phát thanh doanh thu đạt gần 9.500 tỷ đồng, trong đó chủ yếu nguồn thu đến từ các hợp đồng truyền thông, quảng cáo (trên 5.700 tỷ đồng, giảm 4% so với năm 2019).

Có một thực trạng là các nền tảng số nói chung vẫn cần báo chí, nhưng không cần một báo, đài cụ thể nào, nên dẫn đến sự bất cân xứng về quyền lực, mà cán cân nghiêng về phía nền tảng số. Điều này khiến thị trường truyền thông thiếu lành mạnh một cách đáng kể, gây hại cho báo chí và cũng làm cho xã hội chịu thiệt, bởi bản chất của hoạt động báo chí là cung cấp thông tin chính xác, khách quan cho công chúng toàn xã hội. Bởi vậy, cuộc đấu giữa nền tảng số và báo chí vừa là cuộc tranh luận về nguyên tắc kinh tế, vừa là cuộc đấu chính trị giữa các ngành đầy quyền lực. Ngày 25/2/2021, Australia là quốc gia đầu tiên trên thế giới thông qua Luật Đàm phán nội dung tin tức, được thiết kế để buộc các hãng công nghệ lớn trả tiền tin tức cho các nhà xuất bản. Dù Luật không nhắc tên cụ thể Facebook hay Google và Australia cũng chưa công bố thời điểm Luật bắt đầu có hiệu lực, nhưng ngày 01/6/2021, Tập đoàn Nine Entertainment ra thông cáo báo chí về việc Tập đoàn đã đạt được thỏa thuận có giá trị hàng triệu AUD trong việc chia sẻ nội dung tin tức với Facebook và Google. Đây là tập đoàn truyền thông lớn thứ 3 của Australia đạt được thỏa thuận với 2 ông lớn Facebook và Google sau News Corp và Seven West Media.

Bị suy giảm nguồn thu, nhiều tờ báo ở Việt Nam không có ngân sách, dẫn đến nguy cơ phải giải thể hoặc thu hẹp quy mô hoạt động, số khác phải xoay sở bằng tìm kiếm các nguồn thu ngoài mặt báo, như: tổ chức sự kiện, sản xuất nội dung cho Google, Facebook… Điều này dẫn đến, để có ngay nguồn thu trước mắt, không ít cơ quan báo chí chọn giải pháp “giật tít câu view” hay đăng tải các thông tin “sốc, sex, sến”. Nhiều tòa soạn ra định mức: bài từ 10.000 view trở lên mới có nhuận bút; tin phải đạt ít nhất 300 view mới có nhuận bút 10.000 đồng. Có cơ quan báo chí giao cho phóng viên nhiệm vụ bán báo hoặc kêu gọi quảng cáo: “Mức 1: phải bán 20 tờ báo/kỳ phát hành, tương đương khoảng 7.300 tờ/năm (hoặc 150 triệu đồng quảng cáo và viết bài truyền thông/năm). Mức 2: phải bán 10 tờ báo/kỳ phát hành, tương đương khoảng 3.650 tờ/năm (hoặc 75 triệu đồng quảng cáo và viết bài truyền thông/năm). Thúc ép doanh nghiệp quảng cáo trở thành chủ trương của nhiều tòa soạn, nên khiến môi trường kinh doanh, đầu tư trở nên méo mó, tác động tiêu cực đến hoạt động lành mạnh của nhiều doanh nghiệp. Bị “mắc kẹt” trong các hợp đồng “hợp tác truyền thông”, báo chí khó lòng phanh phui các vụ việc tiêu cực liên quan đến các đơn vị, doanh nghiệp mà cơ quan báo chí đã bắt tay hợp tác truyền thông, dẫn đến đánh mất niềm tin của công chúng.

Điều đáng nói là, ngay cả khi báo điện tử ngày một thu hút đông đảo độc giả, thì 75%-80% doanh thu “quảng cáo số” vẫn chảy vào túi các hãng công nghệ nền tảng. Ngày 20/6/2018, Báo điện tử VietnamPlus của Thông tấn xã Việt Nam trở thành cơ quan báo chí đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam thu phí đọc nội dung trên báo điện tử. Tuy nhiên, mỗi ngày, VietnamPlus mới chỉ xuất bản khoảng 5-10 bài thu phí, đây là những bài phân tích chuyên sâu, phỏng vấn độc quyền. Đầu năm 2021, Ngày nay là tạp chí điện tử đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng thu phí đọc báo online.

Thông tin là một trong những “nhu yếu phẩm” không thể thiếu trong xã hội hiện đại. Công chúng cần rất nhiều loại thông tin, từ chính trị, kinh tế, đến xã hội, văn hoá, giải trí..., nên họ sẵn sàng trả tiền để được đáp ứng nhu cầu này. Nắm bắt được những nhu cầu đó, các nước phát triển đã đầu tư rất lớn cho ngành công nghiệp báo chí, truyền thông, qua đó giúp chúng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với doanh số hàng năm lên tới cả trăm tỷ USD. Tuy nhiên, sự khác biệt về môi trường chính trị - xã hội khiến chúng ta không thể “bê” nguyên xi các lý thuyết và cách làm của thế giới để áp dụng vào việc điều hành, tổ chức, quản lý hoạt động kinh tế báo chí ở Việt Nam...

Trong quá trình chuyển đổi số, bên cạnh việc hỗ trợ các cơ quan báo chí về “Quản trị tòa soạn điện tử” (cho phép xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số); “Phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội” giúp các cơ quan báo chí nắm bắt kịp thời thông tin, dư luận xã hội, nhờ đó nhận biết được nhu cầu thông tin để có tin bài đáp ứng đúng mong muốn của người đọc, cơ quan quản lý cần Hỗ trợ phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp” cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí nhằm tạo lá chắn, bảo vệ hoạt động trên môi trường số cho cơ quan báo chí. Chính phủ cần có nghiên cứu tổng thể về kinh tế báo chí trong bối cảnh truyền thông số, đồng thời, xây dựng các nền tảng số Việt Nam, để chúng ta không bị lệ thuộc hoàn toàn vào các nền tảng số sẵn có của nước ngoài.

Xã hội số, công chúng số và chiến lược thích ứng của báo chí

Xã hội số là xã hội thông tin hóa, bất kỳ ngành nào đều không thể tách rời thông tin, vì nó đã trở thành một trong năm yếu tố quan trọng của xã hội gồm: nhân lực, nguyên liệu, kỹ thuật, vốn, thông tin. Số lượng thông tin và tốc độ truyền tải thông tin biểu thị sức mạnh của một quốc gia. Phát triển xã hội thông tin là xu hướng tất yếu của xã hội hiện đại.

Nếu việc tìm kiếm thông tin được coi là vấn đề quan trọng nhất của thế kỷ 20, thì vấn đề quan trọng nhất trong truyền thông của thế kỷ 21 là cách thức, phương thức chia sẻ thông tin (Olmstead, Mitchell và Rosenstiel, 2011). Còn Erick Qualman (2012) khẳng định: chúng ta không có sự lựa chọn xem chúng ta có sử dụng mạng xã hội hay không, mà vấn đề ở đây là: chúng ta sử dụng mạng xã hội thế nào?

Truyền thông số phát triển mạnh trên toàn thế giới bất kể trình độ truy cập internet, sự khác biệt về văn hóa... Nó được đo bằng số thời gian trung bình mỗi người sử dụng tiêu tốn trên các mạng xã hội hàng ngày theo hướng ngày càng tăng. Ngoài ra, còn có sự thay đổi dễ nhận diện đang diễn ra trong thói quen sử dụng truyền thông trên toàn thế giới: truyền thông đại chúng đang dần trở nên xã hội hóa, lớp công chúng mới đang hình thành – “công chúng số”. Công dân số không chỉ là người thụ động tiếp nhận thông tin, tra cứu thông tin, không chỉ là người đối thoại, tương tác đa chiều; mà còn là người tham gia, là nhà báo, biên tập viên, nhà sản xuất sáng tạo, là những người chia sẻ ý kiến, quan điểm, tạo nên sự phong phú về nội dung, kiến thức và thông tin trên nền tảng kỹ thuật số, để thực hiện các chức năng quan trọng hơn: khẳng định bản thân và tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội...

Quản lý mạng xã hội nhưng không hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin, đồng thời để xây dựng một xã hội thông tin lành mạnh đang là một yêu cầu cần thiết và có tính cấp bách trong bối cảnh toàn cầu hóa và kỷ nguyên kỹ thuật số. Tuy nhiên, quan trọng hơn, báo chí cần phải xác định lại vai trò, vị trí của mình, xác định lại giá trị cốt lõi và chiến lược phát triển, để thực sự trở thành phương tiện truyền thông thiết yếu, phục vụ phát triển con người dựa trên quyền con người. Chuyển đổi số thành công để có một xã hội số và một nền kinh tế số phát triển bền vững, cần giải quyết trọn vẹn 3 khâu: thể chế, nền tảng, đào tạo nguồn nhân lực, nhưng trên hết là một nền truyền thông số công bằng, cân bằng, minh bạch, dân chủ, nhân văn./.

Tài liệu tham khảo

1. Lê Mạnh Hùng (2020). Báo cáo tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết nhiệm vụ năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021, tại Quảng Ninh, ngày 31/12/2020

2. Đặng Thị Thu Hương (2018). Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, mã số QG.18.55 về “Quản lý báo chí và quản trị truyền thông trong bối cảnh truyền thông mạng xã hội”

3. Đỗ Tiến (2020). Cuộc cạnh tranh giữa báo chí với Google và Facebook, truy cập từ http://cstc.cand.com.vn/Phong-su-Tieu-diem/Cuoc-canh-tranh-giua-bao-chi-voi-Google-va-Facebook-624803/

4. VietnamPlus (2017). Bạn hay thù?, truy cập từ https://special.vietnamplus.vn/2017/01/03/journalism_ai/

5. VietnamPlus (2018). Trí tuệ nhân tạo và báo chí, truy cập từ https://special.vietnamplus.vn/2018/01/26/ai_journalism/

6. Du Lam (2021). Reuters đầu tư hơn nửa tỷ USD vào trí tuệ nhân tạo, truy cập từ https://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/reuters-dau-tu-hon-nua-ty-usd-vao-tri-tue-nhan-tao-715511.html

7. Olmstead, K., Mitchell, A., and Rosenstiel, T (2011). Navigating news online: Where people go, how they get there and what lures them away

8. Erick Qualman, E. (2012). Socialnomics: How social media transforms the Way we live and Do business

PGS, TS. Đặng Thị Thu Hương

Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

(Đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 17 tháng 6/2021)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư