Khuyến khích tất cả doanh nghiệp nhập khẩu trực tiếp vaccine về Việt Nam

10:33 | 28/07/2021 Print
Bộ Y tế khuyến khích tất cả cộng đồng doanh nghiệp nhập khẩu trực tiếp vaccine về Việt Nam, nếu có uỷ quyền chính thức của nhà sản xuất, đồng thời sẽ có hướng dẫn về việc các cá nhân, tổ chức đã chuyển tiền tài trợ Quỹ Vaccine được ưu tiên sử dụng vaccine.

Đối với địa phương đã đăng ký làm việc với Bộ Y tế và cho biết có thể tiến hành mua vaccine của các doanh nghiệp, tập đoàn, Bộ Y tế sẵn sàng tạo điều kiện cho địa phương tiếp cận.

Chuyển tiền tài trợ Quỹ Vaccine sẽ được ưu tiên sử dụng vaccine

Đến ngày 28/7/2021, Việt Nam có 117.121 người nhiễm Covid-19, trong đó có 93.647 người đang điều trị. Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 tính đến nay mới tiếp nhận được chưa tới 8.242 tỷ đồng ủng hộ từ người dân.

Trước thực tế nhiều doanh nghiệp, tổ chức đề xuất việc cho phép được đàm phán, tìm nguồn và nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 để tiêm miễn phí cho nhân dân; xin được giữ lại một phần bằng vaccine sau khi đóng góp vào Quỹ Vaccine phòng COVID-19 Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ và có văn bản hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp tiếp cận các nguồn cung vaccine trên thế giới.

Cũng theo chỉ đạo, Bộ Y tế cần có văn bản hướng dẫn và thực hiện thống nhất về tỷ lệ ưu tiên sử dụng vaccine đối với các tổ chức, cá nhân đã chuyển tiền tài trợ Quỹ Vaccine phòng COVID-19 Việt Nam.

Khuyến khích tất cả doanh nghiệp nhập khẩu trực tiếp vaccine về Việt Nam
Bộ Y tế sẽ tiếp tục đưa ra các chính sách khuyến khích, động viên nhiều hơn các địa phương, doanh nghiệp tham gia vào quá trình tìm kiếm vaccine phòng COVID-19

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị cũng như Nghị quyết 21 của Chính phủ, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với tất cả các bộ, ban ngành cũng như khuyến khích tất cả các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị tham gia vào tìm kiếm, nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 để có nguồn vaccine sử dụng cho người dân Việt Nam nhanh nhất, sớm nhất và rộng nhất.

Tới đây, Bộ Y tế tiếp tục đưa ra các chính sách khuyến khích, động viên nhiều hơn các địa phương, doanh nghiệp tham gia vào quá trình tìm kiếm vaccine phòng COVID-19.

Theo đó, Bộ Y tế sẽ tạo điều kiện tối đa cho tất cả các địa phương và đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình nhập khẩu, cấp phép nhập khẩu, kiểm định vaccine. Kể cả trong trường hợp nhà sản xuất yêu cầu về trách nhiệm miễn trừ thì Bộ Y tế sẽ có trách nhiệm báo cáo với Chính phủ và Bộ Y tế sẽ là cơ quan của Chính phủ thực hiện.

Trong trường hợp doanh nghiệp không có điều kiện tiêm chủng thì Bộ Y tế sẽ chỉ đạo hệ thống tiêm chủng của nhà nước thực hiện tiêm chủng vaccine này.

Bộ Y tế đã xem xét và rà soát lại tất cả các quy trình, thủ tục trong vấn đề về cấp phép và đánh giá kiểm định chất lượng. Đối với các loại vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép thì trong vòng 5 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ và uỷ quyền của nhà sản xuất, Hội đồng cấp phép về vaccine và sinh phẩm của Bộ Y tế sẽ tiến hành họp, thẩm định và cấp phép cho vaccine đó.

Đồng thời khi vaccine được nhập khẩu vào Việt Nam, trong vòng 2 ngày, nếu có đầy đủ hồ sơ hợp lệ về nhập khẩu vaccine vào Việt Nam và uỷ quyền của nhà sản xuất thì Hội đồng cấp phép về vaccine và sinh phẩm của Bộ Y tế sẽ tiến hành họp, thẩm định, rà soát lại toàn bộ hồ sơ và cho phép tiến hành xuất xưởng lô vaccine đó để có thể sử dụng theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới.

Bộ Y tế sẽ cắt giảm tối đa thời gian xử lý thủ tục hành chính, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng vaccine, đảm bảo an toàn vaccine và chống việc giả mạo vaccine.

Cần tăng niềm tin, công khai kế hoạch tiêm vaccine đến từng người dân

Khuyến khích tất cả doanh nghiệp nhập khẩu trực tiếp vaccine về Việt Nam
Đại biểu Phan Đức Hiếu: Cần phải có kế hoạch chi tiết trong phân bổ nguồn vaccine cũng như đối tượng được phân bổ

Góp tiền vào Quỹ vaccine phòng COVID-19 của Nhà nước là việc cần, nhưng cần hơn là Chính phủ mở cơ chế cho doanh nghiệp được tự đàm phán mua vaccine để bảo vệ chính mình.

- Phan Đức Hiếu -

Ngày 22/7/2021, tại kỳ họp Quốc hội Quốc hội khóa XV, ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội nêu quan điểm Chính phủ cần phải có kế hoạch chi tiết trong phân bổ nguồn vaccine cũng như đối tượng. Quan trọng hơn nữa là kế hoạch này phải được công khai để người dân biết, xây dựng kế hoạch cho cá nhân trong hoạt động cộng đồng. Với doanh nghiệp, khi biết được kế hoạch này, sẽ xây dựng kế hoạch, kịch bản để chống chọi với COVID-19.

Cũng theo ông Hiếu, kế hoạch này phải tính đến dài hạn để tăng niềm tin, giúp cho doanh nghiệp và người dân xây dựng một kế hoạch sinh sống ổn định cũng như làm việc.

Trước đó, trả lời phỏng vấn Kinh tế và Dự báo vào tháng 5/2021, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ: “Tôi mong mỏi Chính phủ hãy mở cơ chế “vaccine doanh nghiệp” theo đúng cách xã hội hóa vaccine để nhiều người được tự bảo vệ hơn, giảm áp lực cho ngành y, giảm áp lực cho Đất nước”. Góp tiền vào Quỹ vaccine phòng COVID-19 của Nhà nước là việc cần, nhưng cần hơn là Chính phủ mở cơ chế cho doanh nghiệp được tự đàm phán mua vaccine để bảo vệ chính mình. Đừng lo doanh nghiệp không thể mua được. Nếu chậm, nhiều doanh nghiệp sẽ chết và nền kinh tế sẽ lỡ chuyến tàu phục hồi tăng trưởng.

Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân cũng ủng hộ và mong mỏi Chính phủ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự tìm nguồn mua vaccine bảo vệ chính mình. Chia sẻ với Kinh tế và Dự báo, ông Lê Minh Tâm, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Yuanta cho biết, nguồn lực tài chính trong dân rất lớn, nếu Chính phủ tạo điều kiện cho phép doanh nghiệp đăng ký tự mua vaccine bảo vệ cho người lao động, người thân của người lao động thì Ngân sách sẽ giảm nhẹ gánh nặng chi phí và chuỗi sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp được bảo vệ tốt hơn.

Ông Chu Hải Công, Chánh văn phòng CEO Ngân hàng Quân đội ủng hộ việc mở cánh cửa cho doanh nghiệp tự tìm vaccine và cho rằng, khi nhiều người an toàn hơn, thì cả xã hội sẽ an toàn hơn và đặc biệt, chuỗi sản xuất trong doanh nghiệp sẽ không bị đứt quãng nếu người lao động được bảo vệ. Sự gắn kết giữa người lao động và nhà quản lý doanh nghiệp sẽ tốt hơn khi họ cùng bảo vệ nhau trong những biến cố bất thường của môi trường sống.

Thông điệp trên của Chính phủ, Bộ Y tế đưa ra trong bối cảnh tính đến ngày 28/7/2021, Việt Nam có 117.121 người nhiễm Covid-19, trong đó có 93.647 người đang điều trị. Được biết, Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 tính đến nay mới tiếp nhận được 8.242 tỷ đồng ủng hộ từ người dân, trong khi Bộ Tài chính cho biết, chi phí để mua 150 triệu liều vaccine đủ để tiêm miễn dịch cộng đồng là trên 25.000 tỷ đồng./.

Tổng giám đốc May 10: “Ngành may có quá nhiều đơn hàng, chúng tôi mong vaccine về sớm” Tổng giám đốc May 10: “Ngành may có quá nhiều đơn hàng, chúng tôi mong vaccine về sớm”

- Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty May 10 cho biết, một số bạn hàng của May 10 tại Bắc Giang đã ...

Tổng giám đốc Evepia: Chúng tôi muốn mua vaccine, bảo vệ người lao động và đại lý Tổng giám đốc Evepia: Chúng tôi muốn mua vaccine, bảo vệ người lao động và đại lý

- Chúng tôi luôn tin tưởng vào khả năng dập dịch của Việt Nam, nhưng việc áp dụng tiêm vaccine thần tốc để đẩy nhanh ...

Xã hội hóa vaccine: Chúng ta không còn thời gian nữa Xã hội hóa vaccine: Chúng ta không còn thời gian nữa

- Góp tiền vào Quỹ vaccine phòng COVID-19 của Nhà nước là việc cần, nhưng cần hơn là Chính phủ mở cơ chế cho doanh ...

Doanh nghiệp chi tiền mua vaccine, bảo vệ người lao động, được không? Doanh nghiệp chi tiền mua vaccine, bảo vệ người lao động, được không?

- Việt Nam có khoảng 13.000 doanh nghiệp lớn (vốn từ 100 tỷ đồng hoặc trên 300 người lao động). Nếu Chính phủ tạo con ...

Tường Vi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư