Nỗi lo tiền rẻ sẽ không còn nhiều nữa

12:19 | 09/07/2021 Print
Kể từ đầu năm 2021 đến nay, các NHTW thế giới đã thực hiện tới 19 đợt nâng lãi suất. Nếu câu chuyện tiền rẻ không còn nhiều nữa, để các chỉ số chứng khoán tiếp tục tăng điểm sẽ cần nhiều sự hỗ trợ hơn đến từ sự phục hồi thực sự của nền kinh tế và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, tại cuộc họp chính sách gần nhất, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu nâng lãi suất 2 lần trong năm 2023 dù rằng, trước đó họ dự báo giữ nguyên lãi suất tới ít nhất là hết năm 2023. Bên cạnh việc nâng lãi suất, Chủ tịch Fed Jerome Powell tiết lộ đã đề cập tới chuyện bàn về việc giảm bớt quy mô mua trái phiếu.

Việc áp lực lạm phát ngày càng lớn là nguyên nhân các quốc gia bắt đầu có động thái nâng lãi suất sau giai đoạn nới lỏng tiền tệ chưa từng có trong năm 2020. Tại Mỹ, chỉ số CPI tăng 5% trong tháng 5/2021, tăng mạnh nhất kể từ năm 2008. Brazil đối mặt với mức lạm phát 8%, trong khi Nga dự báo lạm phát ở mức 6% trong tháng 6/2021.

Nỗi lo tiền rẻ sẽ không còn nhiều nữa
Tại Việt Nam, VNDirect dự báo lãi suất tiền gửi sẽ tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2021

Giữa tháng 6, cả NHTW Brazil và Nga đều thực hiện đợt nâng lãi suất thứ 3 trong năm 2021, lên mức tương ứng là 4,25% và 5,5%. Đồng thời, cả hai nước này cũng phát đi tín hiệu tiếp tục nâng lãi suất mạnh trong những tháng tới. Tính cho tới nay, đã 15 quốc gia tiến hành nâng lãi suất trong năm 2021. Danh sách các quốc gia nâng lãi suất bao gồm Mozambique, Zimbabwe, Thổ Nhĩ kỳ, Ukraine, Georgia, Brazil và Nga.

Các NHTW khác dù chưa đưa ra những động thái giảm lãi suất, nhưng lại phát tín hiệu rút lại dần các biện pháp hỗ trợ trong thời dịch bệnh như Ukraine, Hàn Quốc, Canada. Báo cáo của BVSC cho biết, NHTW Na Uy phát tín hiệu sẽ nâng lãi suất 2 đợt vào tháng 9/2021 và tháng 12/2021. Trước đó, tại cuộc họp tháng 4/2021, họ báo hiệu sẽ nâng lãi suất vào nửa sau năm 2021.

“Câu chuyện tiền rẻ đã là động lực tăng trưởng cho TTCK của thế giới trong hơn 1 năm trở lại đây khi tăng trưởng kinh tế và kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp không tăng trưởng tương xứng. Nếu câu chuyện tiền rẻ không còn nhiều nữa, để các chỉ số chứng khoán tiếp tục tăng điểm sẽ cần nhiều sự hỗ trợ hơn đến từ sự phục hồi thực sự của nền kinh tế và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp”, chuyên gia BVSC dự cảm.

Ở góc nhìn tương tự, Công ty Chứng khoán VNDirect đánh giá, Cục Dự trữ liên bang Mỹ có quan điểm thận trọng hơn trong cuộc họp Ủy ban thị trường mở (FOMC) trung tuần tháng 6 và bắt đầu chú ý hơn đến những lo ngại về lạm phát tăng cao. Fed có khả năng tăng 2 lần lãi suất điều hành trong năm 2023. “Việc Fed chuẩn bị cho các phương án thắt chặt chính sách tiền tệ làm dấy lên lo ngại về việc dòng vốn đầu tư quốc tế rút khỏi các thị trường mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam”, VNDirect đánh giá.

Tại Việt Nam, VNDirect dự báo lãi suất tiền gửi của Việt Nam dự kiến sẽ tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2021 trong bối cảnh áp lực lạm phát cao hơn, qua đó giảm bớt sức hấp dẫn của kênh đầu tư chứng khoán so với kênh tiền gửi tiết kiệm.

Cùng với đó, một rủi ro khác nhà đầu tư cần lường sớm, đó là nguồn cung cổ phiếu tăng lên do doanh nghiệp niêm yết đẩy mạnh kế hoạch tăng vốn. Trong nửa đầu năm 2021, đã có hàng loạt công ty niêm yết lên kế hoạch tăng vốn chủ sở hữu trong năm 2021. Tổng mệnh giá cổ phiếu đã hoàn thành tăng vốn và đang trong kế hoạch lên tới 25.617 tỷ đồng, gấp 3 lần so với mức thực hiện trong cả năm 2020. Với mức thanh khoản thị trường bình quân hiện nay vào khoảng 1 tỷ USD/phiên, Công ty này cho rằng nguồn cung cổ phiếu này chưa gây sức ép lớn lên thị trường như trong giai đoạn 2014-2019, tuy nhiên rủi ro này vẫn cần phải được theo sát sao.

Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MBS chia sẻ, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tính đến thời điểm 6 tháng đầu năm đạt 5,47% so với cuối năm 2020, cao hơn nhiều so với mức 2,45% cùng kỳ năm trước. Dù tăng trưởng huy động vốn chỉ đạt 3,13%, thấp hơn tăng trưởng tín dụng nhưng thanh khoản hệ thống ngân hàng còn khá dồi dào, thể hiện bởi mức giảm của lãi suất liên ngân hàng trong cuối tháng 6. Diễn biến của lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm dần cuối tháng 6, sau khi lượng thanh khoản lớn đổ vào hệ thống bởi NHNN từ việc mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng được giao. Tuy nhiên, MBS dự báo, lãi suất liên ngân hàng khó quay trở về mức 0,1% như trước mà sẽ chỉ xoay quanh mốc hiện tại.

Nỗi lo tiền rẻ sẽ không còn nhiều nữa
Nguồn: BVSC

Liên quan đến TTCK châu Á, một số thị trường đạt định giá tính theo chỉ số P/E (giá trên thu nhập mỗi cổ phần) ở mức 30 - 40 lần (như tại Thái Lan, Philippines) vào quý I/2021 và đang theo xu hướng điều chỉnh lại. Tại Việt Nam, định giá VN-Index theo P/E đã có thời điểm trên 19 lần, còn HNX-Index lên tới trên 20 lần. Chứng khoán Việt Nam giao dịch sôi động và chỉ số chính VN-Index tăng khoảng 27% trong 6 tháng đầu năm 2021 trong khi nền kinh tế đang phải đối mặt với thách thức rất lớn từ đại dịch lan rộng, khiến nhà quản lý đã nêu tín hiệu cần thận trọng.

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới đây cho biết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ giám sát chặt hoạt động của các công ty chứng khoán, nhất là hoạt động margin (cho nhà đầu tư vay tiền mua cổ phiếu), đồng thời yêu cầu nhà đầu tư tìm hiểu kỹ doanh nghiệp, hiện trạng thị trường để giữ an toàn tài chính trong bối cảnh thị trường đã tăng mạnh trong hơn 1 năm qua./.

Hồng Lĩnh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư