e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Tài chính - Ngân hàng/Chứng khoán

Xây quy chuẩn mới, mở rộng xử phạt vi phạm chứng khoán từ năm 2022

15:01 | 09/07/2021 Print
Dự kiến từ năm 2022, nhà quản lý sẽ áp dụng hình thức đình chỉ giao dịch chứng khoán và công khai các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên TTCK Việt Nam.


Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa công khai dự thảo tờ trình Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK. Dự thảo có nhiều nội dung mới, nhằm tăng khả năng bao quát trong xử phạt vi phạm pháp luật trên TTCK, đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa vi phạm.

Thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, cơ quan này ban hành 170 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên TTCK, với tổng số tiền xử phạt khoảng 6,4 tỷ đồng. Công tác giám sát, thanh tra sẽ làm mạnh trong thời gian tới, đặc biệt là từ năm 2022, khi Chính phủ có Nghị định mới, mở rộng phạm vi xử phạt trên TTCK Việt Nam.

Theo tờ trình của Bộ trưởng Bộ Tài chính, dự thảo Nghị định mới, sửa đổi, bổ sung Nghị định 156/2020/NĐ-CP sẽ bổ sung nguyên tắc xử phạt trong trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần, nguyên tắc áp dụng mức phạt tiền trong trường hợp có tình tiết tăng nặng/giảm nhẹ, nguyên tắc xác định thời hạn trong đình chỉ hoạt động/tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ khi có tình tiết tăng nặng/giảm nhẹ; sửa đổi bổ sung hướng dẫn về xác định hành vi vi phạm hoàn thành.

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung hành vi trong hoạt động chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ để mô tả phù hợp hơn với quy định tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP và Nghị định 153/2020/NĐ-CP về hoạt động chào bán, phát hành riêng lẻ như: hành vi công bố báo cáo sử dụng vốn, sử dụng tài khoản phong tỏa, xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán riêng lẻ, thay đổi mục đích/phương án sử dụng vốn, lựa chọn nhà đầu tư, thay đổi điều khoản trái phiếu...

Dự thảo bổ sung hành vi không báo cáo về thay đổi phương án sử dụng vốn tại Đại hội đồng cổ đông gần nhất trong chào bán ra công chúng; bổ sung hành vi về tài khoản phong tỏa trong phát hành thêm chứng khoán; bổ sung hành vi về thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty đại chúng; bổ sung 01 điều về việc công khai việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và 1 điều hướng dẫn về áp dụng hình thức đình chỉ giao dịch chứng khoán.

Xây quy chuẩn mới, mở rộng xử phạt vi phạm chứng khoán từ năm 2022
Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có 3,4 triệu tài khoản được mở

Cùng với đó, dự thảo quy định mức phạt với Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con, khi vi phạm quy định về quản lý niêm yết, quản lý thành viên, quy định về giao dịch và giám sát của các chủ thể này.

Liên quan đến việc công khai việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, dự thảo Nghị định mới quy định: “Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán bị áp dụng mức phạt tiền trong khung phạt có mức phạt tối đa từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức, hoặc bị áp dụng hình thức xử phạt chính là tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán, chứng chỉ hành nghề chứng khoán có thời hạn hoặc đình chỉ giao dịch chứng khoán có thời hạn hoặc bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt bổ sung hoặc biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định sẽ bị công bố công khai thông tin về vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán”. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính theo quy định, quyết định xử phạt phải được công bố trên trang thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Liên quan đến áp dụng hình thức đình chỉ giao dịch chứng khoán, dự thảo Nghị định mới quy định, người có thẩm quyền có quyền ra quyết định đình chỉ có thời hạn hoạt động giao dịch chứng khoán của tổ chức, cá nhân đối với mã chứng khoán mà tổ chức cá nhân đó không thực hiện báo cáo về việc dự kiến giao dịch. Khi áp dụng hình thức đình chỉ giao dịch chứng khoán, người có thẩm quyền có quyền ra quyết định đình chỉ có thời hạn đối với toàn bộ hoạt động giao dịch chứng khoán trên thị trường giao dịch chứng khoán của tổ chức, cá nhân vi phạm. Quyết định áp dụng hình thức đình chỉ giao dịch chứng khoán phải được đồng thời gửi cho Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và các công ty chứng khoán.

Theo tờ trình của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP dự kiến có hiệu lực từ ngày 01//1/2022, để có hiệu lực thi hành cùng với Luật sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Tường Vi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư