e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện/Kinh tế - Xã hội

Việt Nam ước nhập siêu 1,47 tỷ USD, nhưng không đáng ngại

14:59 | 29/06/2021 Print
Sau nhiều năm liên tiếp duy trì xuất siêu, cán cân thương mại đã chuyển hướng sang nhập siêu. 6 tháng đầu năm, Việt Nam ước nhập siêu 1,47 tỷ USD. Tuy nhiên, điều này không đáng lo ngại, bởi nhập siêu chủ yếu do doanh nghiệp tăng nhập khẩu nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, đã tác động đến hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp, kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 6 giảm nhẹ so với tháng trước, tuy nhiên vẫn đạt tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2021 ước tính đạt 54 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4%; nhập khẩu đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1%.

Việt Nam ước nhập siêu 1,47 tỷ USD, nhưng không đáng ngại
6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước

Đối với xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 6/2021 ước tính đạt 26,5 tỷ USD, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu quý II/2021 ước tính đạt 79,23 tỷ USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,1% so với quý I năm nay.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 40,89 tỷ USD, tăng 16,8%, chiếm 25,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 116,74 tỷ USD, tăng 33%, chiếm 74,1%. Trong 6 tháng đầu năm 2021 có 25 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 88,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 58%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 6 tháng, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 84 tỷ USD, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 58 tỷ USD, tăng 31,2%; nhóm hàng nông, lâm sản đạt 11,58 tỷ USD, tăng 15,8%; nhóm hàng thủy sản đạt 4,05 tỷ USD, tăng 12,4%.

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 44,9 tỷ USD, tăng 42,6% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 24,4 tỷ USD, tăng 24%. Thị trường EU đạt 19,3 tỷ USD, tăng 17,4%. Thị trường ASEAN đạt 13,8 tỷ USD, tăng 26%. Hàn Quốc đạt 10,5 tỷ USD, tăng 14,7%. Nhật Bản đạt 9,9 tỷ USD, tăng 6,9%.

Nhóm hàng tư liệu sản xuất được nhập khẩu nhiều nhất

Ước tính tháng 6/2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 27,5 tỷ USD, giảm 2,7% so với tháng trước và tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu quý II/2021 ước tính đạt 83,5 tỷ USD, tăng 45,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 10,4% so với quý I năm nay.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 55,9 tỷ USD, tăng 30,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 103,2 tỷ USD, tăng 39,5%. Trong 6 tháng đầu năm 2021 có 31 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 87,4% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2021, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 149,32 tỷ USD, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 72 tỷ USD, tăng 33%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 77,35 tỷ USD, tăng 40,2%. Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 9,78 tỷ USD, tăng 28%.

Về thị trường nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 53,4 tỷ USD, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 25,2 tỷ USD, tăng 21,1%. Thị trường ASEAN đạt 20,9 tỷ USD, tăng 47,7%. Nhật Bản đạt 10,6 tỷ USD, tăng 12,3%. Thị trường EU đạt 8,1 tỷ USD, tăng 16,3%. Hoa Kỳ đạt 7,7 tỷ USD, tăng 9,5%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 1,47 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,86 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,01 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 13,54 tỷ USD.

Nhập siêu không đáng ngại

Như vậy, sau nhiều năm liên tiếp duy trì xuất siêu, cán cân thương mại đã chuyển hướng sang nhập siêu. Tuy nhiên, điều này không đáng lo ngại, bởi nhập siêu chủ yếu do doanh nghiệp tăng nhập khẩu nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất.

Tại buổi họp báo thường kỳ quý II/2021 về tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại của Bộ Công thương vào ngày 17/6 vừa qua, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cho rằng việc Việt Nam thâm hụt cán cân thương mại là điều không có gì quá bất thường vì hiện nay, các mặt hàng nhập khẩu nhiều chủ yếu là nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất, đặc biệt cho sản xuất của nhóm hàng xuất khẩu.

Nửa đầu năm 2021, Việt Nam ước tính nhập siêu 1,47 tỷ USD
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công thương

Việt Nam thâm hụt cán cân thương mại là điều không có gì quá bất thường vì hiện nay, các mặt hàng nhập khẩu nhiều chủ yếu là nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất, đặc biệt cho sản xuất của nhóm hàng xuất khẩu.

Ví dụ như linh kiện điện tử, các nguyên phụ liệu trong ngành dệt may, da giày là những ngành hiện nay đang có đà phục hồi tăng trưởng rất mạnh mẽ. Do vậy, sự gia tăng nhập khẩu cũng là điều tất yếu.

Làn sóng dịch Covid-19 thứ tư bùng phát ở Việt Nam từ cuối tháng 4/2021, nhiều ngành sản xuất công nghiệp bắt đầu phục hồi trở lại như: điện tử, điện thoại di động… cũng bị ảnh hưởng phần nào. Tuy nhiên, chỉ một số bộ phận bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp xuất khẩu có đơn hàng đương nhiên phải nhập khẩu nguyên phụ liệu, linh phụ kiện về để sản xuất. Trên thực tế, việc nhập khẩu tăng lên thậm chí còn là tín hiệu đáng mừng chứ không phải đáng lo.

Ngoài ra, đối với vấn đề xuất khẩu, trong báo cáo về tình hình xuất nhập khẩu thời gian tới, Bộ Công thương cũng đưa ra dự báo, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc khi các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn.

Đặc biệt, về vấn đề xuất khẩu bền vững, ông Trần Thanh Hải cũng chỉ rõ, để xuất khẩu bền vững, cần quan tâm đến vấn đề tiêu thụ hàng hóa. Do đó, việc tạo được nguồn hàng ổn định là yếu tố quan trọng hàng đầu. Bộ Công thương đã phối hợp với các bộ, ngành để quy hoạch sản xuất, xuất khẩu theo hướng giảm bớt các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp và tập trung các mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Đây là mục tiêu quan trọng hàng đầu.

Ngoài ra, cần rà soát các văn bản pháp lý, tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại. Cùng với việc mở cửa thị trường cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp cũng phải đối diện với nhiều hàng rào thương mại phi thuế và việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các hàng rào này cũng là việc quan trọng.

Tiếp theo là việc đổi mới công tác xúc tiến thương mại và phát triển thị trường; Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu./.

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư