e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện/Kinh tế - Xã hội

Việt Nam nên linh hoạt lạm phát mục tiêu, rộng đường cho tăng trưởng kinh tế

18:03 | 20/07/2021 Print
Việt Nam cần nghiên cứu “ngưỡng lạm phát” phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế, để đặt ra mục tiêu lạm phát trung hạn, thay vì mục tiêu lạm phát từng năm. Trong 5 năm, 2021-2025, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,5-7%, chúng ta cần thực hiện chính sách tài khoá và tiền tệ linh hoạt, mở rộng, chấp nhận có những năm lạm phát vượt mục tiêu 4%.

Điểm khác biệt trong kiểm soát tốt lạm phát ở Việt Nam

Việt Nam nên linh hoạt lạm phát mục tiêu, rộng đường cho tăng trưởng kinh tế
TS. Nguyễn Bích Lâm

Để đưa nền kinh tế Việt Nam trở lại đà tăng của những năm trước, đồng thời thực hiện định hướng phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025 với tốc độ tăng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5%-7%, đòi hỏi chúng ta phải thực hiện chính sách tài khoá và tiền tệ linh hoạt, mở rộng, chấp nhận lạm phát vượt mục tiêu 4%.

Nền kinh tế đi qua nửa chặng đường năm 2021 với bức tranh tương đối khả quan trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát. Những gam màu sáng có thể kể đến như tổng sản phẩm trong nước 6 tháng đầu năm tăng 5,64%; vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng 7,2%; kim ngạch xuất khẩu hàng hoá ước đạt 157,6 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hoá đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1%...

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước và lạm phát cơ bản 6 tháng tăng 0,87%. Đây là các mức tăng thấp nhất trong 5 năm qua, tạo dư địa để thực hiện chính sách tài khoá và tiền tệ mở rộng, phục hồi nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng, đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát. Lạm phát cơ bản thấp hơn mức CPI bình quân chung, phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu và giá gas tăng.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 1,47% do các yếu tố: giá xăng dầu và giá gas điều chỉnh tăng theo giá thế giới; giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp Tết Nguyên đán; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở như xi măng, sắt, thép, cát tăng cao; bên cạnh đó giá dịch vụ giáo dục cũng là yếu tố tác động làm tăng lạm phát.

Như vậy, nhìn chung lạm phát đang được kiểm soát tốt. Các yếu tố làm tăng chỉ số CPI tại Việt Nam tương đối giống với các quốc gia khác trên thế giới, đó là giá xăng dầu, giá gas, giá lương thực tăng. Điểm khác biệt trong kiểm soát tốt lạm phát ở Việt Nam đó là tình hình dịch bệnh phức tạp, khiến nhu cầu của nền kinh tế phục hồi chậm, do vậy, Việt Nam chưa phải chịu áp lực đến từ tổng cầu tăng cao; mặt bằng CPI 6 tháng đầu năm 2020 tương đối cao, do vậy, chỉ số CPI 6 tháng đầu năm 2021 tăng thấp.

Áp lực lạm phát trong thời gian tới

Liên minh châu Âu cho rằng, lạm phát có thể đạt đỉnh trong năm 2021. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nên lạm phát gia tăng trên thế giới năm 2021 có thể ảnh hưởng đến kinh tế nước ta trên nhiều góc độ.

Với quan điểm rộng cửa hội nhập, kinh tế nước ta có độ mở lớn. Sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và giá cả trong nước chịu tác động rất mạnh từ tổng cầu của kinh tế thế giới, từ biến động giá nguyên nhiên vật liệu, hay thị trường tài chính toàn cầu tác động lên tỷ giá hối đoái. Trong 6 tháng cuối năm 2021 và các năm 2022-2023, kinh tế thế giới được dự báo có sự phục hồi mạnh mẽ, nhất là tại các quốc gia đã triển khai tiêm vắc-xin phòng chống Covid-19 trên quy mô lớn và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả. Chỉ số quản trị người mua hàng (PMI) cho thấy, kinh tế thế giới có sự mở rộng sản xuất kinh doanh trong 11 tháng liên tiếp, đặc biệt chỉ số PMI tháng 4/2021 cao nhất trong 11 năm qua. Chỉ số PMI tháng 6/2021 của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Vương quốc Anh, Đức đều trên 60 điểm; Trung Quốc trên 50 điểm.

Giá nguyên nhiên vật liệu, hàng hóa tăng cao tại nhiều quốc gia. Kinh tế thế giới phục hồi nhanh, khiến nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng cao đột biến, trong khi nguồn cung chưa theo kịp nhu cầu, giá các mặt hàng gia tăng là hệ quả tất yếu. Giá năng lượng, lương thực, kim loại và khoáng chất, đặc biệt là sắt, thép, chi phí logistics, vận chuyển quốc tế đều có tốc độ tăng cao. Các tổ chức dự báo năng lượng quan trọng của thế giới gồm OPEC, Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA) và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đều dự báo rằng, nhu cầu dầu thô sẽ tăng cao trong nửa cuối năm nay. Các nhà phân tích năng lượng thì dự báo, giá dầu thô có thể đạt mức 80 USD/thùng trong quý III/2021, khi giá dầu thô đã đạt mức 75USD/thùng trong một số phiên đầu tháng 7/2021. Họ cũng dự báo giá dầu thô có thể chạm ngưỡng 100 USD/ thùng vào mùa hè năm 2022.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc, giá lương thực trên thị trường thế giới trong tháng 5/2021 tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 9/2011; giá ngô tăng 88%; đậu tương tăng 73%; ngũ cốc và các sản phẩm từ sữa tăng 38%.

Lạm phát dự báo tăng trong năm 2021, tuy nhiên nhiều quốc gia thận trọng trong việc điều chỉnh chính sách, do lo ngại ảnh hưởng đến quá trình hồi phục nền kinh tế. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhận định, CPI tháng 5/2021 tăng cao chủ yếu do mặt bằng CPI năm 2020 ở mức thấp và các yếu tố làm tăng giá chỉ là tạm thời. Với nhận định này, FED đã không điều chỉnh tăng lãi suất và tiếp tục giữ lạm phát mục tiêu bình quân 2%.

Liên minh châu Âu cho rằng, lạm phát có thể đạt đỉnh trong năm 2021 do giá năng lượng tăng và chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) của các quốc gia trong khối. Tuy nhiên, lạm phát sẽ dần ổn định trở lại trong năm 2022, khi tác động của các yếu tố trên suy giảm và nguồn cung được phục hồi trở lại.

Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nên lạm phát gia tăng trên thế giới trong năm 2021 có thể ảnh hưởng đến kinh tế nước ta trên nhiều góc độ. Thứ nhất, ảnh hưởng làm tăng giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trong nước. Giá dầu thô và giá các loại lương thực tăng sẽ làm tăng chi phí sản xuất, phí vận tải, tăng giá thức ăn chăn nuôi và thực phẩm trong nước. Thứ hai, ảnh hưởng đến cân đối thương mại do giá trị nhập khẩu gia tăng mạnh hơn giá trị xuất khẩu, vì xuất khẩu gặp khó khăn do dịch bệnh. Thứ ba, ảnh hưởng đến đầu tư công và đầu tư xây dựng nói chung, do giá nguyên vật liệu tăng cao khiến hoạt động thi công, xây dựng bị gián đoạn.

Bên cạnh đó, sự tăng giá của một số mặt hàng do thiếu hụt nguồn cung có thể trong dài hạn như: thiếu hụt chip bán dẫn để sản xuất ô tô, hàng điện tử… Sự thiếu hụt chip bán dẫn dự báo có thể kéo dài đến năm 2023, khiến nhiều quốc gia có kế hoạch đẩy mạnh đầu tư để tự chủ về nguồn cung. Thiếu hụt chip bán dẫn có thể tác động đến hoạt động sản xuất của nền kinh tế có độ mở cao và phụ thuộc vào ngành chế biến, chế tạo của nước ta. Đây vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội lớn cho Việt Nam để chủ động thu hút đầu tư, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng hàng hóa trên thế giới.

Áp lực lạm phát trong các tháng còn lại năm 2021 có thể gia tăng do các yếu tố sau: Kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi nhanh do các quốc gia tăng cường tiêm vắc-xin; nhu cầu trong nước gia tăng trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát; giá một số nguyên vật liệu đầu vào trong nước ở mức cao, tạo áp lực tăng giá một số sản phẩm; mặt bằng chỉ số CPI trong các tháng cuối năm 2020 thấp, trong khi các yếu tố giúp kiềm chế lạm phát suy giảm.

Sáu tháng đầu năm 2021, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 4,79%, đặc biệt chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 6,83%, dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,97%; dùng cho xây dựng tăng 3,91%, giá sắt thép trong thời gian vừa qua tăng trên 40%… Đây đều là các yếu tố gây nên lạm phát chi phí đẩy, sẽ tạo áp lực lớn lên chỉ số CPI của toàn nền kinh tế trong nửa cuối của năm 2021.

TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ ẤN TƯỢNG, NHƯNG TIỀM ẨN NHIỀU THÁCH THỨC

Phục hồi kinh tế toàn cầu đang trở lại, nhưng đại dịch Covid-19 đang làm sâu sắc thêm tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng đối với các nền kinh tế đang phát triển. Vì vậy nỗ lực phối hợp toàn cầu trong đẩy mạnh việc phân phối vắc-xin và giãn nợ có ý nghĩa quan trọng để phục hồi tăng trưởng.

Tháng 6 năm 2021, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố dự báo về triển vọng kinh tế toàn cầu trong hai năm 2021 và 2022, với nhận định sẽ có phục hồi mạnh mẽ của các nền kinh tế lớn. Kinh tế thế giới dự báo tăng 5,6% năm 2021, cao hơn 1,5 điểm phần trăm so với dự báo vào tháng 1/2021. Đến năm 2022, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 4,3%. Kinh tế Mỹ dự báo tăng 6,8% năm 2021 và tăng 4,2% năm 2022. Dự báo quy mô GDP của Mỹ sẽ đạt mức trước đại dịch vào quý II năm 2021, đạt tốc độ phục hồi kinh tế “cực nhanh” so với quãng thời gian trên 3 năm để phục hồi nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (năm 2008).

Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được dự báo tăng trưởng 8,5% vào năm 2021 và 5,4% năm 2022. Số liệu tương ứng của khu vực châu Âu là 4,2% và 4,4%; Nhật Bản là 2,9% và 2,6%. Ấn Độ - Nền kinh tế lớn mới nổi dự báo tăng trưởng kinh tế đạt 8,3% năm 2021 và 7,5% năm 2022.

Đối với thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, WB dự báo, năm 2021 tăng trưởng sẽ đạt 6% do tổng cầu và giá hàng hoá tăng. Tuy vậy sự phục hồi kinh tế của các nước thuộc nhóm này (không bao gồm Trung Quốc) bị kéo chậm lại do đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Cùng với đó, nhiều quốc gia chậm triển khai tiêm vắc-xin, vì bị bỏ lại phía sau trong tiến trình vắc-xin hoá toàn cầu.

Tính đến giữa tháng 6/2021, nếu như các nước phát triển đã có 73 liều vắc-xin trên 100 người dân, thì các nước thu nhập trung bình cao chỉ có 43 liều/100 dân, còn các nước thu nhập trung bình thấp chỉ có 12 liều/100 dân. Các nước chậm phát triển thậm chí mới chỉ có 3 liều/100 dân. Do không đủ tiềm lực kinh tế để thực hiện chính sách kích thích tài khoá quy mô lớn nhằm tạo cú bật thoát ra khỏi suy thoái, WB dự báo tăng trưởng kinh tế của những nước này (không bao gồm Trung Quốc) chỉ khoảng 4,4% năm 2021 và 4,7% năm 2022.

Mặc dù phục hồi kinh tế toàn cầu đang trở lại, nhưng đại dịch Covid-19 tiếp tục làm sâu sắc thêm tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng đối với các nền kinh tế đang phát triển. Vì vậy nỗ lực phối hợp toàn cầu trong đẩy mạnh việc phân phối vắc-xin và giãn nợ có ý nghĩa quan trọng để phục hồi tăng trưởng, giảm nghèo và bất bình đẳng cho các nền kinh tế đang phát triển.

Cắt giảm chi phí thương mại quốc tế như giảm chi phí logistics, xoá bỏ các thủ tục thương mại qua biên giới không cần thiết…, sẽ thúc đẩy thương mại quốc tế của các nền kinh tế đang phát triển. Mặc dù những chi phí này đã được cắt giảm trong suốt 15 năm qua, nhưng chi phí thương mại của các nước đang phát triển vẫn cao hơn 1,5 lần các nước phát triển.

Nỗ lực tối ưu hoá, minh bạch và đơn giản hoá quy trình thương mại; tạo dựng hạ tầng giao thông và quản trị tốt hơn; khuyến khích chia sẻ thông tin nhiều hơn; thúc đẩy cạnh tranh trong nước đối với lĩnh vực logistics, thương mại bán buôn và bán lẻ sẽ giảm đáng kể chi phí thương mại quốc tế. Khi các nền kinh tế đang phát triển phục hồi từ đại dịch, cắt giảm chi phí thương mại quốc tế sẽ tạo môi trường dẫn dắt các nền kinh tế này tái hoà nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó thúc đẩy phát triển thương mại quốc tế.

Thập kỷ 2021-2030, liên kết thương mại và chuỗi giá trị toàn cầu sẽ là động lực phát triển kinh tế quan trọng đối với các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt đối với Việt Nam. Tuy vậy, đại dịch Covid-19 chưa biết bao giờ kết thúc đang khiến những dự báo trở nên khó thành hiện thực. Tăng trưởng thương mại toàn cầu đang có xu hướng chậm lại trong bối cảnh này.

Lạm phát mục tiêu và tăng trưởng kinh tế

Lạm phát thấp là một yếu tố đảm bảo tăng trưởng bền vững, nhưng không phải là yếu tố kích thích tăng trưởng cao trong dài hạn. Ngược lại lạm phát cao không phù hợp với tăng trưởng bền vững. Các nền kinh tế phát triển, ngưỡng lạm phát ở 2%-3%; các nền kinh tế đang phát triển ngưỡng lạm phát ở 4%-7%.

Tăng trưởng kinh tế, việc làm và lạm phát là những chỉ tiêu vĩ mô quan trọng, nhạy cảm phản ánh thay đổi thu nhập và mức sống của người dân, sự thịnh vượng của một quốc gia. Đại dịch Covid-19 đã gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu khi năm 2020 ghi nhận với mức tăng trưởng âm 3,5%; các nền kinh tế phát triển tăng trưởng âm 4,7% (trong đó Mỹ âm 3,5%, khu vực châu Âu âm 6,6%); thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển tăng trưởng âm 1,7%.

Sau khi khống chế từng phần đại dịch, tuỳ vào thực tế nội lực của nền kinh tế, chính phủ các nước đã và đang thực hiện nhiều giải pháp kinh tế mạnh, với quy mô lớn, để vực dậy nền kinh tế như: nới lỏng chính sách tiền tệ, mở rộng chính sách tài khoá, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Các giải pháp này đã làm tăng tổng cầu, chấp nhận đánh đổi lạm phát vượt mục tiêu để đạt tăng trưởng kinh tế.

Ngày 10/03/2021, chính sách kinh tế của Mỹ và có thể là của thế giới rẽ sang một khúc quanh mới với “Kế hoạch 1.900 tỷ USD giải cứu nước Mỹ”, tương đương với 10% GDP của Hoa Kỳ - được thông qua. Đây là kế hoạch khổng lồ, nhưng cũng cần tính luôn cả gói kích cầu 900 tỷ USD trước đó, được chính quyền Trump thông qua vào tháng 12 năm 2020 và trước nữa là gói kích cầu 1.700 tỷ USD nhằm hỗ trợ nền kinh tế và người dân Mỹ. Như vậy, tổng cộng đến nay, Chính quyền Mỹ thông qua 2 đời Tổng thống đã bơm thêm 4.500 tỷ USD, tương đương với 25 % GDP của Mỹ để khắc phục hậu quả Covid-19. Với chính sách hỗ trợ khổng lồ như vậy, lạm phát của Mỹ trong 12 tháng, tính đến tháng 5/2021, đã tăng 0,6 điểm, tăng tháng thứ bảy liên tiếp, trong khi triển vọng lạm phát ba năm tăng lên 3,6% so với mức 3,1% trước đó. Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 5/2021 đã tăng lên 5%.

Trước thời điểm Quốc hội Mỹ thông qua gói kích thích kinh tế khổng lồ 1.900 tỷ USD, ngày 10/12/2020 các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận về ngân sách dài hạn cùng gói phục hồi kinh tế trị giá 1.800 tỷ Euro (2.190 tỷ USD) nhằm giải quyết những hậu quả về kinh tế, xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra.

Tại một nền kinh tế khác, Ấn Độ, ngày 28/6/2021, Chính phủ Ấn Độ đã công bố gói các biện pháp trị giá gần 85 tỷ USD dành cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch, trong đó tập trung vào lĩnh vực y tế, doanh nghiệp và du lịch. Ấn Độ đã nâng trần giới hạn của Chương trình bảo lãnh tín dụng khẩn cấp thêm 50%, từ 40,4 tỷ USD trước đó lên 60,6 tỷ USD để hỗ trợ khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Ngoài ra, Ấn Độ cũng triển khai Chương trình bảo lãnh tín dụng để cung cấp các khoản vay cho những người vay quy mô nhỏ thông qua các tổ chức tài chính vi mô.

Tại Ấn Độ, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ chấp nhận lạm phát cao hơn mục tiêu trung hạn 4%, để tập trung mọi nguồn lực vào phục hồi kinh tế khi đã đất nước này vừa trải qua đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất thế giới. Chỉ số giá tiêu dùng của Ấn Độ đang dao động trên mốc 5% trong 3 tháng của 5 tháng đầu năm 2021, song các nhà hoạch định chính sách đã “bỏ qua” mức tăng này, đồng thời vẫn giữ quan điểm “ôn hòa” về vấn đề lạm phát cho đến khi có thể khôi phục được nhịp độ tăng trưởng kinh tế lâu dài và bền vững.

Ủy ban thiết lập chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ khẳng định, mức lạm phát cao hơn sẽ có lợi cho tăng trưởng tại các nền kinh tế mới nổi. Đối với Ấn Độ, tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức tối đa nếu lạm phát ở mức khoảng 6%, ngược lại, tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức tối thiểu nếu lạm phát tăng lên 9,5%.

Nền kinh tế có ngưỡng lạm phát theo nghĩa khi lạm phát cao hơn ngưỡng sẽ tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế, ngược lại khi lạm phát thấp hơn ngưỡng không kích thích tăng trưởng. Lạm phát thấp là yếu tố quan trọng đảm bảo tăng trưởng bền vững, nhưng không phải là yếu tố kích thích tăng trưởng cao trong dài hạn. Ngược lại lạm phát cao không phù hợp với tăng trưởng bền vững. Đối với các nền kinh tế phát triển, ngưỡng lạm phát ở mức 2%-3%; đối với các nền kinh tế đang phát triển ngưỡng lạm phát ở mức 4%-7%.

Kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020 luôn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát bình quân tăng 3,15%/năm, thấp hơn mục tiêu 4% của Quốc hội đề ra; tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 5,99%/năm, nếu loại trừ năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, bình quân giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng GDP đạt 6,78%/ năm. Có thể thấy, trong giai đoạn 2016-2020 chúng ta đặt lạm phát mục tiêu 4% là phù hợp, giữ ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng ở mức khá trong bối cảnh kinh tế thế giới ổn định, thương mại toàn cầu và các chuỗi liên kết kinh tế không đứt gãy.

Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đang khẩn trương thực hiện chương trình vắc-xin toàn cầu (Chương trình Covax), nhằm bảo toàn tính mạng người dân và khôi phục nhanh nhất hoạt động kinh tế xã hội. Các nền kinh tế lớn thực hiện nhiều giải pháp kích thích và hỗ trợ sản xuất, tăng tổng cầu, có thể dẫn tới giá nguyên nhiên vật liệu, giá hàng hoá và dịch vụ tăng lên trong thời gian tới.

Với Việt Nam, do nền kinh tế có độ mở lớn, nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất phải nhập khẩu từ bên ngoài, sẽ làm cho giá hàng hoá và dịch vụ trong nước tăng. Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu gây nên bởi đại dịch Covid-19, năm 2020, tăng trưởng kinh tế của nước ta chỉ đạt 2,91% thấp hơn rất nhiều mức tăng 7, 08 % và 7,02% của năm 2018 và 2019. Để đưa nền kinh tế trở lại mức tăng của những năm trước đại dịch, đồng thời thực hiện định hướng phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 với tốc độ tăng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5%-7%, đòi hỏi chúng ta phải thực hiện chính sách tài khoá và tiền tệ linh hoạt, mở rộng, chấp nhận lạm phát vượt mục tiêu 4% của Quốc hội, nhưng vẫn nằm trong ngưỡng kiểm phát. Đây là điều cần thực hiện trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đều đánh đổi lạm phát mục tiêu để thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết việc làm, đưa nền kinh tế trở lại bình thường của giai đoạn trước đại dịch.

VIỆT NAM NÊN LINH HOẠT LẠM PHÁT MỤC TIÊU, RỘNG ĐƯỜNG CHO TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

Từ kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam cần nghiên cứu “ngưỡng lạm phát” phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế, để đặt ra mục tiêu lạm phát trung hạn, thay vì mục tiêu lạm phát từng năm.

TS. Nguyễn Bích Lâm

Để phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời kiểm soát lạm phát, Chính phủ Việt Nam cần nghiên cứu thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần đẩy nhanh quá trình tiêm vắc-xin cho nhân dân để đạt được tỷ lệ tiêm chủng miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất, tạo cơ sở quan trọng đưa nền kinh tế trở lại hoạt động bình thường, thúc đẩy hoạt động sản xuất, du lịch trong nước và quốc tế;

Thứ hai, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng thúc đẩy tăng trưởng. Dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến tổng cầu suy giảm, thị trường lao động chưa phục hồi, nền kinh tế chưa tận dụng hết tiềm năng. Trong khi đó chỉ số CPI còn ở mức thấp. Do vậy, trước mắt cần duy trì chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng. Đồng thời tiếp tục thực hiện việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ dòng tiền vào các kênh đầu tư như ngoại tệ, vàng, bất động sản… để kiểm soát rủi ro, nguy cơ ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, thúc đẩy nguồn vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh;

Thứ ba, cần khẩn trương xây dựng và thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, kích cầu khu vực du lịch dịch vụ, có giải pháp cụ thể hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp và hộ kinh doanh;

Thứ tư, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công gắn liền với tăng cường hiệu quả sử dụng vốn. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công có vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, không chỉ tăng tổng cầu, mà còn nâng cao năng lực và tổng cung của nền kinh tế, tạo lập cơ sở hạ tầng thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, đầu tư công còn lan toả tới đầu tư ngoài nhà nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài khi cứ tăng 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước. Do vậy, đầu tư công phải bảo đảm hiệu quả, có tính lan tỏa cao, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh để thúc đẩy bên cung của nền kinh tế trong dài hạn;

Thứ năm, đẩy mạnh cải cách thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các khoản chi phí không hợp lý để cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng là giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng tổng cung của nền kinh tế, giảm áp lực lạm phát;

Thứ sáu, nghiên cứu “ngưỡng lạm phát” phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế, để đặt ra mục tiêu lạm phát trung hạn thay vì mục tiêu lạm phát từng năm. Khi nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi, các chính sách kích thích tăng tổng cầu sẽ thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế. Lạm phát có thể gia tăng trong ngắn hạn, vì tổng cầu tăng nhưng có độ trễ từ phía cung do doanh nghiệp cần thời gian nắm bắt nhu cầu thị trường, điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh. Lạm phát sẽ giảm trở lại khi nguồn cung của nền kinh tế tăng. Do vậy, điều hành lạm phát cần bảo đảm linh hoạt, thích ứng với từng giai đoạn của nền kinh tế.

Thứ bảy, chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, giảm áp lực lạm phát. Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong ngắn hạn cần nghiên cứu chính sách và giải pháp cắt giảm chi phí sản xuất, nhập khẩu kịp thời nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất; đồng thời tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện có hành vi đầu cơ, tích trữ, thao túng giá, đặc biệt đối với các mặt hàng đã có dấu hiệu giảm giá trên thị trường quốc tế. Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong dài hạn (như chip bán dẫn), cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư để thúc đẩy sản xuất các mặt hàng trên, chủ động nguồn nguyên vật liệu, tăng tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

Thứ tám, theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát trong nước. Đặc biệt, cần đánh giá, phân biệt kỹ các mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn, để từ đó có chính sách phù hợp đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Đồng thời thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá của Nhà nước như xăng dầu, dịch vụ y tế, giáo dục. Nghiên cứu thời điểm, mức độ điều chỉnh giá xăng dầu, dịch vụ do nhà nước quản lý tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế.

Thứ chín, thực hiện hiệu quả hoạt động truyền thông, nhằm thông tin kịp thời, chính xác và rõ ràng các chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, loại bỏ thông tin sai lệch về giá cả thị trường, không để xảy ra hiện tượng lạm phát do tâm lý từ thông tin sai lệch gây ra./.

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư