e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

“Nóng” nhiều sai phạm, tranh chấp về đất đai

10:31 | 05/07/2021 Print
Để khắc phục những bất cập trong quản lý đất đai, ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, đề xuất cần tổ chức lại các cơ quan thực thi pháp luật về đất đai chuyên nghiệp hơn, đồng bộ hơn, trong đó có Tòa án về đất đai…

Tranh chấp liên quan đến đất đai phức tạp

Tại Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về "Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hoá theo hướng hiện đại", bên cạnh khẳng định những kết quả rất tích cực đã đạt được, Ban Chấp hành Trung ương cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém, trong đó nhận định: tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này còn lớn; thị trường bất động sản phát triển không ổn định, thiếu lành mạnh, giao dịch "ngầm" còn khá phổ biến; tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp…

Theo Ban Kinh tế Trung ương, tại Hội thảo "Thực trạng vi phạm pháp luật về đất đai và kiến nghị sửa đổi chính sách, pháp luật về đất đai", do Ban phối hợp với Ban Cán sự Đảng Tòa án Nhân dân Tối cao vừa tổ chức, các báo cáo và tham luận chỉ rõ, đất đai là vấn đề phức tạp, có liên quan chặt chẽ đến đời sống của người dân và có ảnh hướng đến an ninh, trật tự và an toàn xã hội.

“Nóng” nhiều sai phạm, tranh chấp về đất đai
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Ban kinh tế Trung ương

Theo đó, tuy có xu hướng giảm nhưng từ năm 2013 đến nay, đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai vẫn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số các đơn thư khiếu nại, tố cáo (trên 60%). Các vụ án hành chính liên quan đến đất đai có xu hướng tăng liên tục từ mức chiếm 64,2% tổng số các vụ án về hành chính năm 2015 lên trên 80% năm 2020. Cũng trong khoảng thời gian này, số lượng thụ lý, giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại liên quan đến đất đai chiếm 75% tổng số các vụ án Toà án nhân dân tối cao thụ lý, giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

Các vụ án hình sự liên quan đến đất đai diễn ra rất đa dạng, động cơ, mục đích phạm tội rất phức tạp. Có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều tổ chức, nhiều người, trong đó có cả cán bộ có chức vụ cao, gây thiệt hại lớn đối với tài sản của Nhà nước...

Các ý kiến tại Hội thảo cho thấy, tình trạng vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai xảy ra phổ biến trong các hoạt động chủ yếu như: giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (không đúng mục đích, không qua đấu giá quyền sử dụng đất, không theo quy hoạch đã được phê duyệt…). Thu hồi, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, người sử dụng đất có đất bị thu hồi, nhà đầu tư; chậm chễ trong trả tiền đền bù… Còn vi phạm trong việc xác định giá trị đất đai trước khi cổ phần hoá; chuyển mục đích sử dụng đất sau khi cổ phần hoá… Việc cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng trình tự thủ tục, không đúng thẩm quyền…

Các ý kiến tại Hội thảo cũng chỉ ra các nguyên nhân của tình trạng vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai. Trong đó, một trong những nguyên nhân chính là do còn có những hạn chế, bất cập trong chính sách, pháp luật về đất đai, cũng như sự chồng chéo, chưa thống nhất trong một số quy định giữa Luật đất đai 2013 với các hướng dẫn thi hành luật và với một số luật khác (Bộ Luật Dân sự, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở…). Điều này dẫn đến sự lúng túng trong quản lý và tạo ra những khe hở của luật pháp, khiến một số cá nhân và tổ chức lợi dụng để tham nhũng và trục lợi, gây lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai còn sơ sài, thiếu thống nhất…

Phải bịt kẽ hở của pháp luật

Để khắc phục tình trạng trên, ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, cho rằng phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, mà chủ đạo là Luật Đất đai và hệ thống pháp luật liên quan theo hướng: đơn giản, tiện ích, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực thi, đồng bộ, thống nhất với Hiến pháp, cũng như các đạo luật, khắc phục xung đột, chồng chéo; bổ sung những khoảng trống chưa được điều chỉnh.

Luật Đất đai phải tạo ra hành lang pháp lý để chống được vi phạm, đặc biệt là tội phạm tham nhũng, đấu giá, đấu thầu, đồng thời phải đảm bảo quyền, lợi ích người dân theo nguyên tắc thị trường. Tổ chức thực hiện các luật hiện hành, đặc biệt là thực thi Luật Đất đai phải bảo đảm đầy đủ, nghiêm chỉnh hơn, tránh dự án giao rồi thành dự án treo, làm lãng phí nguồn lực; tăng cường thanh tra, kiểm soát xử lý nghiêm các vi phạm, tội phạm. Tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng đất đai về: đăng ký tài sản, cơ sở dữ liệu quốc gia, kiểm soát tài sản.../.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư