e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Doanh nghiệp

Doanh nghiệp mới thành lập gia tăng cả về vốn và lượng đăng ký trong nửa đầu năm

15:00 | 01/07/2021 Print
Sự gia tăng về số lượng và vốn của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 6 tháng đầu năm cho thấy sự nỗ lực và tinh thần khởi nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 67,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước và tăng 34,3% về vốn đăng ký, đạt mức cao nhất về số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao nhất trong 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 2016-2021.

Doanh nghiệp mới thành lập gia tăng cả về vốn và lượng đăng ký trong nửa đầu năm
Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nửa đầu năm 2021 đạt mức cao nhất trong 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 2016-2021

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 93,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2020; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 24,2%.

Doanh nghiệp mới tiếp tục đổ bộ thị trường

Cụ thể, theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh được Tổng cục Thống kê tổng hợp chính thức công bố sáng nay, trong tháng 6/2021, cả nước có 11,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 164,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 71,9 nghìn người, giảm 2,5% về số doanh nghiệp, tăng 9,1% về vốn đăng ký và giảm 0,4% về số lao động so với tháng 05/2021, giảm về số lượng nhưng tăng về vốn đăng ký so với cùng kỳ 2020. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 14,5 tỷ đồng, tăng 11,9% so với tháng trước và tăng 43,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng, cả nước có 4.867 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 0,5% so với tháng trước và giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước; 3.867 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 13,7% và tăng 20,2%; 5.238 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 23,7% và tăng 36,3%; 1.919 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 50% và tăng 40,3%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, cả nước có gần 67,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 942,6 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 484,3 nghìn lao động, tăng 8,1% về số doanh nghiệp, tăng 34,3% về vốn đăng ký và giảm 4,5% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, nếu tính cả 1.152,5 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 23,7 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2021 là 2.095,1 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 26,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2021 lên 93,2 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có 15,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Tính theo khu vực kinh tế, trong 6 tháng đầu năm nay có 1.090 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2020; gần 18,2 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 1,6%; 47,8 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 11%. Một số lĩnh vực hoạt động có số doanh nghiệp thành lập mới tăng gồm kinh doanh bất động sản tăng 44,8% so với cùng kỳ năm trước; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 22,6%; giáo dục và đào tạo tăng 21,9%; vận tải kho bãi tăng 21,1%; thông tin và truyền thông tăng 16,3%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 11,5%; khai khoáng tăng 10,6%; nghệ thuật, vui chơi giải trí tăng 9,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,6%; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác tăng 9,1%; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy tăng 7,6%; xây dựng tăng 2,9%.

Có 3 lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Sản xuất phân phối điện, nước, gas giảm 49,1%; dịch vụ lưu trú ăn uống giảm 2,8%; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác giảm 2,4%.

Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng do khó khăn bởi tác động từ dịch Covid-19

Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, có 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: 35,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước; 24,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,7%; 9,9 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33,8%, trong đó có 8.883 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, tăng 34,2%; 105 doanh nghiệp có vốn trên 100 tỷ đồng, giảm 2,8%. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng. Tính trung bình mỗi tháng có 11,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Doanh nghiệp dự báo tích cực xu hướng kinh doanh khi dịch Covid-19 được kiểm soát

Đáng chú ý, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý II/2021 do Tổng cục Thống kê thực hiện gần đây vẫn ghi nhận đánh giá tích cực khi có tới 68,2% số doanh nghiệp nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh quý II/2021 so với quý I/2021 tốt lên và giữ ổn định.

Cụ thể, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2021 cho thấy có 30,5% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý I/2021; 37,7% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 31,8% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn. Các chỉ số này đều cao hơn so với lượng phản hồi của các doanh nghiệp trong cuộc điều tra cùng kỳ năm 2020 cho thấy doanh nghiệp vẫn giữ niềm tin tưởng xu hướng phục hồi sau dịch.

Dự kiến quý III/2021, có 39,2% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II/2021; 22,2% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 38,6% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lạc quan nhất với 81,5% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2021 tốt hơn và giữ ổn định so với quý II/2021; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước lần lượt là 76,4% và 75,9%.

Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý II/2021, có 52,7% số doanh nghiệp cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; 49,3% số doanh nghiệp cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 32,1% số doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn về tài chính; 27,3% số doanh nghiệp cho rằng thiếu nguyên, nhiên, vật liệu; 26,7% số doanh nghiệp cho rằng không tuyển được lao động theo yêu cầu; 25,8% số doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường quốc tế thấp; 22,2% số doanh nghiệp cho rằng lãi suất vay vốn cao; 19,5% số doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao; 19% số doanh nghiệp cho rằng thiết bị công nghệ lạc hậu.

Về khối lượng sản xuất, có 34,1% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý II/2021 tăng so với quý I/2021; 35,7% số doanh nghiệp cho rằng ổn định và 30,2% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm. Xu hướng quý III/2021 so với quý II/2021, có 40% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 20,8% số doanh nghiệp dự báo giảm và 39,2% số doanh nghiệp dự báo ổn định.

Về đơn đặt hàng, có 29,6% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý II/2021 cao hơn quý I/2021; 40,4% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định và 30% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng giảm Xu hướng quý III/2021 so với quý II/2021, có 37,1% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 21% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm và 41,9% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định.

Về đơn đặt hàng xuất khẩu, quý II/2021 so với quý I/2021, có 27% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới cao hơn; 43,7% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới ổn định và 29,3% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới giảm. Xu hướng quý III/2021 so với quý II/2021, có 32,8% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 20,6% số doanh nghiệp dự kiến giảm và 46,6% số doanh nghiệp dự kiến ổn định.

Cần tiếp tục các giải pháp hỗ trợ sinh lực cho cộng đồng doanh nghiệp duy trì và phát triển

Mặc dù vậy, theo đánh giá của tổng cục Thống kê, các doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do tác động từ dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp. Đặc biệt, khả năng chịu đựng của doanh nghiệp trong các lĩnh vực bị tác động nặng nề từ dịch như thương mại, du lịch lữ hành, hàng không, vận tải, các loại hình dịch vụ khác đang ngày càng đuối dần do đứt gãy dòng tiền, gián đoạn chuỗi cung ứng. Đây là nhưng thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh dự báo kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2021 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.

Trong điều kiện này, để hỗ trợ tiếp thêm nguồn lực cho doanh nghiệp duy trì hoạt động và sớm phục hồi sau dịch, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khuyến nghị cần tiếp tục chủ động triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời. Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế nhằm vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đồng thời, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Hiếu Phương

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư