e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Dự báo kinh tế

Chúng ta chống chịu với những cú sốc kinh tế, chứ không phải tránh các cú sốc!

15:54 | 15/07/2021 Print
Nhấn mạnh về yêu cầu cải cách vẫn phải được thực hiện trong bối cảnh COVID-19, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp CIEM cho rằng, cải cách thể chế là phải chủ động chuẩn bị thể chế trong nước theo thông lệ quốc tế tốt, cùng với tham gia xây dựng thông lệ mới phù hợp.

Thời điểm nay không chỉ là vượt qua những thách thức từ đại dịch Covid-19, mà còn phải bắt nhịp với đà phục hồi của thế giới. Nếu không nhanh chân, tăng trưởng của Việt Nam sẽ chậm hơn so với các nước trong khu vực và không nắm bắt được cơ hội từ sự phục hồi nhanh chóng của các đối tác lớn.

Cải cách để phục hồi tăng trưởng bền vững
Nếu không nhanh chân, tăng trưởng của Việt Nam sẽ chậm hơn so với các nước trong khu vực. Ảnh minh họa

Nhiều điểm tích cực trong công tác điều hành của Chính phủ 6 tháng đầu năm

Trong 6 tháng đầu năm 2021, bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế không thực sự thuận lợi hơn so với năm 2020. Chỉ một thời gian ngắn sau khi ứng phó thành công với đợt dịch thứ ba trong quý I/2021, đất nước đã phải ứng phó với đợt dịch thứ tư trong quý II/2021, với biến thể Delta có sức lây lan nhanh và diễn biến khá phức tạp.

“Đặt trong bối cảnh ấy, khung chính sách điều hành hướng “mục tiêu kép” mà Việt Nam đã thực hiện một cách thành thục trong năm 2020 có ý nghĩa quan trọng, song không đủ”, theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp (CIEM) nhận định.

Với hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), ngày 15/7/2021, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021: Cải cách để phục hồi tăng trưởng bền vững”.

Nhận định rằng, công tác điều hành của Chính phủ trong 6 tháng đầu năm có không ít điểm tích cực, ông Nguyễn Anh Dương đã chỉ ra 5 điểm nổi bật nhất.

Thứ nhất, công tác điều hành giữ được tâm lý bình tĩnh, tạo sự linh hoạt, uyển chuyển cần thiết, trên cơ sở rút kinh nghiệm từ những đợt dịch trước, cũng như học hỏi từ cộng đồng quốc tế.

“Công tác truyền thông có đóng góp quan trọng vào ổn định tâm lý thị trường, cũng như giúp chia sẻ các kinh nghiệm tốt của doanh nghiệp để ứng phó với đại dịch COVID-19”, ông Dương nói.

Thứ hai, Chính phủ và các bộ, ngành cũng tích cực tham vấn, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, qua đó có những cân nhắc trực diện hơn đối với những kiến nghị mới như cho phép doanh nghiệp chủ động nhập khẩu vắc-xin chống COVID-19, hỗ trợ cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho hoạt động lưu thông hàng hóa và đi lại giữa các địa phương trong bối cảnh dịch bệnh…

Thứ ba, công tác điều hành tiếp tục duy trì sự bài bản, gắn với việc cập nhật và đánh giá các kịch bản tăng trưởng, đặc biệt lưu tâm đến diễn biến đại dịch COVID-19.

Thứ tư, Chính phủ vẫn giữ được dư địa chính sách để ứng phó với các kịch bản trong tương lai.

Thứ năm, đà cải cách môi trường kinh doanh vẫn được tiếp nối từ giai đoạn 2014-2020, không bị ngắt quãng ngay cả khi Chính phủ ưu tiên phòng chống dịch.

Ông Dương nêu rõ, rút kinh nghiệm từ ba đợt dịch trước, Chính phủ đã tiếp cận điều hành trong đợt dịch thứ tư đã có sự linh hoạt cần thiết để vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Chính phủ tiếp tục kiên định với các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các biện pháp hỗ trợ tiếp tục được thực hiện, điều chỉnh nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, qua đó góp phần vào ổn định xã hội.

Chính phủ mới đã khẩn trương vào nhịp điều hành, kế thừa khung chính sách đã có trong năm 2020 và đi trực diện, linh hoạt hơn vào xử lý những vấn đề về phòng dịch và phục hồi kinh tế trong bối cảnh mới.

Nhiều đề xuất mới đã được cân nhắc một cách cầu thị, quyết liệt hơn, như cho phép doanh nghiệp trong khu công nghiệp nối lại hoạt động sản xuất khi đảm bảo điều kiện phòng chống dịch (thay vì đóng cửa chờ khi dịch được kiểm soát), cho doanh nghiệp nhập vắc-xin, phê duyệt các loại vắc-xin khác nhau trong bối cảnh còn nhiều ý kiến khác nhau về “ngoại giao vắc-xin”...

Những vấn đề “kinh niên” như giải ngân đầu tư công, thể chế liên kết vùng, thúc đẩy tín dụng vào lĩnh vực sản xuất… hay những nội dung mới, như phát triển kinh tế số, phục hồi xanh... tiếp tục được nhận diện và xử lý.

Đồng thời, nhiều giải pháp, nhiệm vụ hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số để tạo sức bật cho nền kinh tế trong dài hạn và thúc đẩy thực hiện hiệu quả các FTA mới tiếp tục là ưu tiên trong các tháng đầu năm 2021.

Liên quan đến phát triển kinh tế số nói chung và chuyển đổi số nói riêng, ngày 11/5/2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phê duyệt và ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với kỳ vọng sẽ đổi mới toàn diện hoạt động quản lý của NHNN theo hướng hiện đại, trên cơ sở ứng dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu của CMCN 4.0, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, chỉ số về chuyển đổi số của Chính phủ.

UNCTAD đã công bố Chỉ số Thương mại điện tử Doanh nghiệp-đến-Khách hàng (B2C) năm 2020, theo đó, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 9 ở khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Tây Á và thứ 63 trên toàn cầu, tăng một bậc so với năm 2019.

Báo cáo xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu (GCI) của Tổ chức viễn thông quốc tế (ITU) công bố gần đây cho thấy Việt Nam đã tăng 25 bậc trong vòng 2 năm, vươn lên vị trí thứ 25 trên tổng số 194 quốc gia, vùng lãnh thổ; thứ 7 trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN.

Việc thúc đẩy thực hiện hiệu quả các FTA mới cũng tiếp tục là ưu tiên của Chính phủ trong năm tháng đầu năm 2021. Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BCT quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA). Theo đó, từ 27/6/2021, hàng hóa có xuất xứ Vương quốc Anh nhập khẩu vào Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan theo UKVFTA và được phép tự chứng nhận xuất xứ khi giá trị của lô hàng dưới 6.000 Euro.

Đối với lô hàng có trị giá trên 6.000 Euro, chỉ có nhà xuất khẩu đủ điều kiện theo quy định của Vương quốc Anh (UK) mới được tự chứng nhận xuất xứ. Tương tự với Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ được phép tự chứng nhận xuất xứ với những lô hàng có giá trị không quá 6.000 Euro. Với lô hàng có trị giá trên 6.000 Euro, áp dụng cơ chế chứng nhận tự xuất xứ (C/O) do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp.

Cải cách để phục hồi tăng trưởng bền vững
Nhấn mạnh về yêu cầu cải cách vẫn phải được thực hiện trong bối cảnh COVID-19, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, chúng ta chống chịu với những cú sốc kinh tế, chứ không phải tránh các cú sốc. Vì thế, cải cách thể chế là phải chủ động chuẩn bị thể chế trong nước theo thông lệ quốc tế tốt cùng với tham gia xây dựng thông lệ mới phù hợp.

Các thành viên APEC đang tìm kiếm những hướng đi mới, những yêu cầu cải cách mới để bảo đảm vừa phục hồi, vừa tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế trước những cú sốc trong tương lai. Hội nghị Bộ trưởng APEC về cải cách cơ cấu 2021 do New Zealand chủ trì với chủ đề “Cải cách cơ cấu và phục hồi từ những cú sốc kinh tế” đã được tổ chức ngày 16/6/2021 và đã thảo luận Chương trình Nghị sự mở rộng về cải cách cơ cấu (EAASR) giai đoạn 2021-2025 với bốn trụ cột: (i) Tạo môi trường thuận lợi cho các thị trường mở, minh bạch và cạnh tranh; (ii) Thúc đẩy phục hồi kinh doanh và khả năng chống chịu trước các cú sốc trong tương lai; (iii) Đảm bảo các nhóm trong xã hội đều có quyền tiếp cận bình đẳng với các cơ hội hướng tới tăng trưởng bao trùm hơn, bền vững hơn và hạnh phúc hơn; và (iv) Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ và kỹ năng mới để cải thiện năng suất và mức độ số hóa.

Vừa phải vượt qua Covid-19, vừa phải bắt nhịp với đà phục hồi của thế giới

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, Việt Nam vẫn gắn chặt với xu hướng của thế giới; trong đó, nền kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với 3 trắc trở lớn.

Một là, tình hình khan hiếm nguồn cung tiếp tục gia tăng, cạnh tranh đầu vào vẫn diễn ra mạnh mẽ, đẩy giá cả hàng hoá leo thang.

Hai là, một số quốc gia tạm dừng chính sách nới lỏng tiền tệ trong bối cảnh lạm phát vọt lên mức đỉnh trong nhiều năm trở lại đây. Nhiều quốc gia đang theo dõi sát sao diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Ba là, năng lực logistics không còn đảm bảo như trước đại dịch Covid-19, chi phí thuê container rỗng tăng chóng mặt trong suốt thời gian qua.

“Những điều trên “ngấm” vào kinh tế Việt Nam làm tăng trưởng đối mặt nhiều thách thức”, ông Thành nhận định.

Trong khi đó, hiện nay, tăng trưởng giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới diễn ra không đồng đều. Nhiều định chế tài chính lớn hạ dự báo tăng trưởng ở một số quốc gia khu vực ASEAN do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Trung Quốc, quốc gia phục hồi mạnh mẽ nhất trong nửa đầu năm 2021 trong khu vực châu Á cũng cho thấy nhiều dấu hiệu chững lại trong khoảng vài ngày gần đây. Ở chiều ngược lại, một số đối tác lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu… lại đang có triển vọng tăng trưởng tích cực.

“Vì vậy, chiến thuật của Việt Nam ở thời điểm này không chỉ là vượt qua những thách thức từ đại dịch Covid-19 mà còn phải bắt nhịp với đà phục hồi của thế giới. Nếu không nhanh chân, tăng trưởng của Việt Nam sẽ chậm hơn so với các nước trong khu vực và không nắm bắt được cơ hội từ sự phục hồi nhanh chóng của các đối tác lớn”, ông Thành chỉ rõ.

Dẫu vậy, nền kinh tế vẫn đối mặt với những rủi ro như diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 với sự xuất hiện của biến thể mới, áp lực lạm phát và sự tăng giá của các mặt hàng nguyên nhiên liệu đầu vào… Do đó, phục hồi kinh tế vẫn phải gắn với cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế, cải cách doanh nghiệp, cải cách đầu tư…

“Do đó, CIEM nên xây dựng thêm kịch bản xấu hơn với giả định việc kiểm soát dịch bệnh sẽ kéo dài hơn so với 2 kịch bản được đưa ra. Điều này nhằm dự phòng phương án “phòng thủ” tốt nhất, tránh lúng túng trong chuẩn bị và tập hợp lực lượng như trường hợp của TP. Hồ Chí Minh vừa qua”, ông Thành khuyến nghị.

Theo các chuyên gia của CIEM, trong các tháng cuối năm 2021, Việt Nam cần tiếp tục định hình cách tiếp cận đối với một số vấn đề cải cách chính sách kinh tế.

“Trong những quá trình này, Việt Nam có thể cân nhắc tham gia đối thoại chính sách, chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác, song không thể cầu toàn hay chờ đợi đến khi có nghiên cứu thấu đáo bài học thành công và thất bại của các nước đi trước”, ông Nguyễn Anh Dương khuyến nghị.

Dù đã trở thành nước thu nhập trung bình, Việt Nam vẫn có không ít cơ hội để tiếp nhận các hỗ trợ kỹ thuật để hoàn thiện hơn các cải cách nói trên. Các FTA mới như CPTPP, EVFTA hay RCEP đều có những Chương riêng về Hợp tác và nâng cao năng lực, hay Hợp tác kinh tế và kỹ thuật. Hợp tác trong khung khổ APEC, ASEAN... cũng có không ít dư địa cho các hỗ trợ kỹ thuật đối với các lĩnh vực cải cách cơ cấu.

“Dù vậy, những hỗ trợ kỹ thuật ấy sẽ chỉ thực sự có ý nghĩa nếu Việt Nam mạnh dạn nhìn thẳng vào những lĩnh vực cải cách cần ưu tiên, kể cả những lĩnh vực chậm chuyển biến hay những lĩnh vực đã “chạm trần cải cách””, ông Dương chỉ rõ.

Nhấn mạnh về yêu cầu cải cách vẫn phải được thực hiện trong bối cảnh COVID-19, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, cần tránh tư duy về độc lập, tự chủ của nền kinh tế theo hướng chỉ có “phòng thủ”. Theo ông Dương, chúng ta chống chịu với những cú sốc kinh tế, chứ không phải tránh các cú sốc. Vì thế, cải cách thể chế là phải chủ động chuẩn bị thể chế trong nước theo thông lệ quốc tế tốt cùng với tham gia xây dựng thông lệ mới phù hợp.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, nhóm chuyên gia của CIEM nhấn mạnh yêu cầu đối với một số vấn đề cải cách chính sách kinh tế; trong đó: (i) bảo đảm có sự song hành giữa chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách kinh tế vi mô trong quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế, hướng tới phục hồi xanh và phục hồi bền vững; (ii) hoàn thiện tư duy về nâng cao năng lực nội tại, mức độ tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh mới, gắn với thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; và (iii) nhanh chóng hoàn thiện căn bản khung pháp lý cho đổi mới sáng tạo nói chung và kinh tế số nói riêng./.

Phương Anh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư