e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện/Chính sách

Doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ liên ngành về pháp lý

15:07 | 15/07/2021 Print
Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số cơ quan chức năng sẽ hợp tác liên ngành, hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nền kinh tế.

Đó là một trong những nội dung tại Quyết định 1146/QĐ-BTP về Kế hoạch triển khai các hoạt động năm 2021 của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025, vừa được Bộ Tư pháp ban hành.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ liên ngành về pháp lý
Quyết định 1146/QĐ-BTP quy định 3 nhóm hoạt động chính hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Quyết định 1146/QĐ-BTP quy định 3 nhóm hoạt động chính hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thứ nhất là nhóm hoạt động cung cấp thông tin pháp lý, chẳng hạn, xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý, Các bản án, quyết định của tòa án; phán quyết, quyết định của trọng tài thương mại; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến doanh nghiệp có hiệu lực thi hành và được phép công khai hoặc kết nối với Cổng thông tin điện tử công khai các văn bản này; các văn bản tư vấn pháp luật của mạng lưới tư vấn viên pháp luật đối với các vụ việc, vướng mắc pháp lý theo yêu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa.; cập nhật, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu pháp luật trong và ngoài nước để hỗ trợ hoạt động cung cấp thông tin pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Nhóm thứ hai là hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật, thông qua việc tổ chức các chương trình, hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người quản lý, điều hành, người phụ trách công tác pháp chế và người lao động của doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm nâng cao kiến thức pháp luật của người quản lý, điều hành, người phụ trách công tác pháp chế và người lao động của doanh nghiệp nhỏ và vừa với các chuyên đề liên quan đến thực tế hoạt động đầu tư kinh doanh sản xuất.

Nhóm thứ ba là hoạt động tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, thông qua việc tổ chức các hội nghị đối thoại về các chuyên đề pháp lý chuyên sâu giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hiệp hội, hội doanh nghiệp, chuyên gia, người quản lý, điều hành, người phụ trách công tác pháp chế của doanh nghiệp, hỗ trợ xử lý vướng mắc, khó khăn khi thực thi pháp luật giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền…

Theo Quyết định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tham gia phối hợp vào các hoạt động cụ thể như xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu pháp luật; Xây dựng các chuyên mục nâng cao kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên các phương tiện truyền thông; Tổ chức hội nghị, diễn đàn đối thoại với doanh nghiệp nhỏ và vừa; Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Tư vấn pháp luật qua diễn đàn, đối thoại...

Theo thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm 2021 đến nay, Việt Nam có thêm 67.083 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký 942.648 tỷ đồng. Đa số các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ.

Hồng Lĩnh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư