e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Tài chính - Ngân hàng/Chứng khoán

Đề xuất thêm chế tài xử phạt mới trên thị trường chứng khoán

16:53 | 02/07/2021 Print
Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ xem xét thông qua nhiều chế tài xử phạt mới đối với các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán.

Không mở tài khoản phong toả sẽ bị phạt

Bộ Tài chính vừa công khai lấy ý kiến rộng rãi đóng góp cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP, ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Một trong những quan điểm đáng chú của cơ quan xây dựng dự thảo Nghị định lần này, đó là cùng với tăng khả năng bao quát trong xử phạt vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán, còn là đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa vi phạm.

Liên quan đến quy định tại Điều 12 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP về vi phạm quy định phát hành thêm cổ phiếu, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung chế tài: phạt từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với hành vi không chuyển số tiền thu được từ đợt phát hành thêm vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán trước khi UBCKNN có thông báo bằng văn bản về việc nhận được báo cáo kết quả đợt phát hành…

Liên quan đến Điều 11 của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP về vi phạm quy định về phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, chào bán chứng khoán tại nước ngoài và phát hành chứng khoán mới làm cơ sở chào bán chứng chỉ lưu ký chứng khoán tại nước ngoài hoặc hỗ trợ phát hành chứng chỉ lưu ký chứng khoán tại nước ngoài trên cơ sở cổ phiếu đã phát hành tại Việt Nam, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định: phạt từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi không mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu bằng ngoại tệ tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép theo quy định của pháp luật quản lý ngoại hối; không chuyển số tiền thu được từ đợt chào bán vào tài khoản phong tỏa; sử dụng tiền trong tài khoản phong tỏa trước khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) có thông báo bằng văn bản về nhận được báo cáo kết quả đợt chào bán hoặc báo cáo kết quả đợt phát hành.

Bị phạt nếu không công khai tỷ lệ sở hữu nước ngoài

Một nội dung mới đáng chú ý trong lần sửa đổi lần này, đó là dự thảo bổ sung quy định về vi phạm quy định về thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty đại chúng.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất phạt từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với công ty đại chúng thực hiện một trong các hành vi vi phạm: không thực hiện thủ tục thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa theo quy định; không thực hiện thủ tục thông báo thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa hoặc thực hiện thủ tục thông báo thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa không đúng thời gian quy định.

Cùng với đó, Bộ Tài chính còn đề xuất áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: buộc nộp hồ sơ thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty đại chúng hoặc thông báo về thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty đại chúng trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành.

Đề xuất thêm chế tài xử phạt mới trên thị trường chứng khoán
Bộ Tài chính đề xuất công khai danh tính đối tượng vi phạm

“Bêu” tên đối tượng vi phạm

Đặc biệt, một đề xuất mới của Bộ Tài chính là bổ sung quy định về công bố công khai việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.

Theo đó, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán bị áp dụng mức phạt tiền trong khung phạt có mức phạt tối đa từ 15 triệu đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30 triệu đồng trở lên đối với tổ chức hoặc bị áp dụng hình thức xử phạt chính là tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán, chứng chỉ hành nghề chứng khoán có thời hạn hoặc đình chỉ giao dịch chứng khoán có thời hạn hoặc bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt bổ sung…, sẽ bị công bố công khai thông tin về vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm, quyết định xử phạt phải được công bố trên trang thông tin điện tử của UBCKNN. Nội dung công bố công khai bao gồm: họ, tên, địa chỉ của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm, hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả…

Bộ Tài chính đề xuất sau khi nghị định được Chính phủ ban hành sẽ áp dụng từ ngày 1/1/2022, để có hiệu lực thi hành cùng với Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi./.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư