e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Đổi mới sáng tạo

Đổi mới sáng tạo: Giải pháp giúp doanh nghiệp từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia

12:11 | 28/06/2021 Print
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19 đang thúc đẩy các doanh nghiệp tìm con đường đổi mới sáng tạo. Bài viết nhận diện khó khăn của các doanh nghiệp trong tiến trình này, đồng thời, chia sẻ những hỗ trợ tài chính và một số giải pháp từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, với mong muốn góp sức thúc đẩy doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới công nghệ, hướng đến phát triển bền vững.

NHẬN DIỆN KHÓ KHĂN CỦA DOANH NGHIỆP

Hoạt động của doanh nghiệp trong sáng tạo và đổi mới công nghệ gắn liền với các yếu tố liên quan đến chính sách, tổ chức tín dụng, tổ chức giáo dục và đào tạo, viện nghiên cứu, các tổ chức hỗ trợ và thị trường. Trong đó, doanh nghiệp đang được coi là yếu tố quan trọng, giữ vị trí trung tâm của hoạt động sáng tạo, đổi mới công nghệ. Trước xu thế của Cách mạng công nghiệp 4.0, ảnh hưởng nghiêm trọng của chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị do đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, áp lực để tồn tại và phát triển.

Thứ nhất, năng lực tiếp cận và thấu hiểu chính sách còn hạn chế

Việt Nam đang có khoảng 100 văn bản quy phạm pháp luật về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ thông qua 6 luật, 12 nghị định, khoảng 30 quyết định và hơn 40 thông tư về “Khởi nghiệp”, “Đổi mới sáng tạo” và “Đổi mới công nghệ”. Đây là một thách thức cho các doanh nghiệp tiếp cận, hiểu và áp dụng các chính sách, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ cho hoạt động sáng tạo, đổi mới của mình. Theo một khảo sát tính đến đầu tháng 10/2020 của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), khoảng 80% doanh nghiệp cho biết, không nhận được gói hỗ trợ Covid-19 lần 1 của Chính phủ. Lý do chủ yếu là các doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện, gặp phải những rào cản, thủ tục phức tạp. Theo đó, các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp cận các gói hỗ trợ, cần rà soát, giải quyết các vướng mắc, bất cập trong triển khai để giúp doanh nghiệp đi qua khó khăn và tính đến khát vọng dài hạn.

Thứ hai, đầu tư cho sáng tạo và đổi mới công nghệ còn nhiều bỡ ngỡ, khó khăn

Một cuộc khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, 39,4% doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo thông qua “Đầu tư vào công nghệ mới được gắn liền với hàng hóa, máy móc, thiết bị”; 39,3% thông qua “Nâng cấp/chỉnh sửa công nghệ, thiết bị hiện tại” và rất ít có nghiên cứu phát triển. Khoảng 80% doanh nghiệp cho biết họ không có hợp tác với đơn vị/tổ chức khác để thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo. Việc doanh nghiệp thiếu thông tin về các hình thức hỗ trợ của Nhà nước là một trong những rào cản chính khiến các doanh nghiệp không tận dụng được các hình thức hỗ trợ của Nhà nước. Các yếu tố khác như tài chính, sở hữu trí tuệ, thông tin, cơ sở hạ tầng… chưa phát huy được hiệu quả cao nhất trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở Việt Nam hiện nay.

Việt Nam cơ bản đã xây dựng và hình thành được hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới công nghệ và có xu thế duy trì phát triển theo chiều sâu, với sự tham gia của các thành phần kinh tế tương đương như mô hình chung của các nước trên thế giới. Doanh nghiệp được coi là hạt nhân của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới công nghệ và phát triển bền vững. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ có khoảng 3.000 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó số doanh nghiệp khởi nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo chỉ trên 350 doanh nghiệp (năm 2019), chiếm chưa đến 5% số lượng doanh nghiệp hình thành mới cùng thời điểm.

Thứ ba, liên kết các thành phần trong hệ sinh thái sáng tạo, đổi mới công nghệ còn chưa tương xứng với khả năng thực tế

Các trường đại học, viện nghiên cứu thường chỉ trang bị những kiến thức, kỹ năng và những trải nghiệm cần thiết cho sinh viên trước khi tham gia vào các dự án sáng tạo, đổi mới công nghệ ở trường viện hoặc một số ít doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn nhân lực trẻ, nguồn dữ liệu, học liệu và hệ thống các bài giảng, khóa học. Liên kết giữa các tổ chức tín dụng, tổ chức tư vấn và dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp với các thành phần trong hệ sinh thái sáng tạo, đổi mới công nghệ còn lỏng lẻo và chưa đáp ứng được nhu cầu, tiềm năng của các bên.

GIẢI PHÁP HỖ TRỢ TỪ QUỸ ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ QUỐC GIA

Về Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia

Tháng 1/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 04/2021/QĐ-TTg quy định Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia. Theo đó, Điều lệ đã cụ thể hóa chính sách cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ.

Đổi mới sáng tạo: Giải pháp giúp doanh nghiệp từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia
TS. Chử Đức Hoàng

Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia được mô tả theo mô hình chuỗi giá trị, hướng đến mục tiêu kép là xây dựng và phát triển Việt Nam theo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời hướng đến mục tiêu duy trì hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới và phát triển bền vững.

Quỹ hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Mục đích hoạt động của Quỹ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ được khuyến khích chuyển giao quy định tại Luật Chuyển giao công nghệ; thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ở vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Hoạt động của Quỹ liên quan đến nguồn vốn hoạt động do ngân sách nhà nước cấp vốn điều lệ và do nguồn bổ sung từ kết quả hoạt động của Quỹ, nguồn tài trợ, viện trợ hợp pháp, đóng góp tự nguyện và các nguồn vốn hợp tác khác.

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, có 6 hình thái doanh nghiệp gắn liền với một gian đoạn và tiến độ của chu kỳ công nghệ, bao gồm: (1) Doanh nghiệp khởi nguồn hình thành từ các nghiên cứu trong viện, trường và phát triển tiếp từ hình thái doanh nghiệp khoa học, công nghệ, gắn liền với hoạt động nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng; (2) Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo bắt đầu từ ý tưởng, kết quả nghiên cứu, công nghệ và phát triển xuyên suốt qua các giai đoạn nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ và chế tạo mẫu. Một số doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam chưa đủ hàm lượng sáng tạo hoặc có tham gia phát triển thêm các giai đoạn tiếp theo của chuỗi giá trị, tuy nhiên bản chất và giá trị cốt lõi vẫn phải gắn với ý tưởng, kết quả nghiên cứu và công nghệ; (3) Doanh nghiệp sản xuất, chế biến là bước tiếp theo của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới công nghệ; (4) Doanh nghiệp thương mại thực hiện các hoạt động duy trì và thúc đẩy chuỗi sản xuất nhằm đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Hoạt động này gắn đồng thời với 3 giai đoạn sản xuất sản phẩm, thử nghiệm thị trường và thúc đẩy bán hàng; (5) Doanh nghiệp tư vấn, dịch vụ và hỗ trợ tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị của sản phẩm. Hình thái doanh nghiệp này gắn liền với các hoạt động thử nghiệm thị trường, thúc đẩy bán hàng, dịch vụ sau bán hàng và các dịch vụ gia tăng giá trị khác; và (6) Doanh nghiệp lớn, tập đoàn, đa lĩnh vực tham gia đồng thời cả 5 loại hình doanh nghiệp kể trên gắn liền với cả chu kỳ và thế hệ công nghệ. Quá trình xây dựng, phát triển, duy trì và tái cấu trúc loại hình doanh nghiệp này gắn liền với quá trình khởi nghiệp sáng tạo và đổi mới công nghệ.

Những hỗ trợ từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia đối với doanh nghiệp

Đổi mới sáng tạo: Giải pháp giúp doanh nghiệp từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia
Các hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia

Theo quy định hiện hành, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp những mảng việc sau đây:

Một là, tư vấn, cố vấn và đào tạo đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân góp phần chuyển đổi nhận tích và giúp các doanh nghiệp chủ động sáng tạo, đổi mới công nghệ. Giải pháp này xuyên suốt quá trình cải tiến, đổi mới của doanh nghiệp.

Hai là, hỗ trợ vốn và hỗ trợ lãi suất vay từ nguồn kinh phí bổ sung từ kết quả hoạt động của Quỹ, các nguồn tài trợ, viện trợ hợp pháp, đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, trong nước và nước ngoài dành cho Quỹ và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Trong khi hoạt động hỗ trợ vốn có thể trực tiếp hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nguồn và doanh nghiệp khởi nghiệp, thì hoạt động hỗ trợ lãi suất vay có thể được mở rộng hơn đối với các doanh nghiệp có vay vốn ngân hàng để tổ chức sản xuất và phát triển sản phẩm, dịch vụ có liên quan đến đổi mới công nghệ.

Ba là, Quỹ có thể hỗ trợ vốn đối với các nhiệm vụ do doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện được Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Quỹ, thông qua các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ bảo đảm nguyên tắc ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí cho các nhiệm vụ, Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia trong trường hợp các nhiệm vụ, chương trình này đã được hỗ trợ từ nguồn vốn của Quỹ trong cùng một thời điểm. Hoạt động này gắn liền với doanh nghiệp khởi nghiệp ở giai đoạn mở rộng thị trường và doanh nghiệp đổi mới mô hình sản xuất, đổi mới và chuyển giao công nghệ.

Bốn là, hoạt động cho vay ưu đãi trực tiếp và cho vay ưu đãi gián tiếp được Quỹ triển khai trong thời gian tới thông qua các ngân hàng thương mại hoặc thông qua nhân sự, nguồn lực của Quỹ. Đây sẽ là hoạt động quan trọng của Quỹ trong thời gian tới để tự bảo đảm nguồn kinh phí hoạt động nghiệp vụ, hoạt động bộ máy, nộp thuế, các khoản phí, lệ phí và một số chi nghiệp vụ khác theo quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp thực hiện các dự án liên quan đến chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, phát triển sản phẩm mới và thương mại hóa sản phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ngành công nghiệp công nghệ cao, các hợp đồng chuyển giao công nghệ được ký kết tại các sàn giao dịch công nghệ, chợ công nghệ và thiết bị, sự kiện kết nối cung cầu công nghệ và ngày hội khởi nghiệp quốc gia, các doanh nghiệp đạt Giải thưởng chất lượng quốc gia, các doanh nghiệp tham gia Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng hàng hóa và thương mại hóa công nghệ sau khi được phát triển trong Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia.

Năm là, hoạt động bảo lãnh để vay vốn của Quỹ. Hoạt động này kỳ vọng tạo nguồn vốn ưu đãi cho doanh nghiệp thực hiện các dự án thương mại hóa công nghệ sau khi được phát triển trong Chương trình sản phẩm quốc gia, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao và các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ khác phục vụ các chương trình ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội.

Sáu là, các hoạt động khác theo quy định tại Điều lệ của Quỹ, như: hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế về các vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Quỹ theo quy định của pháp luật hoặc tiếp nhận kinh phí hình thành từ các nguồn tài trợ, viện trợ hợp pháp, đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, trong nước và nước ngoài dành cho Quỹ. Các hoạt động này hướng tới việc tạo nguồn bổ sung cho quá trình hỗ trợ tài chính của Quỹ dành cho doanh nghiệp ở tất cả các giai đoạn từ nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ, chế tạo mẫu, sản xuất, thử nghiệm thị trường và xúc tiến thương mại - thúc đẩy bán hàng.

CHỦ ĐỘNG ĐỔI MỚI VÀ HỢP SỨC CÙNG ĐỔI MỚI

Nền tảng chính sách đã rõ ràng, nhưng để đổi mới sáng tạo trở thành văn hóa, thành nỗ lực của cả xã hội đòi hỏi các doanh nghiệp trước hết cần chủ động thay đổi nhận thức, chủ động sáng tạo và mạnh dạn tìm cơ hội đổi mới công nghệ, áp dụng kết quả nghiên cứu và các mô hình kinh doanh mới vào hoạt động của chính mình.

Cùng với đó, theo chúng tôi, các bộ, ngành, địa phương và tổ chức tín dụng cũng cần tăng cường đổi mới, cải cách thể chế nhằm tạo động lực tài chính thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, với tôn chỉ doanh nghiệp làm trung tâm. Tiếp đến, cần đổi mới cơ chế đầu tư, tài trợ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo hướng nới rộng hơn, thuận lợi hơn, vì đây là khoản đầu tư cho tương lai của nền kinh tế. Đặc biệt, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các hoạt động kết nối cộng đồng khoa học và công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng trong nước. Đây là nguồn lực tri thức vô cùng giá trị cho công cuộc đổi mới sáng tạo nói chung, đổi mới công nghệ nói riêng tại Việt Nam.

Các cơ chế, chính sách về thuế, tài chính nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo và đổi mới công nghệ cũng cần được quy định cụ thể trong các nghị định của Chính phủ, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành. Đồng thời, Chính phủ cần thúc đẩy việc phát triển các tổ chức trung gian, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, tăng cường hoạt động xúc tiến thị trường khoa học và công nghệ, tiến tới đồng bộ hóa với các thị trường công nghệ, hàng hóa, lao động và tài chính./.

TS. Chử Đức Hoàng, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư