TTCK Việt Nam có còn hấp dẫn?

17:58 | 12/07/2021 Print
Giá cổ phiếu Việt Nam tiếp tục hứng chịu đà giảm giá mạnh khi đại dịch Covid-19 có dấu hiệu lan rộng. Thị trường một lần nữa đứng trước thách thức mang tên Covid-19, đặt ra câu hỏi: Liệu chứng khoán có còn hấp dẫn nữa không?

Tháng 3/2020, khi đại dịch Covid 19 bùng phát tại Việt Nam, cổ phiếu đồng loạt giảm mạnh. Thời điểm này, những nhà đầu tư mua vào có lãi lớn sau đó. 12 tháng qua, chỉ số chứng khoán sàn HOSE tăng 56,61%, còn nếu từ đầu năm 2020 đến nay, mức lãi từ đầu tư tính trên VN-Index đạt trên 22,4%. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch lan rộng, riêng trong phiên ngày 12/7/2021, chỉ số chứng khoán Việt Nam đã mất trên 50 điểm (giảm 3,77%), về mức 1.296 điểm, với việc tâm lý lo lắng bao trùm toàn thị trường.

Để đánh giá mức độ hấp dẫn của các TTCK

TTCK Việt Nam có còn hấp dẫn?
TS. Trần Xuân Nam (Oxford DBA)

Nhiều nghiên cứu cho thấy, các nhà đầu tư thành công nhất thế giới và Việt Nam đều là những nhà đầu tư dài hạn. Chúng ta cần đánh giá thị trường theo góc nhìn dài hạn, để bình thản trước các biến động của thị trường.

Để đánh giá mức độ hấp dẫn của các TTCK, người ta so sánh theo chỉ số P/E (Giá trên lãi mỗi cổ phiếu). P/E của VN-Index cuối ngày 9/7/2021 là 18,46 lần so với các nước khác như Indonesia 31,25 lần; Thái lan 28,92; Philippines 29,22 lần; Singapore 25,36 lần; Hàn Quốc 20,63 lần; S&P 500 của Mỹ 30,48 lần…. Theo các chỉ tiêu trên, cổ phiếu Việt Nam vẫn có sức hấp dẫn, thậm chí có sức hấp dẫn nhất so với các nước so sánh. Các công ty niêm yết có lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) ước 22-30% trong năm 2021, do đó P/E forward năm 2021 dự kiến chỉ còn khoảng 15 lần.

Trong khi đó, GDP đầu người của Việt Nam năm 2020 ở mức 3.521 USD/người và dòng tiền từ tầng lớp giàu có, trung lưu vẫn tiếp tục muốn chọn kênh đầu tư chứng khoán, khi lãi suất tiết kiệm liên tục ở mức thấp. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới bùng nổ trong hơn 1 năm qua, tháng sau xô đổ kỷ lục của tháng trước. Tháng 6/2021 có 140.054 tài khoản chứng khoán mở mới, đưa tổng số tài khoản chứng khoán lên 3,39 triệu, bằng 3,5% dân số Việt Nam. Với Việt Nam, đây là sự tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ, nhưng tỷ lệ người dân có tài khoản chứng khoán tại Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với các nước khác như Malaysia (18%), Thái Lan (25%). Điều đặc biệt đáng lưu ý từ nghiên cứu của tác giả cho thấy, các nhà đầu tư thành công nhất thế giới và Việt Nam đều là những nhà đầu tư dài hạn. Chúng ta cần đánh giá thị trường theo góc nhìn dài hạn, để bình thản trước các biến động của thị trường.

Cách chọn cổ phiếu nhìn từ 10 mã tăng trưởng nhất Việt Nam trong 10 năm

Quyết định quan trọng nhất của nhà đầu tư khôn ngoan là chọn đúng các cổ phiếu mà chúng có khả năng tăng trưởng tốt nhất trong kỳ đầu tư. Tương lai luôn bắt đầu từ quá khứ. Khi đánh giá cổ phiếu, người ta dùng chỉ tiêu tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) giá cổ phiếu trong dài hạn. Từ dữ liệu thực tế của TTCK Việt Nam, tác giả vẽ biểu đồ giá 10 cổ phiếu niêm yết tăng trưởng tốt nhất trong 10 năm qua như Hình 1:

Hình 1: 10 cổ phiếu tăng trưởng nhất Việt Nam trong 10 năm qua

TTCK Việt Nam có còn hấp dẫn?
Chỉ tiêu tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) được dùng để đánh giá cổ phiếu trong dài hạn

Hình 1 cho thấy, cổ phiếu TV2 là cổ phiếu tăng trưởng nhất và vượt trội so với 9 mã tăng trưởng khác như VCS, HPG, PNJ... TV2 tăng 62,3 lần hay CAGR là 51,4%/năm. Nếu bạn đầu tư 10 triệu đồng vào mã TV2 từ 10 năm trước, giờ bạn đã có 623 triệu đồng. Trong khi đó, tỷ lệ lãi bình quân TTCK Việt Nam là 12%/năm, hay giá trị cuối kỳ bằng 2,1 lần. Nếu gửi tiết kiệm với lãi suất 6%/năm thì giá trị cuối kỳ là 1,8 lần như biểu đồ dưới.

TTCK Việt Nam có còn hấp dẫn?

Vậy điều gì làm nên sự tăng trưởng của TV2? Đó là câu hỏi nhà đầu tư nên mổ xẻ để hiểu về một cổ phiếu, một doanh nghiệp, trong quá trình tìm kiếm cơ hội trong kênh đầu tư chứng khoán.

Nhìn sâu vào hoạt động và hiệu quả của doanh nghiệp

TV2 là cổ phiếu của CTCP Tư vấn xây dựng điện 2, hoạt động ở 4 lĩnh vực chính. Thứ nhất là tổng thầu EPC các dự án điện, bao gồm cả việc sản xuất cơ khí, các cấu kiện cho các dự án. Các dự án lớn đang và sẽ thực hiện gồm 1) DA điện gió Tân Thuận (Cà Mau) 75MW, tổng đầu tư 3.580 tỷ sẽ đưa vào vận hành trước 31/10/2021; 2) DA Thủy Điện Thác Bà 2 với 18,9MW, tổng đầu tư 707 tỷ đ, khởi công quý 2/2021, hoàn thành Q4/2023; 3) DA điện khí Long Sơn, Bà Rịa-Vũng Tàu với tổng tiền đầu tư 3,78 tỷ USD với TCS 3.600 MW, khởi công quý IV/2021 và hoàn thành 2025; và 4) Dự án điện sinh khối Hậu Giang 20MW với tổng tiền đầu tư 875 tỷ đ. Chưa kể các dự án lớn Nhiệt điện Dung Quất, Quảng trị 1…

Thứ hai là quản lý vận hành (QLVH) các nhà máy điện từ xa. TV2 là công ty duy nhất có Trung tâm vận hàng nhà máy điện từ xa. TV2 QLVH các nhà máy điện mặt trời, điện gió…cho các khách hàng từ xa, nên chi phí thấp tiết kiệm cho khách hàng. Chi phí khách hàng trả cho TV2 là 3,5-4% doanh thu phát điện. Tới cuối năm 2019, Công ty đã QLVH gần 500 MWp, nhưng đến cuối năm 2020, công suất QLVH đã tăng gấp 3 lần lên 1.500 MWp và hiện là 1.800MWp. Tăng trưởng mạnh ở mức khoảng 30%/năm. Mảng QLVH các nhà máy điện mang lại doanh thu năm 2021 cho TV2 khoảng 180 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước 47 tỷ đồng.

Thứ ba, hoạt động tư vấn khảo sát, thiết kế lập các dự án tiền khả thi, khả thi về điện. TV2 là nhà tư vấn điện số một Việt Nam với rất nhiều dự án lớn. Hàng năm doanh thu từ mảng này khoảng 150 tỷ đồng, với tỷ lệ lãi gộp lớn hơn 20%.

Thứ tư, hoạt động đầu tư. TV2 đã đầu tư 285 tỷ đồng vào một số dự án như Điện Mặt Trời Vĩnh Tân, Điện Mặt Trời Sơn Mỹ, Điện gió Tân Thuận, cùng với đó, đầu tư vào dự án mới như Thủy Điện Thác Bà 2 (318 tỷ đồng), dự án điện sinh khối ở Miền Tây… Cùng với đó, Công ty có dự án Văn phòng cho thuê tại 32 Ngô Thời Nhiệm, TV2 có thể thu hơn 100 tỷ đ/năm.

7 năm gần nhất kể từ khi TV2 thay đổi chiến lược từ thuần túy tư vấn sang làm cả EPC, sản xuất, quản lý vận hành và đầu tư, chỉ số EPS gốc của TV2 rất cao và nhiều năm là quán quân trên TTCK Việt Nam, như năm 2015 là 17.405; 2016 là 19.626; 2017 là 36.574; 2018 là 18.282 và 2019 là 10.626 đồng/CP. Tuy nhiên do TV2 chia cổ tức bằng cổ phiếu liên tục trong nhiều năm, nên EPS ở bảng dưới là đã điều chỉnh cho số cổ phiếu tăng do chia cổ tức bằng cổ phiếu, CAGR của EPS 7 năm là 44,7%/năm.

Hiệu quả kinh doanh của TV2 (đơn vị tính: tỷ đồng)

2013

2014

2015

2016

2017

2018

2019

2020

CAGR/ năm

Doanh thu thuần

393

471

708

1,647

1,838

1,840

3,322

3,346

35.8%

Lãi thuần sau thuế

19.3

49.4

95.9

99.4

214.5

225.1

255.1

262.2

45.2%

EPS điều chỉnh (Đ/CP)

493

1,262

2,447

2,475

5,347

5,611

6,360

6,552

44.7%

Tổng các khoản dự phòng phải trả đến hết quý I/2021 là 223 tỷ đồng. TV2 đã trích lập dự phòng theo quy định cho phép tối đa của thuế là 5% trên giá trị công trình. Công ty chưa phải sử dụng đến khoản dự phòng này. Thực chất 223 tỷ này là lãi để dành, nó sẽ được hoàn nhập vào lãi.

Cuối quý I/2021, TV2 có tiền là 999 tỷ đồng và chỉ vay có 146 tỷ đồng. Tỷ suất thanh toán là 1,5 lần. Vốn chủ sở hữu của Công ty là 1.196 tỷ đồng. Giá trị sổ sách là 33.207 đồng/cổ phiếu.

Sang quý II/2021, Công ty tiếp tục lãi gấp 2,4 lần cùng kỳ. Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm của Công ty khoảng 1.740 tỷ đồng, cao hơn 70% so với cùng kỳ năm trước. Uớc tính lãi quý II/2021 là 95,5 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước. TV2 luôn rất thận trọng với các ước tính. Hết quý III/2021, TV2 sẽ hoàn thành giai đoạn 2 của dự án Điện gió Tân Thuận để hưởng giá FIT 9,35 cent/kWh. Giá trị đầu tư giai đoạn 2 là 2.322 tỷ đồng, cao gấp 2 lần doanh thu quý III/2020. Do vậy doanh thu, lợi nhuận quý III của TV2 dự kiến sẽ tăng trưởng vượt trội.

Ước tính kết quả năm 2021 và 7 năm tiếp theo: Trong 5 năm gần nhất, doanh thu và lãi kế hoạch năm công bố của TV2 thấp hơn thực tế, tương ứng là 33% và 52%. Mặc dù TV2 luôn thận trọng trong kế hoạch, nhưng với nhu cầu đầu tư ngành điện trong 10 năm tới khoảng 14 tỷ USD/năm như dự thảo điện 8, với hàng loạt dự án lớn đang và sẽ triển khai nên trong báo cáo thường niên 2020, TV2 đã công bố kế hoạch doanh thu đến năm 2025 sẽ đạt 10.000 tỷ đồng. Nếu thực thi đúng kế hoạch, tăng trưởng kép CAGR doanh thu của Công ty sẽ ở mức 27%/năm trong 5 năm tới.

Dự tính doanh thu, lãi, EPS của 8 năm tới (đơn vị tính là tỷ đồng, trừ EPS là đồng/CP).

2021

2022

2023

2024

2025

2026

2027

2028

Doanh thu thuần

3,882

4,775

6,112

7,823

10,013

12,617

15,645

19,086

Lãi sau thuế, q. khen thưởng

319

392

502

643

822

1,036

1,285

1,568

EPS (Đ/CP) với 36 triệu CP

8,853

10,890

13,939

17,842

22,837

28,775

35,681

43,531

TV2 là cổ phiếu có tăng trưởng EPS tốt nhất TTCK Việt Nam, khi đạt mức tăng 44,7%/năm trong 7 năm qua và dự kiến tăng 26,8%/năm trong 8 năm tới. Công ty có mức rủi ro thấp (tài chính lành mạnh, hệ số rủi ro Beta thấp), thanh khoản ở mức trung bình. Theo logic thì P/E của TV2 sẽ cao hơn bình quân thị trường. Nếu TV2 được định giá bằng P/E bình quân (18,64 lần) thì giá TV2 là 163.400 đồng/cổ phiếu. Thực tế, tại ngày 9/7/2021, thị trường đang định giá TV2 ở mức P/E trượt là 8,59 lần.

Định giá hấp dẫn, TV2 còn có 2 yếu tố mới, đó là việc Công ty sắp chia cổ tức 35% (trong đó 25% bằng cổ phiếu), với ngày giao dịch không hưởng quyền là 16/7/2021. Cùng với đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự kiến sẽ giảm tỷ lệ sở hữu TV2 xuống khoảng 30% trong thời gian tới. Khi EVN không nắm cổ phần chi phối tại Công ty, TV2 có thể sẽ có sự tăng trưởng mạnh hơn.

Tuy nhiên, đầu tư vào TV2 không phải không có rủi ro. Mặc dù TV2 là công ty số 1 về tư vấn, xây dựng và đâu tư về điện, nhưng do tính chất làm các dự án nên doanh thu, lợi nhuận có thể không đều giữa các quý. Cùng với đó, đại dịch Covid 19 lan rộng có thể làm trễ một số dự án trong thời gian tới.

Tuần qua, trong bối cảnh đại dịch lan rộng, trong khi nhiều nhà đầu tư trong nước ồ ạt bán ra, thì các quỹ đầu tư nước ngoài đã lặng lẽ mua ròng khoảng 2.500 tỷ đồng. Cách tư duy chọn lựa cổ phiếu và cách hành động của các nhà đầu tư chuyên nghiệp rất đáng để nhà đầu tư mới bình tâm tham khảo, để tìm cho mình phương pháp chọn cơ hội đầu tư tốt. Chọn lựa cơ hội trên nền tảng tốt của các doanh nghiệp thì hoạt động đầu tư sẽ bền và hiệu quả hơn trong bối cảnh bất thường của đại dịch còn kéo dài./.

TS. Trần Xuân Nam (Oxford DBA), CEO CTCP Tư Vấn Sao Nam

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư