e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Dự báo kinh tế

Phát triển kinh tế xã hội 2021-2025, đặt mục tiêu GDP tăng 6,5 - 7%/năm

15:03 | 12/07/2021 Print
Với mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, kế hoạch tăng trưởng GDP trong 5 năm tới dự kiến là 6,5-7%.

Từ ngày 12/7-14/7/2021, Phiên họp thứ 58 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Các nội dung chính được bàn thảo trong phiên họp là Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025, kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Cùng với đó, Phiên họp cũng xem xét dự thảo Nghị quyết về xử lý tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi thanh toán khoản tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn; chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025.

Phát triển kinh tế xã hội 2021-2025, đặt mục tiêu GDP tăng 6,5 - 7%/năm
Kế hoạch 5 năm đặt mục tiêu GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700 - 5.000 USD

Liên quan đến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2025 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, dự thảo Kế hoạch đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%. Theo đó, GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700 - 5.000 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm. Tỷ lệ đô thị hoá khoảng 45%. Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 bình quân 3,7% GDP.

Bản Kế hoạch 5 năm cũng đặt mục tiêu tuổi thọ trung bình tại Việt Nam khoảng 74,5 tuổi, trong đó thời gian sống khoẻ mạnh đạt tối thiểu 67 năm. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%. Có 10 bác sĩ và 30 giường bệnh/1 vạn dân. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số....

Đánh giá về các mục tiêu dự kiến trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025, đồng thời, đề nghị quan tâm một số nội dung, trong đó có việc cần hoàn thành và thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025; xử lý dứt điểm cơ cấu lại các ngân hàng mua bắt buộc, ngân hàng yếu kém được kiểm soát đặt biệt; thực hiện có hiệu quả kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước; và tập trung xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, nhất là các dự án thuộc ngành công thương, các dự án đầu tư hạ tầng thuộc ngành giao thông, đường sắt đô thị ở hai thành phố là Hà Nội và Hồ Chí Minh.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số. Xây dựng nền kinh tế tự chủ, nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Xây dựng khung chính sách, pháp luật đối với xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số; đưa vào khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quan trọng và nền tảng kết nối, chia sẻ quốc gia; xây dựng, thử nghiệm, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ cao trong Cách mạng công nghiệp 4.0, thương mại điện tử, kinh tế số. Hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng và xử lý nợ xấu; các tổ chức tín dụng trong nước đóng vai trò chủ lực, hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 04 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào cuối nhiệm kỳ. Thúc đẩy phát triển “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh”, tăng tỉ trọng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít các-bon.

Cùng với đó, cần tập trung nguồn lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống dịch bệnh, đẩy nhanh thực hiện chiến lược vắc-xin, bao gồm mua vắc-xin, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vắc-xin trong nước và nâng cao năng lực tổ chức tiêm phòng hiệu quả, sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dân số gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc. Thiết lập hệ thống sổ sức khỏe điện tử đến từng người dân…/.

HL

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư