e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Quốc tế

Giới khoa học lý giải nguyên nhân gây ra nắng nóng kỷ lục tại Mỹ và Canada

10:05 | 10/07/2021 Print
Các nhà khoa học kết luận rằng, đợt nắng nóng kinh hoàng đã tấn công các khu vực của Canada và Hoa Kỳ vào cuối tháng 6 đầu tháng 7/2021 sẽ rất khó xảy ra, nếu không có hiện tượng trái đất nóng lên.

Tạp chí The Nature vừa có bài viết cho biết, một phân tích nhanh của các nhà khoa học chỉ ra rằng, nhiệt độ ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương lên gần 50 độ C đã tăng ít nhất 150 lần kể từ cuối thế kỷ 19.

Ông Sjoukje Philip, nhà khoa học khí hậu tại Viện Khí tượng Hoàng gia Hà Lan (KNMI) ở De Bilt và là đồng tác giả của phân tích trên cho biết: “Đợt nắng nóng này hầu như không thể xảy ra nếu không có ảnh hưởng của biến đổi khí hậu do con người gây ra”. Hiện tượng đang xảy ra là một sự kiện hiếm gặp, nhưng nếu sự nóng lên toàn cầu có thể vượt quá hai độ, nó có thể xảy ra sau mỗi 5 đến 10 năm trong tương lai.

Đợt nắng nóng kỷ lục kéo dài từ ngày 25 tháng 6 đến ngày 1 tháng 7 vừa qua đã ảnh hưởng đến các thành phố lớn, hiếm khi chịu nắng nóng khắc nghiệt, như Portland, Oregon; Seattle, Washington và Vancouver (Canada). Hơn 500 ca tử vong và 180 vụ cháy rừng đã được ghi nhận ở tỉnh British Columbia, miền Tây Canada. Nhiệt độ cao nhất của khu vực là 49,6 độ C, được ghi nhận vào ngày 29 tháng 6 tại làng Lytton, là nhiệt độ cao nhất từng được báo cáo ở Canada. Cư dân của Lyon đã được sơ tán trước khi một ngọn lửa kinh hoàng gần như phá hủy hoàn toàn ngôi làng.

Nhóm gồm 27 nhà khoa học thuộc dự án World Weather Attribution (WWA) đã gấp rút phân tích về sự nóng lên toàn cầu và khả năng xảy ra một đợt nắng nóng dữ dội tiếp theo.

Giới khoa học lý giải nguyên nhân gây ra nắng nóng kỷ lục tại Mỹ và Canada
Đợt nắng nóng kỷ lục kéo dài từ ngày 25 tháng 6 đến ngày 1 tháng 7 đã ảnh hưởng đến các thành phố lớn, hiếm khi chịu nắng nóng khắc nghiệt tại Mỹ và Canada

Phân tích của họ cho thấy, có sự liên quan rõ ràng của biến đổi khí hậu do con người gây ra đến phản ứng của thời tiết. Nhóm nghiên cứu đã so sánh mức nhiệt quan sát được với nhiệt độ tối đa hàng ngày được dự đoán bởi các mô hình khí hậu, bao gồm cả mô phỏng nhiệt độ trong bầu khí quyển không bị thay đổi do ảnh hưởng của nồng độ khí nhà kính tăng lên. Họ kết luận rằng, sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu 1,2 độ C kể từ thời tiền công nghiệp, khiến đợt nắng nóng khắc nghiệt có khả năng xảy ra cao hơn ít nhất 150 lần.

Hoàn lưu khí quyển bất thường

Đồng tác giả, ông Geert Jan van Oldenborgh, một nhà điều chế khí hậu tại KNMI cho biết, nhiệt độ cao nhất quan sát được cao hơn tới 5 độ C so với các kỷ lục trước đó. Mức độ nghiêm trọng của đợt nắng nóng một phần có thể là do ảnh hưởng của hạn hán trước đó và các điều kiện hoàn lưu khí quyển bất thường.

Friederike Otto, nhà nghiên cứu khí hậu tại Đại học Oxford, Anh, cho biết, những đợt nắng nóng kỷ lục có thể xảy ra nhiều hơn so với dự đoán của các mô hình khí hậu hiện có.

Nhà nghiên cứu này cho rằng, đây là một cảnh báo mạnh mẽ việc chúng ta phải nghiên cứu về sóng nhiệt nhiều hơn. Biến đổi khí hậu là yếu tố thay đổi cuộc chơi tuyệt đối đối với các sự kiện cực đoan - và các mô hình có thể không phải là một chỉ báo tốt về những gì có thể xảy ra trong một thế giới đang nóng lên.

Giới khoa học lý giải nguyên nhân gây ra nắng nóng kỷ lục tại Mỹ và Canada
Sóng nhiệt đang đứng TOP đầu bảng xếp hạng tử vong do thảm họa toàn cầu

James Hanson, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Columbia ở New York cho biết, hiện tượng nóng lên toàn cầu có nghĩa là sự bất thường về nhiệt tự nhiên tăng lên bởi một yếu tố lớn. So với những gì là 'bình thường' trong thế kỷ 20, đường cong hình chuông cho các dị thường khí hậu không chỉ bị dịch chuyển sang nhiệt độ cao hơn, nó trở nên bất đối xứng với một cái đuôi dài ở phía nóng.

Sóng nhiệt đang đứng TOP đầu bảng xếp hạng tử vong do thảm họa toàn cầu, mặc dù các thống kê vẫn còn có thể bỏ sót nhiều trường hợp. Trước đó, vào tháng 6/2021, Liên hợp quốc từng đưa ra dự báo trong tương lai sóng nhiệt gây chết người không kém Covid-19. Cái nóng thiêu đốt phủ khắp bề mặt Trái Đất, có thể sẽ khiến hàng triệu người và động vật thiệt mạng. Bóng râm không có tác dụng, trong khi những vùng nước nông có nhiệt độ cao hơn cả thân nhiệt con người.

Dự báo của Liên hợp quốc là về tương lai, nhưng mối đe dọa từ các sóng nhiệt lan rộng có thể trở thành hiện thực trong tương lai gần nếu không được kiểm soát.

1,7 tỷ người phải chịu ảnh hưởng nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 2 độ C

Theo Liên hợp quốc, nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, khoảng 14% dân số toàn cầu sẽ phải đối mặt với các đợt sóng nhiệt nghiêm trọng theo chu kỳ 5 năm và mức độ dữ dội cao hơn nhiều so với hiện nay. Thêm 1,7 tỷ người sẽ chịu ảnh hưởng nếu mức tăng chạm ngưỡng 2 độ C.

Không chỉ mức tăng nhiệt độ gây hại, các sóng nhiệt sẽ càng nguy hiểm khi kết hợp với độ ẩm cao. Nói cách khác, nền nhiệt cao và độ ẩm thấp sẽ dễ sinh tồn hơn mức nhiệt thấp hơn nhưng đi kèm độ ẩm cao. Điều kiện nhiệt độ và độ ẩm cao này được gọi là nhiệt độ cầu ướt.

Giới chuyên gia cho rằng người trưởng thành khỏe mạnh không thể sinh tồn nếu nhiệt độ cầu ướt vượt mức 35 độ C, ngay cả khi luôn ở trong bóng mát và có nguồn tiếp nước không giới hạn.

Giới chuyên gia cho rằng, có thể tránh được ảnh hưởng tồi tệ nhất nếu đà tăng nhiệt độ được giới hạn càng gần mức 1,5 độ C trong Thỏa thuận Paris. Tuy nhiên, ảnh hưởng của nóng lên toàn cầu đã được cảm nhận ở nhiều khu vực.

Thực tế này dấy lên lo ngại, các thế hệ tương lai sẽ phải đối mặt với nhiều ngày có nền nhiệt cực đoan hơn, trong đó việc lao động chân tay ngoài trời sẽ trở nên vô cùng cực nhọc.

Hồng Lĩnh (lược dẫn từ báo chí nước ngoài)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư