e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Ra quân Tổng điều tra Kinh tế năm 2021 giai đoạn II

16:23 | 01/07/2021 Print
Giai đoạn II của cuộc Tổng điều tra được thực hiện từ 01/7-30/7/2021 trên cả nước nhằm thu thập thông tin của các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản và cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.

Ứng dụng triệt để công nghệ thông tin thực hiện Tổng điều tra trong bối cảnh Covid-19

Để thực hiện Quyết định số 1344/QĐ-BKHĐT, ngày 03/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương về việc ban hành phương án Tổng điều tra kinh tế năm 2021, từ ngày 01- 30/7/2021, Tổng điều tra kinh tế giai đoạn II được thực hiện đồng thời trên cả nước nhằm thu thập các thông tin về kết quả sản xuất kinh doanh; số lượng, quy mô và lao động của các đơn vị điều tra; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin từ các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.

Theo quy định của phương án Tổng điều tra kinh tế năm 2021, phương pháp thu thập thông tin Tổng điều tra giai đoạn II là điều tra trực tiếp: điều tra viên thống kê đến gặp và phỏng vấn trực tiếp các đơn vị điều tra (các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng) về các nội dung trong phiếu hỏi sử dụng phiếu hỏi điện tử được cài đặt trên thiết bị điện tử di động thông minh của điều tra viên thống kê (viết tắt là CAPI).

Đây là một trong những điểm mới so với các cuộc Tổng điều tra kinh tế trước đây cùng với một số điểm mới khác về nghiệp vụ điều tra của Tổng điều tra kinh tế năm 2021.

Ra quân Tổng điều tra Kinh tế năm 2021 giai đoạn II
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Lễ ra quân

Tổng điều tra kinh tế giai đoạn II được thực hiện trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, trong đó từ cuối tháng 5 đến nay, nhiều địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 nên việc tiếp xúc với các đơn vị điều tra để thực hiện các cuộc phỏng vấn điều tra trong thời gian thu thập thông tin tại địa bàn là khó khăn.

Vẫn cần tuân thủ nghiêm túc quy trình điều tra

Thực hiện Phương án Tổng điều tra Kinh tế năm 2021, sáng ngày 01/7/2021, cả nước đồng loạt ra quân Tổng điều tra Kinh tế giai đoạn II.

Tham dự Lễ ra quân tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh, năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm đầu tiên thực hiện Chiến lược 10 năm và 5 năm Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Trung ương Đảng và Quốc hội.

“Để hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của cả nước và từng địa phương, số liệu thống kê từ các cuộc Tổng điều tra và điều tra thống kê (trong đó có Tổng điều tra kinh tế năm 2021) đóng vai trò rất quan trọng trong việc đánh giá hiện trạng và tham mưu, đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển”, Thứ trưởng nêu rõ.

Tổng điều tra kinh tế năm 2021 được thực hiện theo Luật Thống kê và Quyết định số 307/QĐ-TTg ngày 27/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ; đây là cuộc Tổng điều tra kinh tế lần thứ sáu tại Việt Nam, giúp cung cấp thông tin phục vụ: (i) đánh giá toàn diện thực trạng và xu hướng phát triển kinh tế của đất nước và các địa phương; (ii) xây dựng chính sách, giải pháp cụ thể thúc đẩy phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025; (iii) là cơ sở quan trọng để rà soát, bổ sung thông tin chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP), Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) và các chỉ tiêu thống kê khác.

Với yêu cầu đặc biệt quan trọng về nâng cao chất lượng thông tin điều tra, mặc dù cuộc điều tra lần này đã ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong Tổng điều tra, song Thứ trưởng vẫn lưu ý, cần kiến thức, kỹ năng và sự tuân thủ nghiêm túc quy trình điều tra của điều tra viên thống kê để đảm bảo chất lượng điều tra.

“Các điều tra viên thống kê tuân thủ các quy định và quy trình thu thập thông tin; Ban Chỉ đạo các cấp tỉnh, huyện, xã tổ chức tốt công tác tuyên truyền tại địa phương và thực hiện kiểm tra, giám sát quá trình thu thập thông tin Tổng điều tra đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, hỗ trợ các điều tra viên, giám sát viên xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thu thập thông tin song song với thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19”, Thứ trưởng yêu cầu.

Tổng điều tra kinh tế năm 2021 là cuộc Tổng điều tra kinh tế lần thứ sáu tại Việt Nam, giúp cung cấp thông tin phục vụ: (i) đánh giá toàn diện thực trạng và xu hướng phát triển kinh tế của đất nước và các địa phương; (ii) xây dựng chính sách, giải pháp cụ thể thúc đẩy phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025; (iii) là cơ sở quan trọng để rà soát, bổ sung thông tin chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP), Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) và các chỉ tiêu thống kê khác.

Chia sẻ khó khăn với lực lượng tham gia Tổng điều tra, Thứ trưởng tin rằng, với sự đồng lòng, quyết tâm cao, chắc chắn công tác thu thập thông tin Tổng điều tra kinh tế năm 2021 giai đoạn II tại TP. Hà Nội nói riêng và toàn quốc nói chung sẽ thành công tốt đẹp.

Phát biểu tại Lễ ra quân, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tổng điều tra TP. Hà Minh Hải cho biết, trong giai đoạn II, Hà Nội sẽ tiến hành thu thập thông tin của trên 367 nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và khoảng 5 nghìn cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Là tỉnh/thành phố có số lượng đơn vị điều tra lớn thứ 2 trên cả nước, để thực hiện khối lượng công việc này Thành phố đã huy động trên 3 nghìn điều tra viên có trình độ nghiệp vụ, kỹ năng điều tra và có thể sử dụng thành thạo các thiết bị di động thông minh (máy tính bảng hoặc điện thoại) để thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin tại địa bàn.

Trước tình hình dịch bệnh Covid - 19 trên địa bàn Thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng với mục tiêu và quyết tâm hoàn thành tốt công tác Tổng điều tra kinh tế giai đoạn II, giao nhiệm vụ cho điều tra viên, giám sát viên các cấp, Phó Chủ tịch yêu cầu Cục Thống kê thành phố Hà Nội, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Thành phố tiếp tục chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành thành viên Ban Chỉ đạo Thành phố tổ chức triển khai cuộc Tổng điều tra kinh tế giai đoạn II theo đúng tiến độ của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương.

Ông Hà Minh Hải cũng lưu ý, yêu cầu hỗ trợ điều tra viên liên lạc với các cơ sở sản xuất kinh doanh tạm nghỉ do dịch Covid -19. Các điều tra viên nắm rõ và nghiêm túc chấp hành quy trình thu thập thập tin để đảm bảo chất lượng, tiến độ của cuộc Tổng điều tra.

Trước đó, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương cũng lưu ý một số giải pháp ứng phó và xử lý trong quá trình thu thập thông tin tại địa bàn.

Ra quân Tổng điều tra Kinh tế năm 2021 giai đoạn II
Các điều tra viên thu thập thông tin tại cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể trên địa bàn phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Cụ thể, về nghiệp vụ điều tra, Ban Chỉ đạo lưu ý, trong quá trình thu thập thông tin về các đơn vị điều tra tại địa bàn, khi phát hiện đơn vị điều tra đang hoạt động tại địa bàn nhưng không có trong danh sách đơn vị điều tra, thì điều tra viên thống kê cần báo cáo ngay với Ban chỉ đạo Tổng điều tra cấp xã hoặc giám sát viên để thực hiện bổ sung đơn vị điều tra vào danh sách đơn vị điều tra; giám sát viên cấp huyện thực hiện quy trình trình bổ sung thêm danh sách đơn vị điều tra như đã được hướng dẫn; đồng thời bổ sung phân công cho điều tra viên thống kê thực hiện thu thập thông tin các đơn vị mới được bổ sung này.

Trong quá trình thu thập thông tin về nhóm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ sản xuất kinh doanh của đơn vị điều tra, nếu nhóm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thực tế của đơn vị điều tra khác với nhóm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của đơn vị trong danh sách, thì điều tra viên thống kê thực hiện việc thu thập thông tin về nhóm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ do đơn vị điều tra thực tế sản xuất kinh doanh.

Ban Chỉ đạo cũng lưu ý, trong quá trình thu thập thông tin điều tra tại địa bàn, điều tra viên thống kê cần kiểm tra và hoàn thiện (sửa thông tin trên phiếu điều tra) ngay trong cuộc phỏng vấn, điều tra viên thống kê thực hiện hoàn thiện, sửa xong bất kỳ câu hỏi nào thì bắt buộc thao tác chuyển tiếp sang màn hình tiếp theo như đã được hướng dẫn để đảm bảo câu hỏi vừa sửa đã được lưu trong dữ liệu điều tra.

Trong quá trình thu thập thông tin tại địa bàn, nếu điều tra viên thống kê không tiếp cận được với đơn vị điều tra do cơ sở tạm đóng cửa vì nhiều lý do, trong dó có lý do cơ sở tạm nghỉ để phòng chống dịch Covid-19, thì điều tra viên thống kê cần liên lạc với chủ cơ sở qua điện thoại để hẹn lịch phỏng vấn. Trường hợp không có số điện thoại của chủ cơ sở, điều tra viên thống kê liên lạc với tổ trưởng tổ dân phố/trưởng thôn, ấp, bản để đề nghị cung cấp số điện thoại liên lạc của Cơ sở hoặc nhờ sự trợ giúp của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp xã để liên lạc với chủ Cơ sở.

Đối với những cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể không hợp tác cung cấp thông tin, Ban Chỉ đạo yêu cầu, điều tra viên thống kê cần tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của Tổng điều tra kinh tế để cơ sở hợp tác cung cấp thông tin. Sau khi đã thực hiện các nội dung tuyên truyền, vận động mà cơ sở vẫn không hợp tác cung cấp thông tin, điều tra viên thống kê báo cáo với Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp xã để có các phương án hỗ trợ và xử lý phù hợp./.

Trí Dũng

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư