e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Tài chính - Ngân hàng/Chứng khoán

Sàn phái sinh Việt Nam sắp có sản phẩm thứ ba

11:24 | 25/06/2021 Print
Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm là sản phẩm mới thứ ba, được giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam kể từ ngày 28/6/2021.

Ngày 28/6/2021, Sở GDCK Hà Nội chính thức đưa sản phẩm hợp đồng tương lai (HĐTL) trái phiếu Chính phủ (TPCP) kỳ hạn 10 năm vào giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh. Đây là sản phẩm thứ 3 trên thị trường chứng khoán phái sinh, sau 2 sản phẩm đầu tiên là HĐTL chỉ số VN30 và HĐTL TPCP 5 năm, HĐTL TPCP 10 năm tiếp tục góp phần đa dạng hoá sản phẩm giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh đồng thời được kỳ vọng là sản phẩm phòng vệ rủi ro hiệu quả cho thị trường TPCP.

Sàn phái sinh Việt Nam sắp có sản phẩm thứ ba
Thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam hoạt động ngày 10/8/2017 (trong ảnh), đến nay có sự tăng trưởng vượt bậc về quy mô thị trường và quy mô thanh khoản.

Sản phẩm HĐTL TPCP kỳ hạn 10 năm có tài sản cơ sở là TPCP giả định có kỳ hạn 10 năm, mệnh giá 100.000 đồng, lãi suất danh nghĩa 5,0%/năm, trả lãi định kỳ cuối kỳ 12 tháng/lần, trả gốc một lần khi đáo hạn.

Việc lựa chọn trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm làm tài sản cơ sở cho HĐTL TPCP đã được cân nhắc, tính toán dựa trên tính thanh khoản cũng như tỷ trọng của loại kỳ hạn này trong cơ cấu kỳ hạn phát hành trên thị trường giao ngay. Theo thống kê của Sở GDCK Hà Nội, TPCP kỳ hạn 10 năm chiếm tỷ trọng lớn không chỉ về mặt khối lượng phát hành (trong các trái phiếu kỳ hạn phát hành dài) trên thị trường sơ cấp mà còn về khối lượng giao dịch trên thị trường thứ cấp.

Với việc bổ sung đối tượng được phép giao dịch HĐTL TPCP 10 năm ngoài các nhà đầu tư tổ chức còn có các nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, việc triển khai sản phẩm HĐTL TPCP kỳ hạn 10 năm được kỳ vọng sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trên thị trường.

Hệ thống các thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh từ 7 CTCK thành viên khi mới khai trương thị trường chứng khoán phái sinh, đến nay đã có 22 CTCK thành viên. Các CTCK thành viên này đều có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu tối thiểu từ 900 tỷ đồng trở lên. Đến nay, các quy định pháp lý, hệ thống giao dịch, bù trừ thanh toán đã được hoàn thành để có thể đảm bảo thị trường vận hành thông suốt, an toàn, và sẵn sàng giao dịch sản phẩm mới.

Sàn phái sinh Việt Nam sắp có sản phẩm thứ ba
Việc nghiên cứu xây dựng và bổ sung sản phẩm mới cần sự nỗ lực của HNX, VSD và sự hợp sức của các thành viên thị trường

Thị trường chứng khoán phái sinh sau gần 4 năm đi vào hoạt động (từ 10/8/2017), đã có sự tăng trưởng vượt bậc về quy mô thị trường và quy mô thanh khoản. Khối lượng giao dịch trung bình từ 10.954 hợp đồng/phiên (năm 2017) lên 158.390 hợp đồng/phiên (2020), thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân và tổ chức.

Thị trường thể hiện ngày càng mạnh mẽ vai trò là công cụ phòng ngừa rủi ro và kênh đầu tư hiệu quả, góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển thị trường chứng khoán cơ sở. Việc nghiên cứu xây dựng và bổ sung sản phẩm mới cho thị trường là nỗ lực của HNX, VSD, các thành viên thị trường để phát triển thị trường theo lộ trình và đáp ứng nhu cầu của công chúng đầu tư.

Hồng Lĩnh - Thu Hương

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư