e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện/Kinh tế - Xã hội

Đại dịch Covid-19 đã tước đi cơ hội tham gia thị trường lao động của hơn 1,7 triệu người

15:33 | 06/07/2021 Print
Làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát đã ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động. Theo đó, trong quý II/2021 cả nước có 1,1 triệu người thiếu việc làm, thu nhập bình quân tháng của người lao động giảm.

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi Họp báo Công bố tình hình lao động việc làm quý II và kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020, do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tổ chức sáng ngày 6/7.

1,1 triệu người thiếu việc làm

Phát biểu tại buổi Họp báo, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động cho biết, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã làm nghiêm trọng hơn những tác động tiêu cực đến người lao động.

Theo số liệu thống kê cho thấy, trong quý II/2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm: người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Như vậy, so với quý I/2021, dịch Covid-19 đã làm tăng thêm 3,7 triệu lao động rơi vào tình trạng bị ảnh hưởng tiêu cực.
Trong quý II, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 51,1 triệu người, tăng 44,7 nghìn người so với quý trước và tăng 1,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2020. Tuy vậy, so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch bùng phát, lực lượng lao động vẫn thấp hơn 304 nghìn người.Trong tổng số 12,8 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, có 557 nghìn người bị mất việc; 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập.

“Nếu so với xu hướng tăng lực lượng lao động hàng năm trước khi chưa có dịch, thì lực lượng lao động thực tế quý II/2021 đang thấp hơn trạng thái bình thường là 1,7 triệu người. Nói cách khác, đại dịch Covid-19 đã tước đi cơ hội tham gia thị trường lao động của hơn 1,7 triệu dân số từ 15 tuổi trở lên” Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động cho hay.

Ông Phạm Hoài Nam cho biết, đại dịch Covid-19 đã tước đi cơ hội tham gia thị trường lao động của hơn 1,7 triệu dân số từ 15 tuổi trở lên.
Ông Phạm Hoài Nam cho biết, đại dịch Covid-19 đã tước đi cơ hội tham gia thị trường lao động của hơn 1,7 triệu dân số từ 15 tuổi trở lên.

Cùng với đó, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý II là 68,5%, giảm 0,2 điểm % so với quý I và tăng 1,3 điểm % so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Phạm Hoài Nam, người dân tại khu vực nông thôn gia nhập thị trường lao động sớm hơn và rời bỏ thị trường muộn hơn khá nhiều so với khu vực thành thị. Đây là đặc điểm điển hình của thị trường lao động với cơ cấu lao động tham gia ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao.

So với quý trước, quy mô lao động có việc làm trong quý II năm nay không đạt được mức tăng trưởng dương như xu hướng thường quan sát được ở những năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm quý II/2021 đạt 49,9 triệu người, giảm 65 nghìn người so với quý trước.

Ngoài ra, quý II/2021, cả nước có 1,1 triệu người thiếu việc làm trong độ tuổi, tăng 173,5 nghìn người so với quý trước và giảm 137,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Sự bùng phát nhanh hơn, mạnh hơn, khó kiểm soát hơn của dịch Covid-19 lần thứ 4 đã làm tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi qúy II năm 2021 ở khu vực thành thị tăng cao hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 2,80% và 2,49%). Đây là xu hướng khác biệt với xu hướng thường thấy được qua các năm trước với tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn thường cao hơn so với khu vực thành thị. Điều này có nghĩa là, lao động ở khu vực thành thị đang chịu nhiều sức ép về việc làm hơn ở khu vực nông thôn trong làn sóng dịch lần thứ 4.

Bên cạnh đố, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động trong quý II là gần 1,2 triệu người, tăng 87,1 nghìn người so với quý trước và giảm 82,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Đáng lưu ý, trong cơn bão đại dịch Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15 đến 24 tuổi) duy trì ở mức cao, chiếm 31,8% tổng số người thất nghiệp.

Thu nhập bình quân của người lao động giảm

Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, quý II/2021, thu nhập bình quân tháng của người lao động đạt 6,1 triệu đồng, giảm 226 nghìn đồng so với quý trước và tăng 547 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.

Diễn biến khó kiểm soát của dịch Covid-19 trong quý II/2021 đã làm đà phục hồi và tăng trưởng thu nhập bình quân từ công việc chính của người lao động bị gián đoạn.

Trong quý II, hầu hết các ngành kinh tế đều ghi nhận mức giảm thu nhập bình quân của người lao động so với quý trước. Người lao động ở khu vực công nghiệp và xây dựng bị ảnh hưởng về thu nhập nhiều nhất với mức thu nhập bình quân giảm 6,5% so với quý trước; lao động trong khu vực dịch vụ với thu nhập bình quân giảm 3,9%. Riêng thu nhập bình quân tháng của lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt tăng 2,2%, đây là khu vực duy nhất có mức thu nhập bình quân tăng so với quý trước.

Hình: Thu nhập bình quân của người lao động

Đại dịch Covid-19 đã tước đi cơ hội tham gia thị trường lao động của hơn 1,7 triệu người
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Bên cạnh đó, thu nhập của lao động làm công ăn lương cũng giảm so với quý trước. Cụ thể, quý II/2021, thu nhập của lao động làm công ăn lương đạt 6,8 triệu đồng, giảm 411 nghìn đồng so với quý trước và tăng 455 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân của lao động nam làm công hưởng lương cao hơn lao động nữ 1,2 lần (tương ứng 7,3 triệu đồng so với 6,2 triệu đồng); thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao hơn 1,3 lần so với thu nhập của lao động ở nông thôn (tương ứng 7,7 triệu đồng so với 6,1 triệu đồng).

Cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine để đạt được miễn dịch cộng đồng

Nhìn chung, những con số thống kê về tình hình lao động việc làm quý II/2021 đã phản ánh những khó khăn và biến động của nền kinh tế nói chung và thị trường lao động Việt Nam nói riêng trong thời gian qua. Trước tình hình đó, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch vẫn còn diễn biến khó lường, như sau:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện kiên định mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống dịch hiệu quả, vừa tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động; Đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine để đạt được miễn dịch cộng đồng, đặc biệt, ưu tiên cho các lao động tuyến đầu, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để duy trì sản xuất, ngăn chặn tình trạng đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Thứ hai, chủ động và tích cực triển khai hiệu quả 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Ưu tiên chú trọng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng và hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.

Thứ ba, cần có chương trình khuyến khích thanh niên và lao động trẻ đặc biệt là những người không có việc làm tích cực tham gia học tập đào tạo để nâng cao trình độ, sẵn sàng chủ động gia nhập thị trường lao động với hành trang đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế trong thời đại kỷ nguyên số 4.0.

Thứ tư, nâng cao vai trò của hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước nhằm tăng cường kết nối cung - cầu lao động, tạo niềm tin cho người lao động về cơ hội có việc làm, rút ngắn thời gian tìm việc của người lao động, thời gian tuyển dụng của người sử dụng lao động, tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, góp phần tăng trưởng và giải quyết việc làm cho người lao động.

Thứ năm, tập trung hỗ trợ nhiều hơn đến đối tượng yếu thế trong xã hội (như: công nhân, buôn bán nhỏ, lao động phi chính thức…) vì đây là những đối tượng dễ bị tổn thương khi việc thực hiện giãn cách xã hội, bằng những hỗ trợ thiết thực; để giảm thiểu những tác động tiêu cực về mặt xã hội, như: tệ nạn xã hội, trộm cắp…/.

Hồng Ánh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư