Dòng tiền chảy mạnh vào đầu tư chứng khoán đến từ đâu?

18:14 | 30/06/2021 Print
Dòng chảy của tiền trong nền kinh tế trở nên dễ dàng trên nền tảng số là một yếu tố khiến TTCK Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ về sức cầu đầu tư và thanh khoản trong 6 tháng đầu năm 2021. Nhìn từ bản chất dòng tiền, ông Tô Giang Nam, Giám đốc đầu tư Vietinbank Capital cho rằng, sự tăng trưởng trên TTCK có đóng góp không nhỏ đến từ dòng tiền giao dịch ký quỹ (margin).

Đúng 1 năm trước, tháng 6/2020, Chính phủ phê duyệt chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đặt mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia số. Bằng nhiều giải pháp, Chính phủ thúc đẩy các chủ thể, các ngành kinh tế chuyển đổi sang nền tảng số.

Dòng tiền chảy mạnh vào đầu tư chứng khoán đến từ đâu?
Các diễn giả tham dự phiên 3 chuỗi Talkshow "Thị trường chứng khoán và dự báo"

Chuyển động rõ nét nhất 1 năm qua có thể thấy ở lĩnh vực ngân hàng. Dòng chảy của tiền thuận tiện đến mức chỉ cần một cú click chuột là có thể làm mọi việc. Từ đầu năm đến nay, thanh toán không dùng tiền mặt qua Internet, qua điện thoại di động, qua QR code lần lượt tăng 65%; 86%; 95% về số lượng giao dịch so với cùng kỳ năm trước. Sự chuyển động của dòng tiền trong nền kinh tế dường như chưa bao giờ thuận tiện và dễ dàng như bây giờ.

Khó khăn của hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung khi đại dịch Covid-19 buộc xã hội phải giãn cách trong nhiều giai đoạn, cộng với dòng chảy của tiền trong nền kinh tế trở nên dễ dàng trên nền tảng số là một yếu tố khiến TTCK Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ về sức cầu đầu tư. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, trong khi phía nguồn cung, toàn TTCK có thêm chưa tới 10 doanh nghiệp niêm yết mới, thì về về sức cầu, có 500.000 tài khoản mới được mở, tìm cơ hội đầu tư, kiếm lãi từ thị trường.

Dòng tiền chảy mạnh vào chứng khoán giúp nhiều phiên thị trường ghi nhận mức thanh khoản trên 1 tỷ USD. Câu hỏi đặt ra là dòng tiền đến từ đâu và liệu có gì bất thường?

“Theo quan sát của chúng tôi, dòng tiền đang chảy mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam chủ yếu từ một số nguồn. Đầu tiên là dòng tiền đến từ nhà đầu tư nước ngoài, mà chủ yếu là các nhà đầu tư châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc… Thứ nữa là dòng tiền đến từ các quỹ ETF, ghi nhận lượng vốn ròng lên tới 8.700 tỷ đồng trong tháng 04/2021 tại 10 quỹ ETF đang đầu tư vào thị trường Việt Nam”, ông Tô Giang Nam, Giám đốc đầu tư, Công ty quản lý quỹ Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank Capital) cho biết như vậy, tại phiên toạ đàm thứ 3 với chủ đề “Chuyển đổi số và tương lai thị trường” trong chuỗi Talkshow “Thị trường chứng khoán và dự báo”, do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức diễn ra sáng nay, ngày 30/6.


“Hiện nhiều ý kiến cho rằng, còn một nguồn tiền nữa đổ mạnh vào thị trường là từ nhà đầu tư F0. Tuy nhiên, cần xem lại vì qua con số thống kê cho thấy, lượng tiền sẵn sàng giao dịch của các nhà đầu tư F0 tính đến cuối quý I/2021 là khoảng 85.000 tỷ đồng. Vậy đâu là dòng tiền chính thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng trưởng bùng nổ? Con số thống kê cho thấy, có một phần không nhỏ đến từ tiền vay, cụ thể là hoạt động margin, khi hết quý I/2021, dư nợ margin của các công ty chứng khoán cấp cho nhà đầu tư khoảng 101.000 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước và tăng hơn 25% so với quý liền kề…”, ông Nam phân tích.

Vậy công ty chứng khoán lấy đâu ra nhiều tiền đến vậy để cho vay margin? Như góc nhìn của ông Nam, thì phần lớn dòng tiền mà các công ty chứng khoán cho vay margin là từ nguồn họ vay các ngân hàng, phần nữa là các công ty chứng khoán có nguồn vốn cho vay margin từ huy động được qua phát hành trái phiếu.

Dự báo diễn biến thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm nay, ông Nam nhìn nhận, xu hướng của thị trường sẽ liên quan nhiều đến sự di chuyển của dòng tiền.

Theo quy định pháp lý, công ty chứng khoán cho vay margin không được vượt quá 2 lần vốn chủ sở hữu. Theo góc nhìn của ông Nam, dòng tiền margin tại nhiều công ty đã đạt đỉnh theo quy định, nên thời gian tới dòng chảy tiền vay vào thị trường có thể sẽ chững lại. Do đó, trong ngắn hạn với góc nhìn thận trọng, các mã cổ phiếu thuộc một số ngành đã tăng khá nóng, vượt quá giá trị thực của doanh nghiệp tới đây sẽ có sự điều chỉnh để trở về giá trị thực của doanh nghiệp, phù hợp với bản chất của dòng tiền thật trên thị trường.

Về dài hạn, trong nước, khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát cộng với trên trường quốc tế, một số nước nới lỏng quy định về giãn cách xã hội, hoạt động đầu tư, kinh doanh được kỳ vọng dần hồi phục trở lại, dòng chảy của tiền trong nền kinh tế sẽ trở lại nhịp bình thường. Điểm cộng đáng chờ đợi trên TTCK Việt Nam là nếu thị trường tiến gần hơn đến các tiêu chuẩn để được nâng hạng, từ thị trường cận biên lên mới nổi, dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài sẽ quay trở lại nhiều hơn. "Thị trường thu hút được các dòng tiền chất lượng chính là yếu tố quan trọng nhất để tăng trưởng về chỉ số, về thanh khoản trở nên bền vững hơn so với hiện tại", chuyên gia Vietinbank Capital đánh giá./.

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư