e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Hà Giang truy điệu, an táng hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên

18:20 | 29/06/2021 Print
Sáng 29/6, tỉnh Hà Giang long trọng tổ chức Lễ truy điệu và an táng 04 hài cốt liệt sĩ được quy tập tại thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên về Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên.

Dự buổi lễ có đồng chí: Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT và Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Giang đưa tiễn cácề nơi yên nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng và Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Giang Đặng Quốc Khánh đưa tiễn các liệt sĩ về nơi yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên

Đọc điếu văn tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã bày tỏ lòng biết ơn và tri ân sâu sắc với các anh hùng liệt sĩ.

Khẳng định rằng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn vô cùng tự hào và biết ơn vô hạn các cán bộ, chiến sỹ đã hi sinh thân mình để giành và giữ độc lập cho Tổ quốc, đem lại hòa bình, tự do cho nhân dân, ông Sơn cho biết: “Nối tiếp truyền thống, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hà Giang đã và đang hết sức nỗ lực trong công tác "Đền ơn đáp nghĩa", khẩn trương rà phá bom mìn gắn với tìm kiếm, quy tập và an táng hài cốt liệt sĩ, sớm đưa các anh về với vòng tay đồng đội, nhân dân”.

Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang) được khởi công xây dựng từ năm 1990, là nơi yên nghỉ của trên 1.800 liệt sĩ, trong đó có 1 ngôi mộ tập thể, gần 400 mộ chưa xác định được thông tin.

Chiến tranh khốc liệt đã lùi vào quá khứ, đất nước ta đã hoàn toàn thống nhất, nhân dân được hưởng nền độc lập, tự do, hạnh phúc. Để có được ngày hội toàn thắng, đất nước ta, dân tộc ta đã mất đi hàng triệu người con ưu tú nơi chiến trường, hàng triệu người mang trên mình thương tật và bao nhiêu cảnh đời chịu mất mát, đau thương.

Tại mảnh đất Hà Giang - Nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, nơi mà hơn 40 năm về trước là chiến trường ác liệt nhất của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Với ý chí “Một tấc không đi, một ly không rời”, với tinh thần quả cảm “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử” quân và dân ta đã bảo vệ vẹn toàn biên cương của Tổ quốc.

“Trong cuộc chiến đấu hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, trên 9.000 cán bộ, chiến sỹ bị thương và hiện vẫn còn trên 1.300 hài cốt chiến sỹ vẫn chưa được tìm thấy, quy tập và an táng. Máu của những anh hùng liệt sĩ đã hòa cùng đất mẹ, mang lại màu xanh hạnh phúc yên bình cho thế hệ hôm nay và mai sau”, ông Sơn cho biết.

Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT và Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Giang đưa tiễn cácề nơi yên nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng và Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Giang Đặng Quốc Khánh đưa tiễn các liệt sĩ về nơi yên nghỉ cuối cùng

Sau thời gian nỗ lực, khẩn trương rà phá bom mìn, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, hôm nay tỉnh Hà Giang vô cùng thành kính, xúc động tổ chức trọng thể Lễ truy điệu và an táng 04 hài cốt liệt sĩ được quy tập tại thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên.

“Các anh từ nay sẽ yên nghỉ trong vòng tay đồng đội tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, giữa tình thương yêu vô hạn và sự chăm sóc tận tình, chu đáo của gia đình, đồng chí, đồng bào”, ông Sơn xúc động nói.

Hiện nay, tại nghĩa trang có khoảng gần 400 mộ chưa xác nhận được thông tin. Việc tìm kiếm những liệt sĩ ở Vị Xuyên rất khó khăn vì địa hình, địa thế nơi đây đặc biệt hiểm trở. Trong những năm tháng chiến đấu, khu vực này dày đặc mìn, vật liệu nổ. Cũng bởi lẽ đó, công tác quy tập hài cốt các liệt sĩ đặc biệt khó khăn.

Tại nghĩa trang còn rất nhiều ngôi mộ chưa xác định được thông tin
Tại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên còn gần 400 mộ chưa xác định được thông tin

Về sự khó khăn trong công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, lãnh đạo tỉnh Hà Giang cho biết, trên tuyến biên giới Hà Giang sau hơn 30 năm, địa hình, địa vật của chiến trường xưa có nhiều thay đổi, các nhân chứng lịch sử người còn, người mất… Do đó, việc xác định thông tin để khảo sát, tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ gặp nhiều khó khăn; các anh vẫn phải nằm lại trên rừng sâu, núi cao.

“Đây là nỗi đau, trăn trở của Đảng, Nhà nước, nhân dân và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh”, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh chia sẻ.

Thực tế cho thấy, các hài cốt liệt sĩ được tìm thấy đều ở nơi có địa hình hiểm trở, ở những vị trí điểm cao, khe sâu nên quá trình tìm kiếm, quy tập gặp nhiều khó khăn.

Ở những vị trí các cựu chiến binh cung cấp, trước đây là khu vực chiến đấu rất ác liệt, đến vị trí tìm kiếm rất khó khăn, nhiều dốc cao ở các núi đá, chủ yếu tìm kiếm ở các hang sập nên phải huy động lực lượng lớn.

Hơn nữa, khối lượng bom mìn còn sót lại khá nhiều, việc cung cấp thông tin của nhân dân có lúc chưa chính xác…

Nghĩa trang
Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang) được khởi công xây dựng từ năm 1990, là "ngôi nhà chung" của trên 1.800 liệt sĩ

Nhiều năm qua, quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và phát huy truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Giang tiếp tục đề cao tinh thần trách nhiệm, tình cảm, thực hiện tốt công tác quan trọng này; xác định đây là nhiệm vụ thiêng liêng, cấp thiết để sớm đưa các anh trở về với quê hương, gia đình và đồng đội, đáp ứng phần nào mong mỏi thiết tha của thân nhân, gia đình các anh hùng liệt sĩ.

Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang) được khởi công xây dựng từ năm 1990, là nơi yên nghỉ của trên 1.800 liệt sĩ, trong đó có 1 ngôi mộ tập thể, gần 400 mộ chưa xác định được thông tin.

Nơi đây trở thành "ngôi nhà chung" của các liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc.

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên là công trình kiến trúc mang giá trị văn hóa – lịch sử, biểu tượng sáng ngời cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần yêu nước của dân tộc. Đây là nơi yên nghỉ của hàng nghìn liệt sĩ đã tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, giai đoạn từ 1979-1989./.

Phương Anh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư