Thu phí cảng biển tại TP. HCM: Sở đề nghị lùi 3 tháng, doanh nghiệp kiến nghị lùi 1 năm

18:59 | 28/06/2021 Print
Sở Giao thông Vận tải TP. HCM mới đây có văn bản lấy ý kiến đóng góp về việc lùi thời hạn thu phí hạ tầng ở cảng biển và cửa khẩu trên địa bàn thành phố đến 1/10/2021, tiếp tục gây nhiều ý kiến trái chiều.

Sở đề nghị lùi 3 tháng, doanh nghiệp kiến nghị lùi 1 năm

Cụ thể, trong văn bản gửi đến hàng loạt cơ quan và các Hiệp hội doanh nghiệp lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của HĐND TP. HCM ban hành về thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP. HCM phí hạ tầng cảng biển, Sở GTVT TP. HCM đề xuất thời gian thu phí sẽ bắt đầu từ ngày 1/10/2021, tức là lùi 3 tháng so với mốc thời gian dự kiến bắt đầu thu phí trước đó là từ ngày 1/7/2021.

Nhiều doanh nghiệp kiến nghị việc lùi thời hạn thu phí hạ tầng cần đảm bảo đủ thời gian doanh nghiệp có thể hồi phục sau dịch

Theo lý giải của Sở Giao thông vận tải, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn TP. HCM, Sở đã nhận được nhiều đề nghị từ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp lùi ngày thu phí để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh cũng như ý kiến của các Bộ ngành về về việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động bởi dịch Covid -19. Tiếp thu các kiến nghị này, thời điểm thu phí được Sở đề nghị lùi chậm hơn 3 tháng so với kế hoạch thu từ 1/7/2021. Việc đề nghị lùi trong vòng 3 tháng được Sở tính toán dựa trên căn cứ 3 kịch bản dịch Covid-19 có thể kéo dài mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra. Theo đó, dự kiến thời gian có thể cơ bản khống chế được dịch trong khoảng tháng 7 và các doanh nghiệp có khả năng phục hồi trong 2 tháng tiếp theo.

Theo ước tính của Sở Giao thông Vận tải TP. HCM, số thu dự kiến trong 3 tháng (từ ngày1/7/2021 đến ngày 30/9/2021) là 723 tỷ đồng. Trường hợp Thành phố chưa thu khoản phí này trong 3 tháng thì theo Sở, khoản thu dự kiến 723 tỷ này xem như là một khoảng hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu đê đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa phát triển kinh tế- xã hội”.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, Hiệp hội và các chuyên gia, ở đây chưa bàn đến vấn đề cần minh bạch, công khai cụ thể các khoản thu và chi như thế nào đối với loại phí này, việc lùi thu phí thêm 3 tháng trước mắt hầu như không có ý nghĩa mấy trong việc hỗ trợ giúp giảm khó khăn cho doanh nghiệp. Theo Hiệp hội chế biến Thủy sản (VASEP), 3 tháng là khoảng thời gian quá ngắn, do đó dù có lùi thời hạn thu phí thì cũng không thực sự chia sẻ, giảm khó khăn cho doanh nghiệp. ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP cho rằng, tối thiểu cũng phải lùi thời hạn thực hiện đến cuối tháng 12/2021, bắt đầu thực hiện từ năm 2022 và mức phí cũng phải giảm so với mức dự kiến thu hiện nay.

Trong khi đó, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics (VLA) đề nghị lùi thời hạn 1 năm đến ngày 1/7/2022. Lý do đề xuất lùi thời hạn 1 năm được VLA lý giải là việc lùi thời gian thu phí cảng biển sang năm 2022 sẽ phần nào giảm bớt áp lực, khó khăn về tài chính vận hành các chuỗi cung ứng của doanh nghiệp trước tác động kéo dài của dịch Covid-19, đồng thời kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam ổn định, phát triển đúng với chủ trương đẩy mạnh phát triển logistics, đảm bảo lợi ích của quốc gia và của doanh nghiệp Việt Nam. Đồng tình quan điểm này, nhiều ý kiến các doanh nghiệp và hiệp hội cũng cho rằng ít nhất cần lùi thực hiện thêm 1 năm mới đủ thời gian để doanh nghiệp có thể phục hồi và có nguồn lực để duy trì hoạt động, từ đó đóng góp được phí.

Cần cân nhắc dừng các quy định làm tổn hại dòng tiền doanh nghiệp

Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia cho rằng vấn đề ở đây không chỉ đơn thuần là lùi thời hạn mà là cần xem xét đến câu chuyện tổng thể là kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đặc biệt là chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp gây ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các doanh nghiệp. Theo quan điểm của nhiều chuyên gia, trong lúc dịch bênh vẫn đang ngày một phức tạp, sức chống chịu của doanh nghiệp ngày càng đuối dần, thậm chí nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng đóng cửa tạm ngừng và đối mặt với nguy cơ phá sản do đứt gãy dòng tiền, thì nên dừng các quy định làm tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp.

Đã từng theo sát các doanh nghiệp và có nhiều báo cáo cùng góp phần đưa tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp lên được với Chính phủ và các các Bộ ngành, cơ quan chính quyền địa phương trong vấn đề nước sôi lửa bỏng này, Ban IV cho rằng do tác động kéo dài của dịch Covid-19 nên các DN đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, vận hành các chuỗi cung ứng. Việc thu phí này dù diễn giải ra sao cũng đi ngược với chủ trương hỗ trợ DN mà Chính phủ đang rất nỗ lực, và làm ảnh hưởng tới động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cũng tương tự như câu chuyện đang gây nhiều ý kiến trái chiều gần đây là đề xuất tạm thời dừng lắp đặt camera trên xe kinh doanh vận tải, việc lùi thời hạn đóng phí hạ tầng cảng biến rất cần được xem xét dưới góc độ hỗ trợ doanh nghiệp mang tính chia sẻ và đồng hành dài hạn chứ không phải chỉ đơn thuần là giảm vài ba tháng thu phí.

Theo phân tích của ông Hiếu, đã hoãn thu thì nên có thời gian đủ dài để DN có thể tính toán trong kế hoạch kinh doanh chứ không thể áp dụng theo biện pháp tạm thời dừng thu từ 3-6 tháng thì không giải quyết được cốt lõi vấn đề. “Dù có lùi 3-6 tháng thì biện pháp này cũng không có tác động nhiều đến DN, họ luôn canh cánh trong lòng về thời gian thực hiện sắp đến, trong bối cảnh này họ không có kế hoạch kinh doanh nào, nên hoãn ít nhất 1 năm, vì họ phải đưa các tính toán chi phí này vào kế hoạch kinh doanh thì mới thực sự có tính khả thi, dịch chưa qua hoặc vừa xong dịch thì rất khó, chỉ trong vòng 2 tháng thì tôi nghĩ khó có DN đang gặp khó khăn nào có thể phục hồi ngay được dòng tiền”, ông Hiếu bình luận.

Đứng ở góc độ tổng thể, ông Hiếu còn lưu ý một mặt chi phí của DN tăng sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, mặt khác tạo ra những tiền lệ và hiện tượng để các địa phương khác có thể áp dụng theo, gây ảnh hưởng môi trường kinh doanh nói chung và càng làm khó cho doanh nghiệp lâu dài. Bởi những quy định về gắn camera và thu phí hạ tầng kiểu này là những dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy một hiện tượng là hiện nay, cơ quan chức năng có xu hướng cứ ban hành những quy định “tiện” cho công tác quản lý của mình mà không tính đến tác động của nó tới người chịu tác động của chính sách và tác động tới cả nền kinh tế và tạo thêm khó khăn, thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.

“Có lẽ, đã đến lúc Chính phủ cần xem xét ban hành một chỉ thị tạm thời dừng ban hành các quy định có thể làm gia tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp đồng thời yêu cầu thực hiện nhanh việc rà soát các quy định gây khó cho doanh nghiệp”, ông Hiếu khuyến nghị.

Theo Phó Viện trưởng CIEM, bối cảnh khó khăn này là cơ hội tốt nhất để các cơ quan nhà nước triển khai mạnh cải cách về môi trường kinh doanh, hiện DN đang phải ngưng trệ không hoạt động sản xuất kinh doanh được do dịch bệnh thì các cơ quan bộ ngành nên tập trung vào cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, phá bỏ các quy định làm gia tăng các chi phí không hợp lý, làm gia tăng rào cản thì chính cải cách thành công trong bối cảnh sản xuất kinh doanh đình trệ thì sẽ là cơ hội tốt nhất để cải thiện môi trường kinh doanh. Việc cải cách tích cực sẽ góp phần tạo ra động lực tích cực để hỗ trợ doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất kinh doanh khi dịch đi qua./.

Hiếu Phương

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư