e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Quản lý vốn nhà nước ở doanh nghiệp còn chưa hiệu quả

09:46 | 28/06/2021 Print
Theo đánh giá của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại một số doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả, tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm...

Thẩm tra chính thức Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 của Chính phủ, theo Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đánh giá, bên cạnh các kết quả đạt được, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 còn nổi lên một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: còn hiện tượng chưa tuân thủ nghiêm quy định về thời hạn lập, gửi chương trình và báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Việc xây dựng pháp luật, định mức, tiêu chuẩn, chế độ và cải cách thủ tục hành chính chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Quản lý vốn nhà nước ở doanh nghiệp còn chưa hiệu quả

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. Ảnh: QH

Cũng theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước còn một số bất cập, gây lãng phí. Công tác cơ cấu lại ngân sách có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng do tác động của thiên tai, dịch bệnh, nên năm 2020 bị hụt thu ngân sách, trong khi phải tăng chi cho khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh làm tăng bội chi ngân sách và nợ công. Tiến độ thực hiện một số dự án chậm, không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao. Một số bộ, cơ quan và địa phương giải ngân đạt thấp so với kế hoạch; phân bổ, thẩm định, giao, điều chỉnh dự toán chi đầu tư còn chậm; tiến độ giải phóng mặt bằng, giải ngân một số dự án đầu tư trọng điểm rất chậm như: Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Dự án xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông...

Theo đánh giá của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, một số doanh nghiệp chậm quyết toán cổ phần hóa, nên gây khó khăn cho quá trình hoạt động của công ty cổ phần, ảnh hưởng đến quá trình thoái vốn tại doanh nghiệp...

Nguyên nhân của những hạn chế trên, theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội là do công tác triển khai chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại một số bộ, ngành, địa phương chậm; việc xác định, xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể và người đứng đầu cơ quan, đơn vị vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa hiệu quả; nhận thức việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của một bộ phận cán bộ, công chức người dân và doanh nghiệp còn hạn chế...

Cùng với đề nghị cần tổng kết, đánh giá rõ hơn các nguyên nhân dẫn đến bất cập, hạn chế để có cơ sở đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục, góp phần nâng cao kết quả trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội còn đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các mục tiêu, giải pháp đã đề ra. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa nội dung thảo luận kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 vào chương trình Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV để làm rõ, sâu sắc hơn tình hình thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí và có giải pháp để thực hiện thực chất, hiệu quả hơn trong thời gian tới./.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư