e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Cần “làm tinh” bộ máy bên trong các bộ

11:41 | 22/07/2021 Print
Cho ý kiến về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, các ý kiến trong Ủy ban Pháp luật của Quốc hội ủng hộ việc giữ ổn định cơ cấu Chính phủ, nhưng cần làm tinh gọn bộ máy bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ.

Ủng hộ giữ nguyên cơ cấu 22 đầu mối

Dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, theo Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XV vừa họp phiên toàn thể lần thứ nhất để thẩm tra Tờ trình về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026).

Cần “làm tinh” bộ máy bên trong các bộ
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp thẩm tra Tờ trình về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Ảnh: QH

“Cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 được xây dựng theo hướng tiếp tục kế thừa, ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ theo khóa XIV nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ…”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết như vậy, khi trình bày Tờ trình về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Cũng theo bà Trà, trong quá trình xây dựng cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV, có những ý kiến đề xuất phương án đổi tên một số bộ, ngành và sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối một số bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Chính phủ đã tổ chức nghiên cứu, thảo luận rất kỹ lưỡng, khoa học, thận trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, Chính phủ phải tập trung chỉ đạo thực hiện “mục tiêu kép” vừa quyết liệt chống dịch, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, giải quyết an sinh xã hội, nên trước mắt giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 là cần thiết, phù hợp.

Cần “làm tinh” bộ máy bên trong các bộ
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đọc Tờ trình về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: QH

Căn cứ Kết luận của Bộ Chính trị tại Văn bản số 1108-CV/VPTW ngày 23/6/2021 của Văn phòng Trung ương Đảng về cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV, với chỉ đạo ‟trước mắt giữ ổn định về tên gọi, cơ cấu tổ chức, số lượng các bộ và cơ quan ngang bộ của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 như khóa XIV”, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV giữ ổn định như khoá XIV, với 22 cơ quan, gồm: 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ.

Theo đó, 18 bộ gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế.

4 cơ quan ngang bộ gồm: Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội ủng hộ phương án giữ cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, với 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ.

Cần “làm tinh” bộ máy bên trong các bộ, ngành

Mặc dù đồng tình với phương án giữ ổn định cơ cấu bộ máy Chính phủ như hiện tại, nhưng các thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẳng thắn cho rằng, việc thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế còn hạn chế, nhất là tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ. Do đó, đề nghị Chính phủ trong nhiệm kỳ mới cần đề ra giải pháp hiệu quả, kiên quyết lãnh đạo, chỉ đạo để khắc phục tồn tại, hạn chế...

Mặt khác, để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ, các thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm xây dựng lộ trình kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ đáp ứng yêu cầu Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, với yêu cầu “một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”, kiện toàn, sắp xếp tổ chức thu gọn đầu mối… Cần rà soát kỹ các nội dung giao thoa giữa các bộ, cơ quan ngang bộ để có phương án giải quyết triệt để, đẩy mạnh sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong các bộ.

Cần “làm tinh” bộ máy bên trong các bộ
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, việc giữ cơ cấu tổ chức Chính phủ như hiện hành là phù hợp. Ảnh: QH

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận qua quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, lấy ý kiến các cơ quan hữu quan, trên cơ sở đánh giá tình hình thực tiễn cho thấy, việc giữ cơ cấu tổ chức Chính phủ như hiện hành là phù hợp. Nếu như cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ trong nhiệm kỳ mới không có gì thay đổi, thì không cần thiết phải có quy định về khẩn trương ban hành Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ để giảm bớt các quy trình, thủ tục không cần thiết.

Theo Chương trình của Kỳ họp thứ Nhất đang diễn ra, Quốc hội sắp quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; bầu Thủ tướng Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ. Trong đó, đáng chú ý là cơ cấu Chính phủ trước đây có 5 Phó Thủ tướng, nhưng tại Kỳ họp này, dự kiến trước mắt Quốc hội kiện toàn 4 Phó Thủ tướng với cơ bản là các Phó Thủ tướng tái cử./.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư