e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Cần tiết kiệm chi tiêu để thêm nguồn cho đầu tư phát triển

15:47 | 14/07/2021 Print
Trong bối cảnh nền kinh tế, doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề xuất cần thắt chặt, tiết kiệm chi thường xuyên để tập trung cho đầu tư, phát triển đất nước.

Nên làm rõ tác động của Covid-19 đến doanh nghiệp

Trong phiên họp thứ 58, theo Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025, kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Góp ý cho các vấn đề trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, cần đánh giá sâu hơn những điểm yếu ảnh hưởng đến nền tài chính, nhất là ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đề nghị Chính phủ đánh giá về số doanh nghiệp rút khỏi thị trường, làm rõ thực trạng về tác động của dịch Covid-19 đến doanh nghiệp, từ đó làm cơ sở định hướng tài chính cho những năm tiếp theo.

Cần tiết kiệm chi tiêu để thêm nguồn cho đầu tư phát triển
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ đánh giá về số doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Ảnh: QH

“Nên đưa ra những kịch bản, phương án tăng trưởng hàng năm, giai đoạn để có cơ sở cho cả 5 năm. Phải có giải pháp thực hiện triệt để, thắt chặt, tiết kiệm chi thường xuyên để tập trung cho đầu tư. Phải đảm bảo tối đa an toàn nợ công, ngưỡng an toàn của nợ Chính phủ, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô. Chính sách kinh tế vĩ mô cần mang tính dài hạn, phải quan tâm phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy sự kết nối doanh nghiệp trong nước với người tiêu dùng…”, ông Mẫn đề xuất.

Liên quan đến hoạt động đầu tư, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, hiện đầu tư cho lĩnh vực giao thông thủy và hàng hải còn rất hạn chế, ít được quan tâm. Do đó, cần bổ sung thêm nội dung liên quan đến phát triển hạ tầng của lĩnh vực đường thủy, quan tân đến hệ thống cảng biển, cảng sông, đặc biệt là các tuyến đường kết nối với các cảng; có cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển đội tàu, bao gồm tàu vận tải hành khách, hàng hóa và nguồn nhân lực cho vận tải biển...

“Đề nghị làm rõ hơn về vùng động lực, cực tăng trưởng để thực sự đi vào thực tiễn, tạo được sự lan tỏa trong thời gian tới. Làm rõ cơ chế, chính sách cho vùng động lực và cực tăng trưởng. Đề nghị xác định rõ cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo hay như họp Trung ương có dùng từ là ‘nhạc’ trưởng để điều hành vùng, liên vùng...”, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề xuất.

Bà Thanh cũng cho rằng, tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, nên đề nghị cần phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Báo cáo của Chính phủ đề cấp đến "cá thể hóa trách nhiệm" và cho rằng đây là một chế định hay, thể hiện việc chúng ta có những bước cụ thể hơn về khâu tổ chức thực hiện, song cần phải được cụ thể bằng những quy định để thể hiện cá thể hóa trách nhiệm này…

Khắc phục tình trạng “đổ thừa cho cơ chế”

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết: “Khi về địa phương chỗ nào cũng kêu vướng luật, nhưng cuối cùng có vướng đâu, làm được hết. Đó là do cách tổ chức công việc, cách bố trí, cách hiểu…”.

“Trong tổ chức thực hiện, thể chế là vấn đề hết sức quan trọng. Đây là vấn đề đã được Trung ương, cũng như Đại hội Đảng đặt vấn đề từ lâu. Nhiệm kỳ này đặt vấn đề thể chế phát triển, chứ không thể chế kinh tế thị trường nữa. Vấn đề này rất mới nên phải có tư duy mới về vấn đề thể chế trong nhiệm kỳ này…”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu góc nhìn.

Liên quan đến sửa hệ thống pháp luật, ông Định cho rằng, phải có một chương trình từ Chính phủ, Quốc hội đang làm chương trình của Quốc hội. Tuy nhiên, Quốc hội chỉ làm về luật, còn dưới luật là Chính phủ và các địa phương phải làm…

Cũng liên quan đến vấn đề thể chế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, trước hết phải thể chế hóa kịp thời các chủ trương, định hướng lớn của Đảng tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đây là vấn đề rất lớn nhưng báo cáo của Chính phủ chưa đề cập.

Cần tiết kiệm chi tiêu để thêm nguồn cho đầu tư phát triển
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý đừng cái gì cũng đổ thừa cho cơ chế. Ảnh: QH

“Phải khắc phục 2 khuynh hướng. Một là bảo thủ, sai mà không sửa. Hai là đổ thừa cho cơ chế. Xu hướng thứ hai dường như đang nổi lên rất mạnh. Chúng ta phải nhìn thẳng việc này, đừng cái gì cũng đổ thừa cho cơ chế. Cơ chế gồm có luật, có nghị định, có thông tư, có văn bản hướng dẫn. Vấn đề thuộc cấp nào, thì phải có trách nhiệm rà soát để sửa; phải xác định là sửa cái gì, sửa thế nào. Trong khi hiện nay chúng ta chỉ kêu thôi mà không sửa gì cả…”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh./.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư