e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Doanh nghiệp

Tiếp tục kiến nghị 3 nhóm chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

17:59 | 01/07/2021 Print
Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về các khó khăn khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, đồng thời đề xuất các kiến nghị giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Cần có chính sách hỗ trợ dài hơi để tăng niềm tin cho doanh nghiệp

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy Giám đốc điều hành Văn phòng Ban IV cho biết, Báo cáo tháng 6 được xây dựng căn cứ trên kết quả khảo sát nhanh ý kiến doanh nghiệp, các hiệp hội về đề xuất tập trung vào 3 nhóm chính sách, gồm chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; chính sách tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại, khó khăn trong dịch; chính sách thúc đẩy nhanh, hiệu quả chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Tiếp tục kiến nghị 3 nhóm chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Cần có chính sách hỗ trợ thiết thực hiệu quả dài hơi nhằm tăng niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp

Đáng chú ý, tại báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ tháng 6, Ban IV đặc biệt lưu ý, đang có sự sụt giảm kỳ vọng từ phía doanh nghiệp đối với các chính sách hỗ trợ thời gian qua. “Kỳ vọng của doanh nghiệp hiện tập trung nhiều vào nhóm chính sách liên quan tới chiến dịch vắc xin phòng Covid 19. Lý do của việc này có thể lý giải là do cách thiết kế các quy định, thủ tục để truyền tải chính sách hoặc quá trình thực thi chính sách đang còn chưa sát với thực tiễn, chưa nhất quán với chủ trương lớn của Đảng - Chính phủ về hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh dịch. Do đó, đối với các chính sách hỗ trợ tới đây, rất mong Chính phủ chỉ đạo các Bộ, địa phương chú trọng vào tính hiệu quả, thiết thực, để mỗi chính sách được ban hành đều có thể nhanh chóng phát huy giá trị”, Ban IV nhấn mạnh.

Bên cạnh các kiến nghị về các chính sách hỗ trợ trước mắt, Ban IV cũng cho biết doanh nghiệp/hiệp hội tiếp tục đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chú trọng tổ chức các cuộc trao đổi, tham vấn với doanh nghiệp để cùng tìm ra các giải pháp có tính “dài hơi” hơn hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp, nhận diện các xu hướng phát triển trong bối cảnh đại dịch ở từng ngành, lĩnh vực, đánh giá các biện pháp cần thiết cả ở góc độ chính sách cũng như hành động chủ động của doanh nghiệp nhằm tận dụng tốt cơ hội do bối cảnh này mang lại đồng thời hạn chế các khó khăn đã, đang và sẽ phát sinh.

Hiện thực hóa các chính sách hỗ trợ cụ thể người lao động

Liên quan về các chính sách hỗ trợ cụ thể liên quan đến người lao động, theo Ban IV, hầu hết các doanh nghiệp, hiệp hội tham gia khảo sát đều đồng thuận đề xuất: Người lao động tại các doanh nghiệp mà bị mất việc hoặc không đủ ngày công đóng BHXH, BHYT... được giữ lại quyền khám, chữa bệnh theo giá trị của thẻ BHYT ít nhất tới hết năm 2021;

Kiến nghị Chính phủ phê duyệt sớm đề xuất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về các chương trình hỗ trợ người lao động, đồng thời xem xét trình Quốc hội sớm tại kỳ họp tháng 7 này 2 nhóm giải pháp hỗ trợ người lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội cũng từ đề xuất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan nghiên cứu cải thiện ngay các điều kiện giải ngân gói vay trả lương cho người lao động thuộc các ngành bị tổn thương do dịch bệnh; ưu tiên doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực đang kêu gọi xã hội hóa, lĩnh vực bị “đóng băng” hoạt động trong dịch như du lịch, dịch vụ du lịch,...để được vay mà không cần điều kiện nào bởi do yêu cầu phòng chống dịch, hầu hết doanh nghiệp các ngành này đã phải đóng cửa hoạt động, hoàn toàn không có nguồn chi trả cho người lao động.

Tiếp tục có các gói vay ưu đãi hỗ trợ dòng tiền, miễn giảm phí cho doanh nghiệp

Liên quan các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Ban IV nhấn mạnh kiến nghị của phần lớn các doanh nghiệp, hiệp hội tham gia khảo sát đều đồng thuận đề xuất Ngân hàng Nhà nước khẩn trương chỉ đạo các Ngân hàng thương mại (NHTM) xây dựng các gói vay ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2021 vì hiện nay, mặc dù Thông tư 03/2021/TT-NHNN đã ban hành nhưng nhiều NHTM thông báo "đã cho vay vượt quy mô vốn ưu đãi cho doanh nghiệp ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19" nên dừng giải ngân, dẫn tới tăng trở lại các khoản lãi suất vay liên quan sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời kiến nghị Chính phủ tiếp tục xem xét các chính sách giúp miễn, giảm, giãn, hoãn các khoản đóng góp nghĩa vụ thuế, phí cho doanh nghiệp tới hết 2022 (như thuế đất/tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, các khoản phí đặc thù từng ngành...); ban hành các chính sách kích cầu tiêu dùng trong một số ngành cụ thể (như chính sách giảm phí trước bạ 50% cho người mua ô tô từ tháng 7/2020 đến hết năm 2020 đã kích thích tiêu dùng trong nước đặc biệt hiệu quả);

Đặc biệt, các doanh nghiệp và Hiệp hội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, địa phương không ban hành các chính sách mới hoặc áp dụng các chính sách từ nay tới hết năm 2022 mà làm tăng chi phí cho DN về thuế, phí, lệ phí, hoặc tăng ngân sách đầu tư mới các hạng mục nhằm đáp ứng các yêu cầu điều kiện kinh doanh, quy trình, thủ tục hành chính của nhà nước; xây dựng các quy trình “luồng xanh” (ưu tiên) cho hàng hóa xuất nhập khẩu để hỗ trợ tiết giảm tối đa chi phí, thời gian cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch.

Đẩy nhanh chiến dịch tiêm phòng vắc xin cho người lao động tại doanh nghiệp

Về chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy nhanh, hiệu quả chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19, Ban IV nêu bật kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội tập trung đề xuất việc triển khai đang còn rất khác nhau tại các ngành, các địa phương về chiến dịch mua và tiêm vắc xin cho người dân và người lao động tại các doanh nghiệp; minh bạch các tiêu chí xét đối tượng ưu tiên trong doanh nghiệp, công bố quy trình chuyên môn liên quan để người lao động và doanh nghiệp nắm bắt nhằm tổ chức tốt hơn hoạt động từ phía doanh nghiệp và phối hợp hiệu quả với Chính phủ và các chính quyền trong khâu thực thi.

Dẫn phản ánh của các doanh nghiệp, báo cáo của Ban IV cho biết, thực tế nhiều tỉnh cho triển khai việc đăng kí nhu cầu tiêm vắc xin phòng Covid-19 và doanh nghiệp đã thực hiện theo chỉ đạo của tỉnh, sau đó lại nhận được thông tin triển khai tương tự của Bộ chủ quản đối với lĩnh vực doanh nghiệp hoạt động khiến doanh nghiệp khá bối rối không rõ nên tiến hành việc đăng kí theo kênh nào. Hoặc trường hợp khác, trên cùng địa bàn tỉnh, vừa có thông tin về việc đăng kí tiêm dịch vụ, vừa có thông tin về các nhóm chủ thể được ưu tiên tiêm miễn phí... Những tình huống này khiến doanh nghiệp lúng túng và lo lắng trong khi các doanh nghiệp hiện rất chờ đợi, kỳ vọng vào chiến dịch tiêm phòng vắc xin này.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng kiến nghị xây dựng quy trình mẫu cho mô hình “hợp tác công - tư” trong việc tìm kiếm, đàm phán, mua và tổ chức tiêm vắc xin Covid 19 giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp và công bố công khai các quy trình mẫu này nhằm giúp doanh nghiệp hoạch định tốt hơn các hoạt động trong quá trình phòng, chống dịch. Đồng thời nghiên cứu triển khai chiến lược tự xét nghiệm kháng nguyên Covid-19 tại nhà, có hướng dẫn liên quan cho việc sử dụng các sản phẩm dạng “self-test”, nhằm giúp hạn chế sức người, sức của và khả năng lây lan khi tập trung đông người trong những chiến dịch xét nghiệm, truy vết tập trung hiện nay./.

Hiếu Phương

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư