Triển khai giao dịch T+0 không còn xa

09:40 | 25/06/2021 Print
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho biết, dự kiến trong năm 2022, sẽ triển khai nghiệp vụ giao dịch trong ngày (T+0) trên TTCK khi dự án KRX hoàn tất.

Hiến kế tăng thanh khoản cho thị trường

Rất nhiều giải pháp nhằm tăng sức hấp dẫn, nhất là cải thiện thanh khoản cho thị trường chứng khoán (TTCK) đã được các chuyên gia, nhà đầu đề xuất với lãnh đạo Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) tại cuộc toạ đàm trực tuyến "Nghẽn lệnh tại HOSE: Thực trạng và giải pháp" do Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán tổ chức ngày 24/6 vừa qua.

“Để TTCK Việt Nam tiếp tục phát triển lên tầm cao mới, tham gia nhiều hơn vào các chuẩn quốc tế, được nâng hạng lên thị trường mới nổi, cùng với việc cần sớm triển khai cho phép giao dịch T+0, cũng cần cho phép nhà đầu tư bán khống. Tham khảo kinh nghiệm từ các thị trường, việc triển khai T+0 có thể giúp thanh khoản thị trường tăng thêm 50% so với hiện tại...”, ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc phụ trách danh mục đầu tư của Công ty Dragon Capital đề xuất.

Triển khai giao dịch T+0 không còn xa
Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng kỳ vọng Dự án KRX sẽ được vận hành vào cuối năm nay. Ảnh: Quang Phúc

Giải đáp kiến nghị trên, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, hy vọng hệ thống KRX sẽ vận hành vào cuối năm nay để trong năm 2022 triển khai giao dịch trong ngày. Khi đó, còn mở ra kỳ vọng sẽ triển khai giao dịch thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cũng như một số hợp đồng tương lai trên chỉ số mới trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Để thu hút hiệu quả hơn dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, ông Điền cho rằng, việc nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, đến nay phần lớn các tiêu chí của MSCI, phía Việt Nam đã đáp ứng, nhưng vướng mắc lớn vẫn còn liên quan đến tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, cần khắc phục tình trạng này cùng với triển khai hệ thống thanh toán bù trừ độc lập để đáp ứng tiêu chí được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Các CTCK phải nâng cao năng lực hoạt động, để đáp ứng yêu cầu triển khai các sản phẩm mới, từ đó tăng mức độ hấp dẫn cho thị trường...

Đồng tình với đề xuất trên, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, quyền Tổng giám đốc CTCK VNDirect, đề xuất thêm, cần có giải pháp để đẩy nhanh tiến độ gia tăng số lượng và chất lượng hàng hóa cho thị trường. Nâng cao chất lượng của các tổ chức trung gian tài chính để cải thiện chất lượng dịch vụ, từ đó đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp huy động vốn.

Liên quan đến gia tăng tính hấp dẫn cho TTCK, ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng giám đốc CTCK SHS kiến nghị, cần có giải pháp để phân loại hàng hóa tốt hơn, đồng thời chất lượng dịch vụ do sở giao dịch chứng khoán cung cấp cho thị trường cũng nên tốt hơn...

Liên quan đến lời giải cho kiến nghị gia tăng số lượng và chất lượng hàng hóa cho thị trường, Chủ tịch UBCKNN cho biết, trong lúc TTCK đang tốt như hiện nay, nên tranh thủ đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước ở các doanh nghiệp. Đây là giải pháp tăng cung cho thị trường trong bối cảnh sức cầu đang mạnh. Bộ trưởng Bộ Tài chính đang chỉ đạo đẩy mạnh vấn đề này, nên tới đây sẽ có chương trình cụ thể...

Giải đáp đề xuất về cần hạ phí giao dịch cho robot, ông Trần Văn Dũng nói: “Cho robot giao dịch trong tạo lập thị trường thì rất khuyến khích, nhưng nếu dùng công cụ này cho đặt lệnh thì phải đánh đổi giữa giữa robot với nhà đầu tư cá nhân. Cho robot đặt lệnh, thì mặt lợi là cải thiện thanh khoản cho thị trường, nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến nhà đầu tư cá nhân. Bởi vậy, vấn đề này cần phải thảo luận kỹ lưỡng trước khi có khuyến khích sử dụng robot vào giao dịch đặt lệnh hay không...”.

Cải thiện tính minh bạch, công bằng, đón cơ hội "nghìn năm có một"

Với đặc trưng của một thị trường tồn tại và phát triển bằng niềm tin, một khi nguyên tắc công bằng, minh bạch trên TTCK bị xâm phạm, thì sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý của nhà đầu tư. Bởi vậy, ông Điền mong muốn UBCKNN và các sở giao dịch chứng khoán kiểm soát chặt chẽ tình trạng thao túng thị trường, đặc biệt là đối với các hoạt động giao dịch phát sinh, để tránh gây mất miền tin trong nhà đầu tư...

Ông Nguyễn Duy Hưng, nhìn nhận, lâu nay chúng ta nghe nhiều về kiến nghị giải pháp nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, thực tiễn đang cho thấy, để thị trường phát triển tích cực, thì điều quan trọng nhất là phát huy vai trò của nhà đầu tư trong nước.

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCK SSI, xu hướng nhà đầu tư nội địa dịch chuyển dòng tiền từ gửi tiết kiệm sang TTCK đang là cơ hội “nghìn năm có một” để gia tăng nguồn lực phát triển thị trường. Trong giai đoạn hiện nay, động lực cho thị trường tăng trưởng tiếp theo chính là nhà đầu tư cá nhân trong nước. Do đó, cả cơ quản lý, tổ chức vận hành thị trường cần lưu tâm đến nhóm nhà đầu tư này...

“Trong quá trình dòng tiền dịch chuyển đó, nhà đầu tư cần thấy được sự minh bạch và công bằng hiện hữu trên thị trường. Với cách tiếp cận như vậy, việc để tồn tại tình trạng ở những phiên ATC mà CTCK hết lượng lệnh được phân bổ bị ngắt giao dịch sẽ khiến cho chỉ số thị trường bị méo mó. Tình trạng này rất nguy hiểm ở những phiên chốt các chỉ số. Sẽ là hợp lý hơn khi chúng ta đồng thời ngừng giao dịch với tất cả CTCK. Bất cứ việc gì làm cho chỉ số méo mó thì không nên làm...”, ông Hưng thẳng thắn đề xuất.

Chia sẻ tại Tọa đàm với công chúng, Tư lệnh ngành chứng khoán cho biết, 6 tháng diễn ra nghẽn lệnh, nhà quản lý chịu nhiều áp lực, hầu hết nhà đầu tư không hài lòng, nhưng rất chia sẻ. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức họp với CTCK 3 lần để cùng nhìn rõ vấn đề và tìm giải pháp. Những chính sách của cơ quan quản lý, sở giao dịch chứng khoán được thảo luận công khai, minh bạch, nên tạo được sự đồng thuận của các CTCK, qua đó, cùng nỗ lực giải quyết sự cố thị trường.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư