e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Thắng "giặc" Covid-19 mới... lợi cho phát triển kinh tế

16:01 | 25/07/2021 Print
Tuy chủ đề thảo luận là kinh tế-xã hội, nhưng trong ý kiến phát biểu của nhiều đại biểu Quốc hội, đều xoay quanh câu chuyện rất thời sự là nếu không “thắng” Covid-19, thì khó có cửa cho phát triển kinh tế - xã hội.

Dồn sức cho trận chiến thắng “giặc”

Khi thảo thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch 6 tháng cuối năm 2021, diễn ra hôm nay (ngày 25/7), theo VGP, có một điểm đáng chú ý là trong đa phần các ý kiến phát biểu của mình, nhiều đại biểu Quốc hội đề cập đến hoạt động phòng, chống Covid-19. Rất nhiều ý kiến cho rằng, một khi chúng ta không thắng “giặc” Covid-19, thì phát triển kinh tế, xã hội đối diện với “cửa hẹp”. Do đó, cần dồn mạnh các nguồn lực cho trận chiến đấu với “quân giặc” chưa có tiền lệ này.

Thắng Covid-19 mới... lợi cho phát triển kinh tế
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, phải khống chế dịch bệnh càng nhanh càng tốt. Ảnh: QH

Từ bài học của một địa phương thấm thía với sức tấn công của “giặc”, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nói: “Tôi đồng tình với việc Quốc hội trao ‘thượng phương bảo kiếm’ cho Chính phủ ‘ra trận’ để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới...”.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, với chủ trương hành động “chống dịch như chống giặc” tuy “kẻ thù” rất mạnh và lại vô hình, nên mọi hành động quyết sách đều phải quyết liệt, quyết tâm cao. Việc Quốc hội đồng ý cho Chính phủ thực hiện những hành động mạnh mẽ là rất cần thiết. Đề nghị Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa đưa vaccine về Việt Nam và đồng ý cho doanh nghiệp chủ động tiếp cận nguồn vaccine cho nhân viên. Cần có vaccine “made in Vietnam” càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, các đại biểu lưu ý việc chống dịch phải đảm bảo sự linh hoạt trong thực hiện “mục tiêu kép”, tránh thái quá, không phù hợp.

“Một số địa phương áp dụng biện pháp phòng, chống dịch thái quá, ví dụ không cho xe chở nông sản đi qua dù đã có giấy kiểm dịch. Tôi đánh giá cao việc Chính phủ đã sớm chỉ đạo các địa phương này có sự điều chỉnh phù hợp để bảo đảm chống dịch nhưng không ‘ngăn sông cấm chợ’. Thời gian tới, kiến nghị Chính phủ triển khai phần mềm liên thông để kịp thời hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Cũng cần rà soát sức chống chịu của doanh nghiệp để có biện pháp căn cơ trong thời gian sắp tới...”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nói.

Cảnh báo một khía cạnh khác cần lưu ý trong quá trình tổ chức triển khai phòng, chống dịch, Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội ) cho rằng, Chính phủ cần có những hoạt động kiểm soát chặt chẽ trong quá trình triển khai các chính sách phòng chống dịch, tránh tình trạng bị trục lợi trong thực hiện chính sách. Chính phủ cần chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường hơn nữa việc thúc đẩy giải ngân gói 26.000 tỷ đồng để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên tinh thần công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng pháp luật…

Hỗ trợ cho phục hồi sản xuất, kinh doanh

Song song với hoạt động phòng, chống dịch, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề nghị, Chính phủ cần chủ động điều hành chính tiền tệ, tài chính linh hoạt, hỗ trợ tích cực, hiệu quả người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, cũng như chú trọng tháo gỡ khó khăn về thể chế cho sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công…

Thắng Covid-19 mới... lợi cho phát triển kinh tế
Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, trong huy động các nguồn lực đầu tư cần phải có các giải pháp cụ thể, tránh trình trạng đầu tư dàn trải, gây thất thoát, lãng phí. Ảnh: QH

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt quan tâm đến xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi tường, đề cao tính thực chất của báo cáo, tránh những báo cáo đánh giá một cách hời hợt, manh tính hình thức, thiếu thực chất.

“Cần tập trung tối đa nguồn lực kinh tế của đất nước cho những nhiệm vụ cấp bách, phải loại bỏ, cắt giảm những dự án không hợp lý, xử lý dứt điểm các dự án đang thua lỗ… Phải tăng cường quản lý thuế, chống thất thu, giải ngân các gói hỗ trợ đến đúng tay người cần...”, Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đồng Nai) hiến kế.

Sắp tới, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) cho rằng, Chính phủ cần dành sự quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân, thi công các dự án giao thông mang tính kết nối liên vùng cũng như quan tâm đầu tư cho các dự án thủy lợi để tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp – một bệ đỡ, một ngành kinh tế chủ lực của đất nước.

“Cần tách riêng hợp phần giải phóng mặt bằng thành một dự án khác, qua đó tập trung tháo gỡ khó khăn, xử lý hiệu quả vấn đề giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, tạo dựng hạ tầng tốt cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội...”, ông Sơn kiến nghị.

Đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước (Quảng Nam) đề xuất, để bảo đảm nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa việc xây dựng bộ máy trong sạch, vững mạnh, tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, cắt giảm các khâu trung gian; giảm chi thường xuyên, triệt để thực hành tiết kiệm chống lãng phí; có các chính sách thỏa đáng trong thu hút nhân tài vào làm việc tại các cơ quan nhà nước; kiên quyết tinh giản những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, năng lực làm việc kém…/.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư