e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Có nhân sự do Trung ương giới thiệu không trúng đại biểu Quốc hội

14:36 | 20/07/2021 Print
“Cơ cấu đại biểu trúng cử có nơi chưa đạt, một số trường hợp nhân sự do Trung ương giới thiệu về địa phương ứng cử nhưng không trúng cử; vẫn có nơi bầu chưa đủ số lượng đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã…”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết.

Cơ cấu đại biểu trúng cử có nơi chưa đạt

Trong Chương trình Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV khai mạc sáng (ngày 20/7), Quốc hội nghe Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng bầu cử quốc gia Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo ông Mẫn, trong cuộc bầu cử ngày 23/5/2021, cử tri cả nước đã bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội khóa XV. Tuy nhiên, trong quá trình xem xét xác nhận tư cách người trúng cử theo quy định của pháp luật, Hội đồng bầu cử quốc gia đã quyết định không xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV vì không bảo đảm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật đối với 1 trường hợp. Do đó, đã có 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa...

Bên cạnh những kết quả tích cực, ông Mẫn, cho biết, cuộc bầu cử lần này vẫn còn một số hạn chế như: công tác rà soát danh sách cử tri, nắm số lượng cử tri thường trú và tạm trú trên địa bàn ở một số đơn vị hành chính cấp xã còn chậm, gặp khó khăn do số lượng cử tri tạm trú thường xuyên biến động; việc xác định quyền bầu cử của cử tri cách ly y tế tập trung còn lúng túng, nhất là cử tri được cách ly y tế tập trung tại đơn vị hành chính cấp xã mình cư trú. Ở một vài nơi, tỷ lệ người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là phụ nữ, người dân tộc thiểu số chưa đạt so với quy định.

Cũng theo Mẫn, ở một số khu vực bầu cử còn để xảy ra nhầm lẫn trong việc đóng dấu phiếu bầu; sai sót trong in ấn tiểu sử tóm tắt của ứng cử viên, danh sách chính thức người ứng cử không sắp xếp đúng thứ tự; phiếu bầu in sai tên đệm của một số ứng cử viên đại biểu HĐND cấp xã...

Những hạn chế, bất cập trên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội chủ yếu do tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào đúng thời điểm cận kề ngày bầu cử với diễn biến phức tạp. Việc tổ chức bầu cử với yêu cầu bảo đảm nghiêm ngặt về an toàn, đúng pháp luật trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 là chưa có tiền lệ, tạo áp lực, thách thức rất lớn cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và những người trực tiếp làm công tác bầu cử ở địa phương, dẫn đến một số nơi trong quá trình triển khai còn lúng túng. Hướng dẫn về quy trình tổ chức rà soát, xét duyệt tiêu chuẩn chính trị của người ứng cử có nội dung chưa rõ ràng, thiếu ràng buộc trách nhiệm. Một số nơi chưa thực hiện tốt công tác giới thiệu người ứng cử, nên chưa bảo đảm dự kiến về cơ cấu, thành phần đại biểu HĐND…

“Tuy nhiên, những sai sót, khiếm khuyết trên chỉ là cá biệt và đều đã được các cơ quan phụ trách bầu cử khắc phục, xử lý kịp thời theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật…”, ông Mẫn nói.

Nhiều đề xuất mới

Trên cơ sở những thành công và một số hạn chế trên, ông Trần Thanh Mẫn cho biết, Hội đồng bầu cử quốc gia đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan tiến hành tổng kết, tổng hợp những kiến nghị, đề xuất của các tổ chức về những bài học kinh nghiệm trong cuộc bầu cử lần này để nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của pháp luật về bầu cử. Chẳng hạn như việc đổi mới hình thức tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử theo hình thức trực tiếp và trực tuyến; việc thành lập mới, duy trì hoặc giải thể khu vực bỏ phiếu do số lượng cử tri có biến động; việc phân luồng, điều tiết để cử tri đi bầu cử theo giờ…

Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương Đảng thống nhất hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về tiêu chuẩn chính trị, độ tuổi và sức khỏe của người ứng cử để bảo đảm kịp thời, thống nhất. Việc dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội cần có tiêu chí cụ thể hơn, bảo đảm sát với tình hình thực tế ở địa phương; cần có cơ chế phù hợp để các địa phương được tham gia ý kiến trong quá trình dự kiến cơ cấu, thành phần, dự kiến phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

“Cùng với xem xét vướng mắc liên quan đến quy định việc in tài liệu phục vụ bầu cử, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, các ứng dụng số trong việc lập, rà soát danh sách cử tri, phát thẻ cử tri, xác nhận cử tri đi bỏ phiếu… để bảo đảm nhanh chóng, chính xác...”, ông Mẫn nói./.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư