Lưu ý gì khi nhập siêu quay trở lại sau nhiều năm?

15:14 | 06/07/2021 Print
Sau nhiều năm duy trì xuất siêu, cán cân thương mại đã chuyển hướng rõ rệt khi liên tiếp tháng 5 và tháng 6 năm 2021 nhập siêu quay trở lại.

Nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh, Việt Nam tiếp tục nhập siêu

Trong bối cảnh làn sóng thứ tư của dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở Việt Nam, đã có tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất và kinh doanh thương mại của nước ta. Nhiều tỉnh thành có quy mô công nghiệp lớn, như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang có số ca bệnh tăng cao, nhiều khu công nghiệp phải đóng cửa, nhiều nhà máy phải tạm dừng sản xuất. Hoạt động sản xuất, xuất khẩu của một số doanh nghiệp trong các khu công nghiệp bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính chung trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất - nhập khẩu Việt Nam vẫn đạt được một số kết quả đáng khích lệ với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm tiếp tục duy trì ở mức tăng trưởng khá cao 36,1%, đạt 159,1 tỷ USD (Bảng). Kim ngạch nhập khẩu từ các thị trường chủ yếu đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2020: Trung Quốc tăng 53%; Hàn Quốc tăng 21,1%; ASEAN tăng 47,7%; EU tăng 16,3%.

Giá trị nhập khẩu nhiều mặt hàng tăng cao với cùng kỳ năm 2020, trong đó ô tô tăng 78,4%; kim loại thường tăng 61,2%; chất dẻo tăng 54,9%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 22,1%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 48,7%; sắt thép tăng 40,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 37,3%...

Một trong những nguyên nhân khiến giá trị nhập khẩu của các mặt hàng tăng mạnh là do chỉ số giá nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2021 tăng 2,24% so với cùng kỳ năm trước (quý II/2021 tăng 3,28%). Trong đó giá nhập khẩu của một số mặt hàng quan trọng phục vụ gia công sản xuất tăng: kim loại thường khác tăng 12,8%; sắt thép tăng 7,65%; vải tăng 1,65%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 1,62%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 0,56%.

Lưu ý gì khi nhập siêu quay trở lại sau nhiều năm?
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu 6 tháng tăng trưởng cao hơn kim ngạch xuất khẩu (nhập khẩu tăng 36,1%; xuất khẩu tăng 28,4%) đã đưa cán cân thương mại 6 tháng đầu năm nhập siêu 1,47 tỷ USD (trong khi, cùng kỳ năm 2020 đạt xuất siêu 5,86 tỷ USD).

Tuy nhiên, xét theo cơ cấu hàng nhập khẩu thì tỷ trọng tư liệu sản xuất chiếm đến 93,9% tổng kim ngạch, tăng 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu tư liệu sản xuất đạt 149,32 tỷ USD, tăng 36,7%. Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 9,78 tỷ USD, tăng 28% và chiếm 6,1% (giảm 0,4 điểm phần trăm). Nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất có tốc độ tăng cao, đặc biệt nhóm hàng phục vụ cho sản xuất là nhóm hàng nguyên, nhiên vật liệu tăng tới 40,2% (tỷ trọng tăng 1,4 điểm phần trăm) cho thấy dấu hiệu phục hồi sản xuất có tiến triển tốt và khả quan.

Trước đó, tháng 5/2021, cả nước nhập siêu 2,07 tỷ USD. Tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu cao hơn kim ngạch xuất khẩu khiến cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 nhập siêu 473 triệu USD (cùng kỳ xuất siêu 3,87 tỷ USD).

Quan điểm trái chiều về nhập siêu 6 tháng đầu năm

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý II của Bộ Công Thương diễn ra chiều 17/6/2021, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải lý giải, các mặt hàng nhập khẩu nhiều trong 5 tháng đầu năm 2021 chủ yếu là linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu trong ngành da giày, dệt may... Đây cũng là các lĩnh vực sản xuất đang có sự phục hồi nhanh chóng khi các thị trường nhập khẩu phục hồi.

Với nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu nhóm trong 5 tháng đầu năm đạt gần 8,5 tỷ USD, chiếm gần 4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu. Do vậy, cán cân thương mại thâm hụt không phải do gia tăng nhập khẩu các mặt hàng không được khuyến khích.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng khẳng định, nhập siêu trở lại trong tháng 5 là không đáng quan ngại và không có gì bất thường, bởi nhập siêu chủ yếu do các doanh nghiệp tăng nhập khẩu nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất, tới 90%.

Tuy nhiên, đứng trước tình hình nhập siêu 6 tháng đầu năm nay, Tổng cục Thống kê cũng đưa ra cảnh báo, nếu không có giải pháp hạn chế nhập siêu thì việc nhập siêu lâu dài và nhất là nhập siêu hàng tiêu dùng sẽ phần nào gây ra những tác động không tốt trong nền kinh tế. Việc nhập khẩu hàng tiêu dùng nhiều, đặc biệt là hàng tiêu dùng xa xỉ phẩm, sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng nội địa, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất trong nước.

Đứng ở góc độ của các chuyên gia kinh tế, trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, TS. Nguyễn Minh Phong (nguyên Phó Vụ trưởng Báo Nhân dân) cho rằng, tình trạng nhập siêu trong 6 tháng đầu năm sau gần 10 năm xuất siêu cho thấy một số điểm tích cực sau:

Thứ nhất, điều này phản ánh, các doanh nghiệp trong nước hoạt động trở lại, nên họ phải tăng cường nhập khẩu nguyên vật liệu.

Thứ hai, một số doanh nghiệp FDI bắt đầu triển khai tại Việt Nam nên họ cũng phải tăng cường nhập khẩu để xây dựng cơ sở ban đầu.

Thứ ba, một số dấu hiệu cho thấy, thị trường trong nước đang có thể hiện nhất định về quy mô trong đó có nhập tiêu dùng tăng lên.

Tuy nhiên, vị chuyên gia kinh tế này cũng chỉ ra một số vấn đề tiêu cực, như: (i) Nhập khẩu gạo giá rẻ từ Ấn Độ rất mạnh, trong khi Việt Nam là nước xuất khẩu gạo, đây là dấu hiệu lạ và là điều không cần thiết; (ii) Khu vực trong nước vẫn nhập siêu dịch vụ nhiều...

Nhìn tổng thể, theo TS. Phong, càng nhập siêu nhiều càng không tốt, vì chúng ta sẽ không có nhiều nguồn ngoại tệ và điều này cũng chứng tỏ sức cạnh tranh về hàng hóa cũng như công ăn việc làm của nước ta còn hạn chế.

Còn theo PGS, TS. Nguyễn Thường Lạng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhập siêu 6 tháng đầu năm 1,47 tỷ USD cho thấy nhu cầu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất tăng lên. Đây là dấu hiệu để sản xuất mở rộng thời gian tới.

Ngoài ra, nhập siêu còn thể hiện tác động mở cửa thị trường, giảm thiểu rào cản của các hiệp định, tổng cầu hàng nhập khẩu tăng. Nhập khẩu tăng cao và quy mới lớn hơn cho thấy hạn chế của các ngành thay thế nhập khẩu, khả năng cạnh tranh của hàng tiêu dùng sản xuất trong nước và độ mở nền kinh tế tăng.

“Điều này cũng không loại trừ các đối tác xuất khẩu sang Việt Nam duy trì đồng tiền yếu. Nguồn lực huy động để xuất khẩu chưa tận dụng hết, chất lượng vác giá trị gia tăng hàng hoá không cao. Hàng xuất khẩu Việt Nam vẫn có tỷ trọng không nhỏ hàng phẩm cấp trung bình, nên càng xuất khẩu nhiều càng bất lợi. Tỷ giá hàng xuất khẩu được cải thiện chậm”, PGS, TS. Nguyễn Thường Lạng cho hay.

Điều tiết nhập khẩu theo hướng khuyến khích nội địa hóa

Dự báo kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2021 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, việc thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” là thách thức lớn. Vì vậy, theo Tổng cục Thống kê, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.

Cơ quan thống kê quốc gia cũng khuyến nghi, cần tập trung một số nội dung liên quan đến hoạt động xuất - nhập khẩu theo hướng, bảo vệ sức khỏe người lao động trong các doanh nghiệp, các khu công nghiệp.

Đồng thời, tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế.

Ngoài ra, cần kiểm soát và có biện pháp kịp thời để đảm bảo nguồn cung và giá cả của nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước; sử dụng chính sách thuế phù hợp theo hướng có lợi cho nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu thành phẩm.

Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, ngành hàng, tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu.

Trong khi đó, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục theo dõi thị trường nhập khẩu, nhất là nhóm hàng không khuyến khích, hạn chế nhập khẩu để có biện pháp kiểm soát kịp thời, cân bằng trở lại cán cân thương mại.

Bộ Công Thương cũng đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cam kết từ các hiệp định FTA, xúc tiến tìm kiếm thị trường xuất khẩu và tháo gỡ các rào cản thâm nhập thị trường mới.

Đặc biệt, Bộ Công Thương đang xây dựng Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2021-2030, sẽ trình Chính phủ xem xét và ban hành trong thời gian tới.

Dưới góc độ chuyên gia, PGS, TS. Nguyễn Thường Lạng cho rằng, bên cạnh điều tiết nhập khẩu theo hướng khuyến khích nội địa hoá, sử dụng nhiều nguyên vật liệu và tài nguyên trong nước, thì cần coi trọng nâng cao chất lượng, phẩm cấp và đẳng cấp hàng Việt Nam trên một trình độ và vị thế cao hơn, giá trị gia tăng lớn hoàn. Đồng thời, cần chú trọng đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm và tăng giá trị thương hiệu./.

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư