Covid-19 khiến giải ngân vốn FDI giảm mạnh trong tháng 7/2021

12:24 | 27/07/2021 Print
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong tháng dẫn tới một số nhà máy bị ngưng hoặc giảm công suất, vốn thực hiện trong tháng 7 giảm 14,3% so với tháng 7/2020 và giảm 39,7% so với tháng trước.
Ảnh minh họa: TTXVN
Ảnh minh họa: TTXVN

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 20/7/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 16,7 tỷ USD, bằng 88,9% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 10,5 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Tính tới 20/07/2021, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 10,5 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong tháng dẫn tới một số nhà máy bị ngưng hoặc giảm công suất, vốn thực hiện trong tháng 7 giảm 14,3% so với tháng 7/2020 và giảm 39,7% so với tháng trước.

Thực tế tình hình 7 tháng đầu năm có nhiều biến động đặc thù hơn so với 7 tháng đầu năm 2020, như các đợt bùng phát dịch lần thứ 3 và thứ 4 với các biến thể nguy hiểm hơn. Theo Thủ tướng Chính phủ, nhìn tổng thể, chúng ta đã và đang thực hiện tốt mục tiêu kép. Nhiều ổ dịch lớn đã được ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi như tại Bắc Ninh, Bắc Giang; cuộc sống trở lại bình thường; phần lớn các nhà máy, doanh nghiệp đã hoạt động trở lại.

Điều đáng lo ngại là dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường tại một số địa phương, như TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh Đông Nam Bộ. Trong khi những địa phương này được coi là thủ phủ FDI của Việt Nam.

“Tuy nhiên, tính cả 7 tháng đầu năm vốn thực hiện FDI vẫn tăng nhẹ”, Bộ Kế hoạch và Đầu nhận định chung.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có 1.006 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giảm 37,9%), tổng vốn đăng ký đạt 10,13 tỷ USD (tăng 7% so với cùng kỳ); 561 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 9,4%), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 4,54 tỷ USD (giảm 3,7% so với cùng kỳ); 2.403 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN), giảm 46,1%, tổng giá trị vốn góp đạt gần 2,05 tỷ USD, giảm 55,8% so với cùng kỳ.

Theo lĩnh vực đầu tư, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 7,9 tỷ USD, chiếm 47,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy sức hấp dẫn của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài; và là dấu hiệu tích cực của tăng trưởng kinh tế những năm tới.

Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,49 tỷ USD, chiếm 32,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt 1,16 tỷ USD và gần 631 triệu USD. Còn lại là các lĩnh vực khác.

Trong thời gian nay, Singapore là đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam trong 86 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 5,92 tỷ USD, chiếm gần 35,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, con số này lại giảm 7,8% so với cùng kỳ 2020.

Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,54 tỷ USD, chiếm gần 15,2% tổng vốn đầu tư, tăng 58,2% so với cùng kỳ.

Điều đáng mừng là vốn đầu tư của Singapore và Nhật Bản chủ yếu theo hình thức đầu tư mới, chiếm lần lượt 81% và 68,3% tổng vốn đăng ký của 2 quốc gia này.

Hàn Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,2 tỷ USD, chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư, giảm 22,2% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan…

Trong 7 tháng đầu năm, Long An tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,58 tỷ USD, chiếm 21,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đến là TP. Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 1,78 tỷ USD, chiếm 10,7% tổng vốn đầu tư. Bình Dương đứng thứ ba với 1,33 tỷ USD, chiếm gần 8% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Cần Thơ, Hải Phòng, Hà Nội… Tính theo địa bàn đầu tư, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 57 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Kim ngạch xuất khẩu của khu vực ĐTNN tiếp tục tăng, song mức độ tăng giảm nhẹ so với 6 tháng đầu năm 2021. Xuất khẩu kể cả dầu thô ước đạt 135,8 tỷ USD, tăng 28,9% so với cùng kỳ, chiếm 73,7% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt gần 135 tỷ USD, tăng 29,3% so với cùng kỳ, chiếm 73,2% kim ngạch xuất khẩu.

Nhập khẩu của khu vực ĐTNN ước đạt 120,9 tỷ USD, tăng 37,6% so cùng kỳ và chiếm 64,7% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung, khu vực ĐTNN xuất siêu gần 14,9 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 14,1 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 17,4 tỷ USD.

Tính lũy kế, cả nước có 33.967 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 399 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 242,36 tỷ USD, bằng 60,7% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Cũng liên quan đến dòng vốn FDI, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện Đề án Chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Tháng 5/2021, trong một chia sẻ với báo chí về tư duy thu hút vốn ngoại, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã và đang làm thay đổi suy nghĩ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhiều nhà đầu tư không cần đến Việt Nam vẫn có thể đầu tư một lượng tiền lớn vào Việt Nam thông qua con đường góp vốn, mua cổ phiếu của doanh nghiệp nội địa. Thực tế này khiến cách tiếp cận trong thu hút, chọn lọc vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cần đổi mới, để nắm bắt cơ hội trong tình hình mới.

Tại phiên thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, chiều 25/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã lo ngại, thu hút nguồn vốn FDI, sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu suy giảm. Vì thế, Chính phủ đã chỉ đạo thành lập ngay một tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Thường trực sẽ tiến hành rà soát các khó khăn, vướng mắc cũng như tháo gỡ các thủ tục của tất cả các dự án thuộc mọi thành phần kinh tế để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chỉ rõ, cần khẩn trương đánh giá lại hiệu quả đầu tư và các chính sách thu hút đầu tư FDI trong giai đoạn qua, từ đó có chính sách phù hợp hơn, tăng tính ràng buộc hơn đối với các doanh nghiệp FDI nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư có năng lực, công nghệ thật sự cao, đầu tư vào lĩnh vực Việt Nam khuyến khích, qua đó mang lại giá trị gia tăng lớn hơn.

“Bên cạnh đó, chúng ta phải có lộ trình để các doanh nghiệp trong nước từng bước tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, cung ứng, nhất là khâu nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm, đồng thời phải bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho người lao động Việt Nam trước mắt và lâu dài”, Bộ trưởng nhấn mạnh./.

Một số dự án lớn trong 7 tháng đầu năm 2021

(1) Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD với mục tiêu truyền tải và phân phối điện, sản xuất điện tại Long An (cấp GCNĐKĐT ngày 19/3/2021).

(2) Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD với mục tiêu xây dựng một nhà máy nhiệt điện nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho lưới điện khu vực và hệ thống điện quốc gia tại Cần Thơ (cấp GCNĐKĐT ngày 22/01/2021).

(3) Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD (GCNĐT điều chỉnh cấp ngày 04/02/2021).

(4) Dự án Nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (Đài Loan), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 610 triệu USD (GCNĐT điều chỉnh cấp ngày 13/5/2021).

(5) Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam (Hồng Kông), tổng vốn đầu tư đăng ký 498 triệu USD với mục tiêu sản xuất tấm quang năng và sản xuất thiết bị điện khác tại Quảng Ninh (GCNĐKĐT ngày 29/3/2021).

An Nhi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư