e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Tài chính - Ngân hàng/Chứng khoán

Không tạm ngừng giao dịch trong trường hợp cần thiết, Sở GDCK có thể bị xử phạt

15:57 | 09/07/2021 Print
Điểm mới đáng chú ý tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP là quy định cụ thể về vi phạm và xử phạt vi phạm với Sở GDCK Việt Nam và các công ty con.

Theo đó, đối với vi phạm quy định về quản lý niêm yết, đăng ký giao dịch: Mức phạt dự kiến từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, công ty con của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam không xử lý những trường hợp tổ chức niêm yết không duy trì đầy đủ điều kiện niêm yết theo quy định. Phạt tiền 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, công ty con của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam chấp thuận, thay đổi hoặc hủy bỏ niêm yết, đăng ký giao dịch không đúng quy định.

Không tạm ngừng giao dịch trong trường hợp cần thiết, Sở GDCK có thể bị phạt nặng
Sở GDCK Việt Nam và các công ty con cũng phải chịu phạt nếu vi phạm quy định về quản lý niêm yết, quản lý thành viên, giám sát...

Đối với vi phạm quy định về quản lý thành viên: Mức phạt dự kiến từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, công ty con của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam không xử lý những trường hợp thành viên không duy trì đầy đủ điều kiện về thành viên hoặc không tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ của thành viên theo quy định pháp luật, quy chế của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam. Phạt tiền 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam thực hiện một trong các hành vi vi phạm như chấp thuận đăng ký thành viên khi chưa đáp ứng đủ điều kiện; đình chỉ hoặc hủy bỏ tư cách thành viên khi không thuộc trường hợp bị đình chỉ, hủy bỏ tư cách thành viên”

Về vi phạm quy định về giao dịch và giám sát, dự thảo Nghị định quy định phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, công ty con của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam thực hiện một trong các hành vi vi phạm: a) Tổ chức giao dịch loại chứng khoán mới, thay đổi và áp dụng phương thức giao dịch mới, đưa vào vận hành hệ thống giao dịch mới khi chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận; b) Không xử lý các hành vi vi phạm quy chế giao dịch hoặc không chấp hành đúng quy trình giám sát các hoạt động giao dịch theo quy định để xảy ra vi phạm; c) Không thực hiện cảnh báo, kiểm soát, hạn chế giao dịch chứng khoán theo quy định của pháp luật và quy chế của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Mức phạt tăng lên, từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, công ty con của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam không tạm ngừng, đình chỉ giao dịch chứng khoán theo quy định pháp luật hoặc quy chế giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam trong trường hợp cần thiết để bảo vệ nhà đầu tư.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2020/NĐ-CP. Dự thảo dự kiến trình Chính phủ trong năm 2021 và có hiệu lực thi hành kể từ đầu năm 2022.

Liên quan đến tạm ngừng giao dịch trong trường hợp cần thiết để bảo vệ nhà đầu tư, ngày 1/6/2021, Tổng Giám đốc Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HOSE) Lê Hải Trà đã phải lần đầu tiên ra thông báo áp dụng giải pháp này vào chiều cùng ngày khi hệ thống có dấu hiệu báo động (giá trị giao dịch trên HOSE đã vượt mức 21,7 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay). Giao dịch trên sàn HOSE trở lại bình thường vào ngày 2/6/2021. Đến ngày 5/7/2021, sàn HOSE chính thức vận hành trên nền tảng công nghệ mới, do FPT IS xây dựng, có năng lực hệ thống trên 3 triệu lệnh, nên không còn khả năng xảy ra tình trạng nghẽn như trước đây.

Không tạm ngừng giao dịch trong trường hợp cần thiết, Sở GDCK có thể bị phạt nặng
Sở GDCK Việt Nam đang gấp rút chuẩn bị cho ngày chính thức đi vào hoạt động (Ảnh: Bộ Tài chính trao quyết định bổ nhiệm 2 nhân sự chủ chốt Sở GDCK Việt Nam, tháng 3/2021)

Liên quan đến Sở GDCK Việt Nam, ngày 25/3/2021, Bộ Tài chính đã tổ chức Lễ công bố quyết định nhân sự lãnh đạo Sở GDCK Việt Nam. Theo đó, ông Nguyễn Thành Long, nguyên Chủ tịch HĐQT Sở GDCK Hà Nội được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Sở GDCK Việt Nam; ông Phạm Văn Hoàng, nguyên Phó chủ tịch UBCK làm thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Sở GDCK Việt Nam. Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, nắm giữ 100% vốn điều lệ của 2 công ty con là Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM.

Được biết, Sở GDCK Việt Nam đang gấp rút chuẩn bị cho ngày chính thức đi vào hoạt động, dự kiến trong nửa cuối năm 2021./.

Hồng Lĩnh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư