Bộ Công thương - Nông nghiệp hợp sức, tháo gỡ lưu thông hàng hóa các tỉnh phía Nam

18:42 | 21/07/2021 Print
Sau chỉ đạo thành lập “Tổ công tác đặc biệt” của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/7/2021, ngay lập tức, 2 tổ công tác đặc biệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương đã triển khai các giải pháp tháo gỡ cho lưu thông hàng hóa các tỉnh phía Nam.

Nguồn cung hàng hóa thiết yếu đủ cho nhu cầu của người dân

Sáng ngày 20/7 tại TP. Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đã có cuộc làm việc nhằm giải quyết, tháo gỡ ách tắc, khó khăn trong vận chuyển, cung ứng hàng hóa tại các tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 ở khu vực phía Nam.

Bộ Công thương - Nông nghiệp hợp sức, tháo gỡ lưu thông hàng hóa các tỉnh phía Nam
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và Thứ trưởng Trần Thanh Nam tại cuộc làm việc

Theo ghi nhận của 2 Tổ công tác, hiện tại nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có thể đáp ứng đủ cho nhu cầu của người dân, nhưng vẫn còn một số ách tắc trong vận chuyển, lưu thông, phân phối. Vì vậy, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn này.

Liên quan đến vấn đề nguồn cung hàng hóa cho phía Nam, đại diện của Tổ công tác đặc biệt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, tổng lượng hàng hóa cung cấp cho toàn vùng và cho TP. Hồ Chí Minh có thể đáp ứng đủ. Tuy nhiên, việc thiếu hay tăng giá cục bộ ở một vài khu vực của TP. Hồ Chí Minh là có. Do đó, ngành Công thương và các cơ quan chức năng liên quan của Thành phố cần nhận diện chính xác nhu cầu của địa phương, chủng loại, số lượng...

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Tổ công tác đặc biệt do một đồng chí Thứ trưởng phụ trách, phối hợp chặt chẽ với TP. Hồ Chí Minh và các địa phương phía Nam giải quyết ngay những nhiệm vụ phát sinh trong công tác phòng, chống dịch và những vấn đề liên quan.

Bên cạnh đó, ngành Công thương cũng cần xác định được các điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng, từ đó đưa ra được các giải pháp và sự phối hợp với các ngành liên quan như nông nghiệp, y tế, giao thông vận tải để giải quyết, xử lý.

Hơn nữa, các địa phương đều cho biết đang gặp khó trong khâu vận chuyển và đề xuất các bộ, ngành sớm có giải pháp khắc phục.

Về vấn đề này, theo đại diện Tổ công tác đặc biệt Bộ Công thương, ngay khi thành lập tổ công tác đã làm việc với các hệ thống phân phối lớn tại TP. Hồ Chí Minh về tình hình giá cả các mặt hàng thiết yếu hàng ngày, so sánh giá trước và sau thời điểm thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16; trao đổi thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình cung ứng hàng hóa ra thị trường.

Xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, tăng giá bất hợp lý

Sáng nay (21/7), Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cùng các đơn vị của Bộ đã đi kiểm tra 3 chợ truyền thống trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh: Chợ An Đông (quận 5), chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) và chợ Bình Thới (quận 11).

Bộ Công thương - Nông nghiệp hợp sức, tháo gỡ lưu thông hàng hóa các tỉnh phía Nam
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đi kiểm tra chợ truyền thống ở TP. Hồ Chí Minh

Qua kiểm tra thực tế, Thứ trướng Đỗ Thắng Hải đề nghị lãnh đạo UBND thành phố cũng như các sở, ban, ngành tiếp tục nghiên cứu và có biện pháp để tạo điều kiện cho các chợ truyền thống mở cửa trở lại, nhằm giảm áp lực phân phối hàng hóa cho các kênh siêu thị và tạo điều kiện cho người dân khi mua hàng.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, thời gian qua tại thị trường TP. Hồ Chí Minh có hiện tượng một số mặt hàng giá cao hơn bình thường và một số mặt hàng chưa đủ cung ứng cho nhu cầu cho người dân. Bộ Công Thương đang và sẽ tiếp tục làm việc các Bộ, ngành liên quan cũng như các sở ngành của thành phố để tăng nguồn cung, đảm bảo giá cả hợp lý.

Đồng thời, Bộ Công thương đã chỉ đạo quyết liệt để xử lý nghiêm tất cả những hành vi đầu cơ, tăng giá bất hợp lý theo đúng quy định của pháp luật./.

Theo báo cáo của Tổ Công tác đặc biệt Bộ Công thương, ngày 20/7, lượng khách mua sắm tại chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở TP. Hồ Chí Minh giảm so với các ngày trước đó và đi vào ổn định. Tại hệ thống chợ, mãi lực chợ giảm nhẹ 5% đến 10% so với ngày 19/7. Tại hệ thống siêu thị, mãi lực ngày 19/7 giảm 15% so với ngày 18/7 và gần 25% so với ngày thường.

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư