e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Đổi mới sáng tạo

Quỹ 2.000 tỷ đồng, hỗ trợ đổi mới công nghệ sắp đi vào hoạt động

23:08 | 11/07/2021 Print
Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý các hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia vừa được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố, lấy ý kiến nhân dân trước khi chính thức ban hành.

Quỹ được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, với Điều lệ hoạt động quy định tại Quyết định số 04/2021/QĐ-TTg ngày 20/1/2021. Theo đó, Quỹ có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, có nhiệm vụ hỗ trợ tài chính; thực hiện các chương trình, nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ giao; hợp tác hỗ trợ đổi mới công nghệ; tiếp nhận tài trợ, viện trợ hợp pháp, đóng góp tự nguyện; chế độ thông tin.

Theo dự thảo thông tư về hoạt động của Quỹ, hỗ trợ tài chính của Quỹ sẽ được thực hiện trên nguyên tắc đúng mục đích, đối tượng và điều kiện theo quy định tại Quyết định 04/2021/QĐ-TTg, đem lại hiệu quả và tác động rõ rệt cho đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, có tác dụng lan tỏa cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác.

Quỹ hỗ trợ tài chính cho các nhiệm vụ, dự án nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ bảo đảm công khai, minh bạch và bình đẳng; Quỹ phải bảo đảm an toàn vốn điều lệ đối với hoạt động cho vay ưu đãi và bảo lãnh để vay vốn.

Quỹ 2.000 tỷ đồng, hỗ trợ đổi mới công nghệ sắp đi vào hoạt động
Quỹ có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, có nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ

Kinh phí thực hiện các chương trình hợp tác được bảo đảm từ các nguồn: Kinh phí từ kết quả hoạt động của Quỹ; kinh phí hình thành từ các nguồn tài trợ, viện trợ hợp pháp, đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, trong nước và nước ngoài dành cho Quỹ và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Một nghiên cứu mới đây của TS. Chử Đức Hoàng, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia cho biết, Việt Nam đang có khoảng 100 văn bản quy phạm pháp luật về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ thông qua 6 luật, 12 nghị định, khoảng 30 quyết định và hơn 40 thông tư về “Khởi nghiệp”, “Đổi mới sáng tạo” và “Đổi mới công nghệ”. Đây là một thách thức cho các doanh nghiệp tiếp cận, hiểu và áp dụng các chính sách, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ cho hoạt động sáng tạo, đổi mới của mình.

Việt Nam đang có khoảng 100 văn bản quy phạm pháp luật về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ thông qua 6 luật, 12 nghị định, khoảng 30 quyết định và hơn 40 thông tư về “Khởi nghiệp”, “Đổi mới sáng tạo” và “Đổi mới công nghệ”. Đây là một thách thức cho các doanh nghiệp.

- TS. Chử Đức Hoàng

Trong khi đó, hoạt động đầu tư cho sáng tạo và đổi mới công nghệ còn nhiều bỡ ngỡ, khó khăn. Một cuộc khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, 39,4% doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo thông qua “Đầu tư vào công nghệ mới được gắn liền với hàng hóa, máy móc, thiết bị”; 39,3% thông qua “Nâng cấp/chỉnh sửa công nghệ, thiết bị hiện tại” và rất ít có nghiên cứu phát triển. Khoảng 80% doanh nghiệp cho biết họ không có hợp tác với đơn vị/tổ chức khác để thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo. Việc doanh nghiệp thiếu thông tin về các hình thức hỗ trợ của Nhà nước là một trong những rào cản chính khiến các doanh nghiệp không tận dụng được các hình thức hỗ trợ của Nhà nước. Các yếu tố khác như tài chính, sở hữu trí tuệ, thông tin, cơ sở hạ tầng… chưa phát huy được hiệu quả cao nhất trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở Việt Nam hiện nay.

Cũng theo TS. Chử Đức Hoàng, liên kết các thành phần trong hệ sinh thái sáng tạo, đổi mới công nghệ còn chưa tương xứng với khả năng thực tế. Các trường đại học, viện nghiên cứu thường chỉ trang bị những kiến thức, kỹ năng và những trải nghiệm cần thiết cho sinh viên trước khi tham gia vào các dự án sáng tạo, đổi mới công nghệ ở trường viện hoặc một số ít doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn nhân lực trẻ, nguồn dữ liệu, học liệu và hệ thống các bài giảng, khóa học. Liên kết giữa các tổ chức tín dụng, tổ chức tư vấn và dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp với các thành phần trong hệ sinh thái sáng tạo, đổi mới công nghệ còn lỏng lẻo và chưa đáp ứng được nhu cầu, tiềm năng của các bên…

Khi Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia có đầy đủ khung pháp lý để chính thức hoạt động, kỳ vọng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp nhiều mảng việc. Chẳng hạn, tư vấn, giúp các doanh nghiệp chủ động sáng tạo, đổi mới công nghệ; hỗ trợ vốn và hỗ trợ lãi suất vay từ nguồn kinh phí bổ sung từ kết quả hoạt động của Quỹ, các nguồn tài trợ, viện trợ hợp pháp, đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; thực hiện hoạt động cho vay ưu đãi trực tiếp và cho vay ưu đãi gián tiếp, hoạt động bảo lãnh và các hoạt động khác, thúc đẩy đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp và trong nền kinh tế.

Hồng Lĩnh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư