e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Doanh nghiệp

3 ngân hàng cho Vietnam Airlines vay 4.000 tỷ, NHNN tái cấp vốn trở lại với lãi suất 0%

09:36 | 08/07/2021 Print
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa ký cam kết cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vay tín dụng ưu đãi 4.000 tỷ đồng.

Gói cho vay này nhằm giúp Vietnam Airlines vượt qua khủng hoảng và bảo đảm khả năng phục hồi, phát triển của Tổng công ty sau đại dịch.

3 ngân hàng cho Vietnam Airlines vay 4.000 tỷ, NHNN tái cấp vốn trở lại với lãi suất 0%
Dự báo đến năm 2023, thận trọng hơn là năm 2024, thị trường hàng không Việt Nam sẽ phục hồi quy mô tương đương năm 2019

Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm tái cấp vốn trở lại với lãi suất 0%

Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết, 4.000 tỉ đồng dưới hình thức vay ưu đãi từ các ngân hàng thương mại, Vietnam Airlines sẽ sử dụng để thanh toán các khoản nợ quá hạn và thanh toán các dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh phát sinh tại thời điểm giải ngân, tuyệt đối không dùng cho các hoạt động đầu tư, mua sắm hay các hoạt động không trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh.

Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines (VNA) cho biết thêm, theo đánh giá của các tổ chức hàng không và Vietnam Airlines, thị trường khách quốc tế có thể sẽ cần 2 - 3 năm để hồi phục tương đương với mức của năm 2019, trong khi thị trường nội địa có thể phục hồi mạnh mẽ ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Với kịch bản lạc quan, dự báo đến năm 2023, thận trọng hơn là năm 2024, thị trường hàng không Việt Nam sẽ phục hồi quy mô tương đương năm 2019.

Liên quan đến việc gỡ khó cho Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam, theo Quyết định số 450/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng sau khi các tổ chức tín dụng cho VNA vay bổ sung vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn bằng đồng Việt Nam, không có tài sản bảo đảm trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng và số tiền cho vay của các khoản cho vay của tổ chức tín dụng đối với VNA theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ. Tổng số tiền giải ngân tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng tối đa là 4.000 tỷ đồng.

Các khoản cho vay của tổ chức tín dụng đối với VNA được tái cấp vốn là các khoản cho vay của tổ chức tín dụng đối với VNA theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ do VNA xác định. Lãi suất tái cấp vốn là 0%/năm; lãi suất áp dụng đối với nợ gốc tái cấp vốn quá hạn thực hiện theo quy định tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.

Thời hạn tái cấp vốn theo đề nghị của tổ chức tín dụng, tối đa bằng thời hạn của khoản cho vay của tổ chức tín dụng theo Nghị quyết và không vượt quá 364 ngày. Khoản tái cấp vốn được tự động gia hạn 2 lần tại thời điểm đến hạn đối với dư nợ gốc tái cấp vốn còn lại; thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn; tổng thời gian tái cấp vốn và gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 3 năm.

Ngân hàng Nhà nước giải ngân tái cấp vốn theo đề nghị của tổ chức tín dụng và đảm bảo số dư gốc khoản tái cấp vốn sau khi giải ngân không vượt quá dư nợ gốc khoản cho vay của tổ chức tín dụng theo Nghị quyết; trong thời gian tổ chức tín dụng vay tái cấp vốn, trường hợp dư nợ gốc khoản tái cấp vốn vượt quá dư nợ gốc khoản cho vay của tổ chức tín dụng theo Nghị quyết, tổ chức tín dụng có trách nhiệm chủ động hoàn trả lại Ngân hàng Nhà nước số tiền vượt này theo quy định tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước dừng giải ngân tái cấp vốn khi giải ngân hết 4.000 tỷ đồng nhưng không muộn hơn ngày 31/12/2021.

Cũng theo quyết định của Thủ tướng, tổ chức tín dụng cho VNA vay có trách nhiệm xem xét và quyết định việc cho VNA phù hợp với khả năng tài chính của tổ chức tín dụng, tài sản bảo đảm của VNA và tình hình tài chính của VNA đang bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh COVID-19; chịu trách nhiệm về quyết định cho vay đối với VNA.

Tổ chức tín dụng có trách nhiệm trả nợ tái cấp vốn cho Ngân hàng Nhà nước đầy đủ, đúng hạn và thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.

Vietnam Airlines cần gọi thêm 8.000 tỷ đồng vốn từ cổ đông

3 ngân hàng cho Vietnam Airlines vay 4.000 tỷ, NHNN tái cấp vốn trở lại với lãi suất 0%
4.000 tỉ đồng dưới hình thức vay ưu đãi từ các ngân hàng thương mại, Vietnam Airlines sẽ sử dụng để thanh toán các khoản nợ quá hạn

Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết, giải pháp cho vay tái cấp vốn nằm trong gói hỗ trợ 12.000 tỉ đồng được Quốc hội thông qua vào tháng 12/2020, nhằm góp phần giúp Vietnam Airlines vượt qua khủng hoảng. Đây là một trong các giải pháp của Chính phủ trong vai trò cổ đông Nhà nước nắm giữ 86,19% cổ phần tại Vietnam Airlines để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Hiện tại, Vietnam Airlines đang tiếp tục triển khai các bước theo quy định liên quan đến phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ 8.000 tỉ đồng để có thể hoàn tất thủ tục phát hành vào cuối quý III/2021.

Nhà nước hiện là cổ đông lớn nhất của Vietnam Airlines nắm 86,19% vốn điều lệ thông qua Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Cổ đông lớn tiếp theo là ANA Holdings Inc., nắm 8,77% vốn. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam nắm 1,04% cổ phần của Vietnam Airlines, còn lại là các tổ chức, cá nhân nhỏ lẻ khác (nắm 4%). Với cơ cấu sở hữu này, chỉ cần cổ đông Nhà nước thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ cho Vietnam Airlines thì phương án tăng vốn chắc chắn thành công.

Theo dự kiến, ngày 14/7/2021, doanh nghiệp lớn nhất ngành hàng không Việt Nam sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông tại Hà Nội để đánh giá hoạt động và tìm hướng đi trong thời gian tới. Đại hội sẽ thông qua phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với quy mô phát hành 8 nghìn tỷ đồng, giúp Tổng công ty có thêm nguồn lực tài chính, trụ lại trong giai đoạn khó khăn của đại dịch.

Trên sàn chứng khoán, với cơ cấu cổ đông cô đặc, giá cổ phiếu HVN biến động không lớn trong 1 năm qua, dao động quanh mức 22.000 - 34.000 đồng/cổ phiếu/.

Hồng Lĩnh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư