e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Đổi mới sáng tạo

Nghe chuyên gia kể chuyện đổi mới sáng tạo trong công tác xã hội tại Việt Nam

11:32 | 07/07/2021 Print
Ở Việt Nam, khái niệm “đổi mới sáng tạo” không còn là điều quá xa lạ trong việc phát triển công nghệ và kinh tế, vậy còn trong các công tác xã hội thì sao?

Những ngày này, chúng ta ai cũng cố gắng hết mức để giữ an toàn cho bản thân và cộng đồng. Nhưng ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 xảy đến, Việt Nam vốn đã đối mặt với nhiều vấn đề mang tính cấp bách, như tình trạng ô nhiễm rác thải tại các khu đô thị, hay ô nhiễm không khí diễn ra vào những ngày...đông lạnh.

Có lẽ, đây chính là những hồi chuông cảnh tỉnh để tất cả chúng ta nhìn lại thói quen sinh hoạt không bền vững của bản thân và cộng đồng. May mắn thay, đã có nhiều người trong chúng ta nghe thấy “tiếng chuông” ấy và ra sức hành động. Nếu được học hỏi từ họ, liệu chúng ta có thể thay đổi thói quen của mình và xây dựng một hướng đi tốt đẹp hơn cho xã hội?

Học hỏi từ người tiên phong

Nguyễn Tuấn Lương, Trưởng phòng Thí nghiệm Đổi mới sáng tạo (Accelerator Lab) của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Việt Nam, cho biết: “Các vấn đề xã hội mà chúng ta đang đối mặt không phải là trách nhiệm riêng của một tổ chức hay quốc gia nào. Đó là những vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến rất nhiều bên liên quan, khiến chúng ta phải ngẫm lại những tiêu chuẩn xã hội, sở thích và thói quen sinh hoạt của cộng đồng. Chúng tôi xem việc thực hành đổi mới sáng tạo vì xã hội là công cụ thúc đẩy việc hoàn thành Các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) theo một cách sâu rộng”.

Nghe chuyên gia kể 4 câu chuyện người thật việc thật về 'đổi mới sáng tạo' trong công tác xã hội tại Việt Nam |  Urbanist Vietnam
Nguyễn Tuấn Lương, Trưởng phòng Thí nghiệm Đổi mới sáng tạo, UNDP Việt Nam

Cốt lõi của các sáng kiến vì xã hội là xây dựng lòng tin và các mối quan hệ trong không gian làm việc để mọi người có thể nhìn nhận rõ về các vấn đề xã hội. Accelerator Lab (AccLab) Việt Nam luôn nỗ lực tạo ra sự thay đổi bằng những dự án cụ thể.

Tuấn Lương tin rằng, cốt lõi của các sáng kiến vì xã hội là xây dựng lòng tin và các mối quan hệ trong không gian làm việc để mọi người có thể nhìn nhận rõ về các vấn đề xã hội. Accelerator Lab (AccLab) Việt Nam luôn nỗ lực tạo ra sự thay đổi với những dự án như: giải quyết tình trạng quá tải rác thải ở Đà Nẵng và thành lập Cộng đồng AccLab Việt Nam.

Một trong những sứ mệnh chính của AccLab và các đối tác là “thúc đẩy việc trau dồi kiến thức để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.” Vào ngày 19/6, Tuấn Lương đã tham gia tổ chức sự kiện trực tuyến mang tên “Những mảnh ghép đổi mới sáng tạo vì xã hội” với hy vọng nâng cao nhận thức về chủ đề này và tiếp nhận nhiều quan điểm về đổi mới sáng tạo vì xã hội nói riêng và đổi mới sáng tạo nói chung. Người tham gia sẽ được trực tiếp lắng nghe và học hỏi từ câu chuyện của những người đang tạo ra thay đổi tích cực trong lĩnh vực.

Ban tổ chức tin rằng, kể chuyện là cách chia sẻ thân mật và chân thật nhất. Qua đó, người kể và người nghe có thể học hỏi lẫn nhau. Sự kiện được tổ chức theo phương pháp Collective Story Harvest (CSH).

Trọng tâm của phương pháp CSH là cùng nhau học hỏi từ các câu chuyện. Mỗi người chúng ta đều có nền tảng kiến thức, niềm tin và ý tưởng khác nhau, vì thế sẽ học được nhiều điều khác nhau từ cùng một câu chuyện. Và thông qua những điều từng người góp nhặt được, ta sẽ có cái nhìn sâu rộng hơn về vấn đề.

Khách mời của sự kiện là bốn người kể chuyện. Họ đến từ những lĩnh vực khác nhau, nhưng đều đang đóng góp vào mục đích chung theo cách riêng của mình. Chương trình diễn ra với hơn 80 người tham dự trên Zoom, cùng lắng nghe và đóng góp thêm vào bức tranh tổng thể này những mảnh ghép của riêng mình.

Những mảnh ghép muôn màu

Lá Library là một trung tâm học tập về lối sống bền vững ở tỉnh Ninh Bình, nằm gần Vườn Quốc gia Cúc Phương. Nguyễn Minh Vũ, người sáng lập Lá, vốn yêu thích việc học hỏi từ tự nhiên và xây dựng nơi đây với mục đích tạo ra “một nơi để học đi đôi với hành, không ngừng tìm hiểu về thiên nhiên và thử nghiệm các phương án sinh hoạt bền vững hơn”.

Nghe chuyên gia kể chuyện đổi mới sáng tạo trong công tác xã hội tại Việt Nam
Những gì Lá Library thực hiện sẽ góp phần hàn gắn mối quan hệ giữa con người và Đất Mẹ. Hình ảnh: Ellie Shipman.

“Lá hướng đến việc xây dựng mái ấm và nuôi trồng lương thực bằng những phương pháp thuật tự nhiên”, Vũ chia sẻ. Anh cùng những người bạn của mình luôn cố gắng sống hòa mình với thiên nhiên bằng cách xây nhà bằng đất và thực hành nông nghiệp bền vững. Có thể nói những gì Lá đang thực hiện sẽ giúp hàn gắn mối quan hệ giữa con người và Đất Mẹ. “Con người đã tác động đến thiên nhiên quá nhiều, giờ đến lúc chúng ta phải chữa lành. Như khi làm vườn, mình có thể vừa thu hoạch vừa cải tạo đất để đất phục hồi cho những vụ mùa sau”, Vũ nói.

Cũng giống như Vũ và Lá Library, Vũ Thảo và Kilomet 109 cũng chia sẻ niềm đam mê làm việc với các vật liệu tự nhiên, nhưng tính chất công việc của cô là về thời trang.

Thảo luôn tự mình tham gia vào tất cả các khâu sản xuất vải: “Từ gieo trồng đến thu hoạch, xử lý sợi thô, dệt, nhuộm, trang trí... Không phải lúc nào mình cũng có thể góp mặt, nhưng mỗi khi có thể, mình đều cảm thấy đó là một món quà và một đặc ân, nhất là đối với một nhà thiết kế sống ở thành phố như mình”.

Nhờ tham gia sâu vào công việc, Thảo không những biết rõ về các chất liệu mà còn dùng thiết kế của mình để gắn kết khách hàng với nghệ nhân địa phương và nghề làm vải truyền thống. “Đó là một cách bồi dưỡng kiến thức và sự thấu hiểu dành cho các nghề truyền thống. Chúng ta cần phải gìn giữ bản sắc của các làng nghề, hỗ trợ người lao động địa phương, và bảo tồn sự đa dạng văn hóa của nước mình”.

Nghe chuyên gia kể chuyện đổi mới sáng tạo trong công tác xã hội tại Việt Nam

Vũ Thảo tại cửa hàng Kilomet 109. Hình ảnh: Alberto Prieto

Người kể chuyện thứ ba là Đỗ Quý Dương, chuyên gia Quản trị và Nghiên cứu của Oxfam Việt Nam. Các công trình của anh tập trung vào phân tích chính sách xã hội, thúc đẩy các sáng kiến quản trị và tập huấn năng lực cho các tổ chức xã hội tại Việt Nam.

Anh Dương không chia sẻ về những dự án thực tế mà nói về những công việc mang tính trừu tượng hơn. “Với mình, đổi mới sáng tạo vì xã hội có ba cấp độ. Cấp độ đầu tiên là về các công cụ - cách chúng ta giao tiếp và làm việc chung trong không gian trực tuyến và thực tế. Cấp độ thứ hai là phương pháp tiếp cận, có thể là những không gian thực tế hoặc các cách thức phối hợp để giúp chúng ta gặp gỡ, chia sẻ ý tưởng và hợp tác. Và cấp thứ ba là về tư duy - cách chúng ta suy nghĩ về các vấn đề xã hội, ví dụ như các phương pháp tư duy thiết kế (design thinking) và tư duy mang tính hệ sinh thái (ecosystem thinking)”.

Nghe chuyên gia kể chuyện đổi mới sáng tạo trong công tác xã hội tại Việt Nam
Đỗ Quý Dương, chuyên gia quản trị và Nghiên cứu của Oxfam Việt Nam

Đổi mới sáng tạo vì xã hội có ba cấp độ. Cấp độ đầu tiên là về các công cụ - cách chúng ta giao tiếp và làm việc. Cấp độ thứ hai là phương pháp tiếp cận và cấp thứ ba là về tư duy - cách chúng ta suy nghĩ về các vấn đề xã hội.

Sợi dây kết nối ba cấp độ là nỗ lực chung của cộng đồng. “Bên cạnh công việc chính, mình còn tham gia các nhóm thuộc nhiều lĩnh vực khác như nhóm cứu hộ động vật. Ở đó mình nhìn thấy mọi người làm việc với các bên liên quan như Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hay các trung tâm thú y” Đó là một ví dụ nhỏ về một hệ sinh thái. “Và có rất nhiều hệ sinh thái, mỗi hệ sinh thái tập trung vào một vấn đề cụ thể hoặc ở một khu vực cụ thể”, Dương chia sẻ.

Người kể chuyện thứ tư và sau cùng là Trương Thị Nam Thắng, Viện trưởng Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo Xã hội tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Chị đồng thời cũng là một doanh nhân, giảng viên, cố vấn và giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Cambridge.

Bên cạnh những chức danh chính thức, Trương Thị Nam Thắng còn hay được gọi là “người xây dựng hệ sinh thái” và “pracademia” (kết hợp của practice và academia), một từ chỉ những học giả trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo xã hội, mang tư duy “học” phải đi với “hành”. Để đạt được những dấu mốc đáng tự hào trong sự nghiệp, chị cũng đã trải qua không ít chông gai.

“Giới tính của mình lại chính là một trong những trở ngại lớn nhất trong công việc. Mình thấy điều này không hề công bằng”, Nam Thắng chia sẻ. “Một doanh nhân xã hội có hai nguồn áp lực: duy trì hoạt động của doanh nghiệp và đồng thời phục vụ một mục đích xã hội cụ thể... Mình cũng có những áp lực đó, nhưng vì là phụ nữ, mình còn có gia đình, con cái, và nhiều rào cản khác.”

Thắng nói khi một người nam được Cambridge bổ nhiệm làm giáo sư, anh ấy sẽ được mọi người kính nể, nhưng khi Thắng được Cambridge xướng danh, cô lại không nhận được sự tôn trọng như vậy. Mặc khác, khi Thắng làm việc ở trường Kinh tế Quốc dân, cô thường bị các đồng nghiệp chê cười vì theo đuổi công tác xã hội. “Đôi khi trong cuộc họp, Giám hiệu nhà trường chọc mình: ‘Chà, dạo này cô Thắng có nhiều chương trình hay ho nhỉ, lâu lâu lại thấy một chị dân tộc mặc áo xanh xanh đỏ đỏ đến tìm’.

Nghe chuyên gia kể chuyện đổi mới sáng tạo trong công tác xã hội tại Việt Nam
Trương Thị Nam Thắng, Đại học Kinh tế Quốc dân

Khi làm việc với những bạn khuyết tật, mình cảm thấy hạnh phúc khi có thể truyền cảm hứng giúp họ phát triển bản thân.

“Điều giúp mình trụ lại trên con đường này, dù nó có vất vả thế nào, là vẻ đẹp của công việc. Như khi làm việc với những bạn khuyết tật, mình cảm thấy hạnh phúc khi có thể truyền cảm hứng giúp họ phát triển bản thân. Hơn nữa, mình được làm việc với những người truyền cảm hứng cho mình, họ có tấm lòng đáng quý, lòng tốt của họ khuyến khích mình tiếp tục cố gắng”, chị Nam Thắng xúc động chia sẻ.

Thu hoạch kiến thức

Các câu chuyện được chia sẻ cùng một lúc, mỗi người tham gia chỉ có thể chọn một câu chuyện để nghe. Sau đó họ được phân vào một nhóm nhỏ với những người đã nghe câu chuyện khác và chia sẻ những gì mình học được. Những điều được chia sẻ rất đa dạng, như một nhà sáng tạo xã hội là người dám thử và không sợ thất bại, rằng tư duy có hệ thống là điều vô cùng quan trọng, và chúng ta đạt được thành công lớn khi làm việc cùng... Sau đó, tất cả các câu chuyện và cuộc thảo luận sẽ được tổng hợp lại bằng công cụ có tên Mural.

Nghe chuyên gia kể chuyện đổi mới sáng tạo trong công tác xã hội tại Việt Nam
Kiến thức thu hoạch được. Ảnh: Thư Nguyễn.

Trong mỗi nhóm kể chuyện, người tham gia còn được chia sẻ với khách mời về cảm xúc của mình hay những suy nghĩ sau khi lắng nghe câu chuyện. Phần chia sẻ của chị Nam Thắng nhận được sự đồng cảm của một khán giả nữ đến từ Kon Tum: “Ngoài việc chịu thiệt thòi vì là nữ giới, mình còn gặp rào cản về địa lý. Mình sinh ra, lớn lên rồi lựa chọn làm việc tại Kon tum, nên không có nhiều cơ hội... Chia sẻ của Thắng đã mở ra cho mình những ý tưởng để kết nối và trở thành một nhà hoạt động xã hội mà vẫn tiếp tục công việc học thuật”.

Vào cuối sự kiện, mọi người được mời chia sẻ một điều họ rút ra sau trải nghiệm này. Có người tìm thấy “những liên kết mới,” có người khen “Zoom là ứng dụng thần thánh” và đánh giá cao “tính tương tác của phương pháp CSH”. Cũng có người được truyền cảm hứng hành động. Một bạn chia sẻ: “Mình học được những điều giúp mình trả lời hai câu hỏi, là vì sao mình muốn tham gia công tác xã hội, và mình muốn trở thành nhà hoạt động xã hội như thế nào. Mình rút ra được hai điều là: ‘Có nhiều cách để thành công’ và 'Không cần tìm đâu xa, cứ tập trung vào những gì mình đang có’”./.

Nguồn từ

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư