e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện/Kinh tế - Xã hội

Thúc đẩy xuất nhập khẩu, phát triển thương mại hài hòa, bền vững

06:23 | 30/06/2021 Print
Tại Nghị quyết số 63/NQ-CP vừa mới ban hành, Chính phủ nhấn mạnh rằng, phải thúc đẩy xuất nhập khẩu, phát triển thương mại hài hòa, bền vững.

Đặc biệt, phải chú trọng các đối tác có dung lượng thị trường lớn và sẵn sàng mở cửa thị trường cho hàng hóa của Việt Nam.

Thúc đẩy xuất nhập khẩu, phát triển thương mại hài hòa, bền vững
Bộ Công Thương được giao tiếp tục đàm phán FTA với các đối tác đã được Chính phủ cho chủ trương

Theo đó, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương:

- Theo dõi, bám sát việc triển khai Kế hoạch thực thi các FTA đã được phê duyệt. Phối hợp với các bộ, ngành tăng cường hướng dẫn các doanh nghiệp tận dụng hơn nữa các FTA đã ký kết.

- Tiếp tục đàm phán FTA với các đối tác đã được Chính phủ cho chủ trương, chú trọng các đối tác có dung lượng thị trường lớn và sẵn sàng mở cửa thị trường cho hàng hóa của Việt Nam trên cơ sở có đi có lại, nhất là nông sản; nghiên cứu đàm phán, ký kết các FTA với một số đối tác mới.

- Đổi mới công tác thông tin thị trường, bảo đảm thực chất, hiệu quả, kịp thời thông tin về thay đổi trong chính sách quản lý nhập khẩu, những điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật và các rủi ro của thị trường. Phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng đẩy mạnh công tác thông tin thị trường cho các hội viên.

- Xúc tiến nhập khẩu từ một số thị trường hướng đến mục tiêu cán cân thương mại hài hòa, bền vững; phối hợp với Bộ Tài chính bố trí kinh phí phù hợp để thực hiện theo quy định.

- Triển khai hiệu quả Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”; tăng cường công tác cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ cao gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; áp dụng hợp lý, có hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật; cảnh báo sớm, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại; khởi kiện các biện pháp phòng vệ, bảo hộ bất hợp lý ra cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO.

- Theo dõi sát tình hình xuất khẩu nông, lâm, thủy sản qua biên giới, kịp thời tháo gỡ khó khăn, ách tắc, bảo đảm thông quan thuận lợi, an toàn.

Cũng thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao thúc đẩy sản xuất vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp như giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi để tự chủ được nguồn trong nước, góp phần hài hòa cán cân thương mại với các nước, đối tác lớn.

Bộ này cũng công bố, thường xuyên cập nhật, phổ biến thông tin, cơ sở dữ liệu về các tiêu chuẩn chất lượng, quy định an toàn thực thẩm về nông, lâm, thủy sản của các thị trường xuất khẩu chính; Tăng cường hướng dẫn các doanh nghiệp và người nông dân áp dụng các biện pháp bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng và truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản; tham khảo quy định của các tổ chức quốc tế để hướng dẫn quy trình sản xuất nông, lâm, thủy sản an toàn, nhất là các sản phẩm đông lạnh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành, địa phương chủ động thu hút đầu tư từ một số tập đoàn đa quốc gia, đối tác lớn, công nghệ cao gắn với mục tiêu hài hòa, hợp lý cán cân thương mại; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trường hợp thu hút đầu tư đặc biệt.

Bộ Y tế khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan xây dựng quy trình phòng chống dịch thống nhất đối với người điều khiển và phương tiện vận chuyển hàng hóa, bảo đảm lưu thông thông suốt giữa các địa phương, trong đó có lưu thông tới các cửa khẩu.

Trong lĩnh vực quản lý của mình, Bộ Tài chính được giao nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giảm thuế MFN ở mức độ phù hợp đối với một số mặt hàng nhập khẩu có thuế MFN chênh lệch lớn so với mức thuế theo các FTA, đặc biệt là những mặt hàng trong nước không có hoặc ít có nhu cầu bảo hộ để tạo môi trường cạnh tranh; điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu, thuế suất thuế nhập khẩu một số mặt hàng, nguyên vật liệu, góp phần ổn định mặt bằng giá cả trong nước. Tăng cường hợp tác với cơ quan hải quan tại các thị trường có nguy cơ cao về gian lận xuất xứ. Đẩy mạnh phòng chống gian lận xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa, trọng tâm là các mặt hàng có kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng đột biến đối với các thị trường lớn.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu việc xây dựng, phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế của Việt Nam để giảm chi phí và nâng cao tính chủ động cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu, nhất là đối với các ngành hàng có đóng góp quan trọng cho xuất khẩu như dệt may, da giầy, thủy sản... Thúc đẩy triển khai cơ chế Một cửa Quốc gia, Một cửa ASEAN. Rà soát các loại phí đối với phương tiện, hàng hóa xuất nhập khẩu, nhất là hàng xuất khẩu, để chủ động giảm phí đến hết năm 2021 cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, có chính sách minh bạch và tạo thuận lợi cho công nghiệp hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp giảm giá thành, nâng cao giá trị gia tăng trong xuất khẩu./.

An Nhi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư